17/07/2015 08:34 GMT+7

Họp HĐND tỉnh Bình Dương “nóng” chuyện thi công gây ngập lụt

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TT - Ngày 16-7, tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Dương, nhiều đại biểu đã chất vấn giám đốc Sở NN&PTNT về việc thi công các công trình thoát nước chất lượng kém, bị sạt lở hoặc gây ngập lụt.

Quốc lộ 13 ngập nặng do thi công vào tháng 6-2015 - Ảnh: BÁ SƠN

* Sẽ tạm ngưng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (TP Thủ Dầu Một) đặt vấn đề: quốc lộ 13 là tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng tại Bình Dương, nối các tỉnh Tây nguyên về TP.HCM, nhưng nhiều đoạn đã bị ngập lụt nhiều năm.

Đặc biệt, vừa qua quốc lộ 13 bị ngập nặng tại khu vực Suối Cát (giáp TP Thủ Dầu Một và thị xã Thuận An) khiến tuyến đường bị chia cắt, xe cộ chết máy. Ông Sơn hỏi trách nhiệm quản lý nhà nước của Sở NN&PTNT như thế nào khi để xảy ra tình trạng trên. 

Ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng chất vấn về chất lượng thi công công trình nâng cấp, cải tạo kênh Ba Bò (giáp Bình Dương và TP.HCM) khi công trình sạt lở chỉ sau một tháng khánh thành?

Đại biểu Huỳnh Thị Tuyết Hạnh (thị xã Thuận An) chất vấn việc thi công trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn (thoát nước cho nhiều khu dân cư và khu công nghiệp của Bình Dương) quá chậm, gây ngập lụt nhiều khu vực và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Tấn Bình - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương - thừa nhận vừa qua trên địa bàn tỉnh có tình trạng ngập lụt do ảnh hưởng từ việc thi công các công trình.

Cụ thể, ngập lụt quốc lộ 13 là do thi công công trình thoát nước trục Bưng Biệp - Suối Cát (thuộc dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư) khi tư vấn thiết kế đã “khảo sát không kỹ”.

“Sự cố ngập lụt xảy ra ngay thời điểm mưa lũ, nhưng khi thi công ống cống mới băng ngang đường thì tư vấn đã tính toán chưa sát khiến đường thoát nước tạm không đáp ứng được nhu cầu. Cống thoát nước cũ rộng 2,2m, nhưng cống thoát nước tạm chỉ rộng 1,5m nên khi có mưa lớn, nước thoát không kịp đã gây ngập lụt nặng” - ông Bình nói.

Đối với sự cố sạt lở kênh Ba Bò, ông Bình cho biết trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư dự án và đơn vị thi công vì sự cố xảy ra khi công trình này còn chưa nghiệm thu, chưa bàn giao.

Còn việc thi công trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn, ông Nguyễn Tấn Bình cho biết dự án chia làm hai giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 gồm tám gói thầu nhằm xử lý nước mặt tự nhiên và dẫn dòng... thì sở sẽ cố gắng hoàn thành trong tháng 9 tới.

Sang giai đoạn 2 (xử lý nước thải...) do khó khăn về bố trí vốn nên sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh ưu tiên bố trí vốn trước một số hạng mục, trong đó có việc chi trả đền bù cho người dân bị giải tỏa.

Tại kỳ họp này, Ban Kinh tế - ngân sách, HĐND tỉnh Bình Dương đã có báo cáo thẩm tra, thống nhất với tờ trình của UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về việc tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy trên địa bàn tỉnh.

Dự kiến, nghị quyết này sẽ được HĐND tỉnh Bình Dương bỏ phiếu thông qua tại kỳ họp này.

Bà Trần Thị Kim Vân, trưởng Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Bình Dương, cho biết lý do kiến nghị dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy là vì từ khi triển khai thu phí đã phát sinh nhiều bất cập trong việc thu phí tại các cơ sở và chưa công bằng, hợp lý trong chính sách thu phí.

Nhiều cử tri Bình Dương cũng đã kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh không tiếp tục thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy vì loại phí này chưa phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của đa số người dân trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê của Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh Bình Dương, tổng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy trên địa bàn tỉnh từ tháng 10-2013 (thời điểm bắt đầu thu phí) đến tháng 9-2014 là 40,6 tỉ đồng (đã trừ tỉ lệ chia cho các xã, phường).

Đây là nguồn thu không lớn so với tỉ lệ thu ngân sách hằng năm của Bình Dương, trong khi quá trình tổ chức thu phí gặp rất nhiều khó khăn, chi phí cho tổ chức thu phí lớn.

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên