09/05/2020 11:52 GMT+7

Nông dân bán lớp đất mặt ruộng: Thiệt hại lâu dài!

MẬU TRƯỜNG - KHẮC TÂM  - CHÍ HẠNH
MẬU TRƯỜNG - KHẮC TÂM - CHÍ HẠNH

TTO - Thời gian qua, nông dân tại một số tỉnh miền Tây như Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng... ồ ạt cạo lớp đất mặt ruộng để bán ngay thời điểm hạn, mặn đang diễn ra khốc liệt.

Nông dân bán lớp đất mặt ruộng: Thiệt hại lâu dài! - Ảnh 1.

Một khu ruộng trồng lúa tại xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long đang bị lấy đi phần đất bề mặt để bán - Ảnh: CHÍ HẠNH

Dù rất nhiều nhà khoa học cũng như các cơ quan chức năng đã khuyến cáo điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng cây trồng, thế nhưng nông dân vẫn bán đất mặt ruộng.

Bán đất mặt tràn lan

Giữa trưa một ngày đầu tháng 5-2020, trên cánh đồng xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre bụi bay mịt mù bởi đoàn xe máy cày gần chục chiếc chở đầy đất nối đuôi nhau chạy băng băng trên mặt ruộng đã bị nứt nẻ. Chạy đến một thửa ruộng nằm giáp mặt tiền đường tránh (thị trấn Giồng Trôm), những chiếc xe máy cày đổ đất xuống rồi vội vã quay lại một đám ruộng - nơi có chiếc máy cuốc đang cào lớp đất mặt ruộng - để múc lên xe. 

"Bình quân mỗi ngày, một chiếc máy cày chở được khoảng 17 chuyến. Ai thuê thì tui chở chứ không biết họ lấy đất này làm gì" - ông Nguyễn Văn Tư, một người chở đất mướn, nói.

Đi dọc các tuyến đường trên địa bàn các huyện Giồng Trôm, Ba Tri (Bến Tre), không khó để thấy cảnh những đoàn máy cày chở đất từ giữa đồng đến các khu dự án, vườn cây... để san lấp mặt bằng.

Ông Trương Thế Dũng - phó chủ tịch UBND xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm - cho biết xã đã nắm được tình trạng nhiều người dân cào lớp đất mặt ruộng chở đi nơi khác. "Nhưng chủ yếu là do đất ruộng cao quá, người dân phải cạo bớt để hạ độ cao nhằm dẫn nước vào ruộng dễ hơn" - ông Dũng nói.

Đất mặt ruộng được cạo đi được chở đến các điểm san lấp mặt bằng. Bởi thời điểm này giá cát san lấp mắc, hiếm. Ngoài ra trong mùa hạn, mặn, các cơ quan chức năng không cho bơm cát vào các vùng ngọt hóa, sợ đất xung quanh sẽ bị nhiễm mặn. Do đó việc dùng đất mặt ruộng để san lấp lại càng phổ biến.

Nói về việc có xử lý, nhắc nhở người dân cạo lớp đất mặt ruộng để bán, ông Dũng cho biết chưa có công văn nào đề cập việc xử lý hành vi này nên không thể can thiệp.

Tương tự, tại tỉnh Sóc Trăng, tình trạng khai thác đất mặt ruộng cũng diễn ra phức tạp không kém. Ông Thạch Hen (xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên) cho biết do 5 công ruộng đất gò cao làm không trúng nên ông đã bán đất mặt cho một doanh nghiệp san lấp mặt bằng. Theo thỏa thuận, giá bán đất mặt mỗi công 2 triệu đồng, doanh nghiệp cào lấy lớp đất dày từ 20-30cm. 

"Nói là vậy, nhưng họ có lấy sâu hơn mình cũng không biết. Thôi thì trước mắt có mớ tiền xoay xở, còn đỡ tốn công sức cào bỏ lớp đất gò" - ông Hen cho hay.

Dọc con lộ nhựa qua ấp 9, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long cũng có cả chục xe cơ giới, máy xúc đang gầm rú, nạo mặt đất ruộng đem đi bán. Lão nông Nguyễn Văn Sáu (ngụ xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình) cho hay mùa này bà con nông dân trong vùng không thể canh tác do hạn hán, thiếu nước nên ông mua đất mặt ruộng tính theo diện tích. Mỗi công đất họ bán tầm 2 triệu đồng. Chủ đất yêu cầu chỉ được đào xuống chừng 1 đến 1,5 tấc. 

"Tui có một vườn cam, đất hơi trũng nên mới bỏ ra 30 triệu đồng mua miếng ruộng này chừng 5 công, cộng thêm ít tiền thuê xe chở về đổ. Tính đi tính lại là quá rẻ, mình còn được loại đất tốt cho cam" - ông Sáu nói.

Nông dân bán lớp đất mặt ruộng: Thiệt hại lâu dài! - Ảnh 2.

Xe cuốc cạo lớp đất mặt ruộng tại xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre để bán - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Sẽ mất đi phần "cốt", độ phì nhiêu

Theo ông Lương Minh Quyết - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, mặc dù địa phương đã khuyến cáo và ra lệnh cấm, nhưng do ý thức của doanh nghiệp, người dân chưa cao, quản lý chưa chặt nên tình trạng khai thác đất mặt ruộng vẫn diễn ra. Họ thường lén lút khai thác vào ban đêm. 

"Cho dù là đất gò, một khi lớp đất mặt bị lấy đi, độ màu mỡ trong đất giảm đáng kể, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng sau này" - ông Quyết cảnh báo.

Theo ông Quyết, để giải quyết bài toán cho nhu cầu cần đất san lấp mặt bằng, không chỉ "nhắm" vào khai thác đất mặt mà còn nhiều giải pháp thay thế khác. 

"Như hệ thống kênh nội đồng nên cho doanh nghiệp lấy đất đổi công trình. Kênh nào bồi lắng, cần nạo vét để trữ nước thì cho doanh nghiệp được lấy đất trên bờ, sau đó múc đất trả lại hiện trạng ban đầu. Chỉ cần quản lý chặt chẽ là đôi bên cùng có lợi" - ông Quyết hiến kế.

Cùng quan điểm, ông Trần Văn Thanh, nguyên phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Sóc Trăng, cho biết đất mặt ruộng là tài nguyên, muốn khai thác phải làm thủ tục và đóng thuế. Tuy nhiên trong thực tế, hiện tượng khai thác này diễn ra lén lút, gây nhiều lãng phí, tác động xấu đến mùa màng sau này. Theo ông Thanh, lấy đất mặt cũng đồng nghĩa lấy đi "cốt", lấy độ phì nhiêu, màu mỡ được tích tụ qua nhiều năm trên đất. Từ đó sẽ phát sinh việc xì phèn.

Ngoài ra, theo ông Thanh, những thửa đất bị lấy đất mặt sau này canh tác không tốt, ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp và phải mất ít nhất 5 đến 10 năm đất mới cải tạo, phục hồi nguyên trạng được. 

"Muốn khai thác đất mặt, cần phải có quy hoạch. Khi đó Nhà nước sẽ có phương án xử lý đất mặt, vừa có nguồn thu cho ngân sách, vừa tránh được những hậu quả khó lường cho sản xuất nông nghiệp" - ông Thanh kiến nghị.

Chia sẻ thêm, bà Huỳnh Cẩm Hằng - trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long - khẳng định đã nhiều lần khuyến cáo bà con nông dân cách cải tạo gò, lấy đất đúng phương pháp nhưng không ai làm theo. Vì thế người dân có thể được cái lợi trước mắt nhưng sẽ thiệt hại lâu dài. 

"Bởi số tiền nhận được từ việc bán đất mặt sẽ không thấm vào đâu so với chi phí người nông dân phải bỏ ra để bù đắp vào độ phì nhiêu của đất đã mất" - bà Hằng khuyến cáo.

Ông Huỳnh Quang Đức - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre: Mất phần đất mặt, muốn canh tác lúa trở lại thì việc đầu tiên người dân phải làm là san sửa mặt bằng thật tốt. Bên cạnh đó phải chú ý tháo rửa phèn vì khi chúng ta lấy phần đất mặt thì phèn sẽ xì lên. Và cuối cùng, bà con nông dân phải tăng cường bón phân hữu cơ để trả lại độ mùn, các chất hữu cơ cho đất.

Mưa Mưa 'vàng' có đẩy được hạn mặn Nam Bộ?

TTO - Trong những ngày qua, nhất là ngày 8 và 13-4 Nam Bộ xuất hiện mưa diện rộng. Nhiều tỉnh thành tại Nam Bộ có mưa, trong đó mưa 'vàng' xuất hiện tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

MẬU TRƯỜNG - KHẮC TÂM - CHÍ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên