"Ông trâu" trước khi bước vào lễ hội đều được chăm sóc, huấn luyện kỹ càng - Ảnh: TIẾN THẮNG
Tọa đàm sẽ lấy ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa, cơ quan quản lý và cộng đồng để đưa ra giải pháp tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đảm bảo an ninh, an toàn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Những nội dung chính dự kiến được đưa ra thảo luận gồm: đánh giá thực trạng công tác quản lý và tổ chức, tính thương mại hóa, vấn đề giết mổ trâu, cá độ, đánh bạc, giải pháp an ninh, nâng cao vai trò của cộng đồng... trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.
Vẫn miệt mài huấn luyện "ông" trâu
Dù chưa biết lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, TP Hải Phòng 2017 có được tiếp tục tổ chức hay phải dừng lại, các gia đình có trâu chọi tham gia mùa lễ hội năm nay vẫn đang miệt mài với công việc huấn luyện các "ông trâu" trước ngày hội lớn.
Trò chuyện với PV Tuổi Trẻ ngày 6-9, nghệ nhân dân gian Hoàng Gia Bổn (P.Ngọc Xuyên, Q.Đồ Sơn, TP Hải Phòng) cho biết không chỉ những người có trâu tham gia trực tiếp lễ hội chọi trâu như ông mà nhiều người dân Đồ Sơn mong muốn duy trì lễ hội truyền thống này.
Lý do là bởi đây không phải là lễ hội đơn thuần với chọi trâu mà nó còn gắn liền với văn hóa dân gian lưu truyền ở những ngôi đình cổ thờ thành hoàng, những điển tích ghi dấu về lễ hội chọi trâu.
Nếu lễ hội bị buộc dừng lại thì chắc chắn chúng tôi sẽ phản đối!
Ông Hoàng Gia Bổn
Cùng chung quan điểm, nghệ nhân dân gian Đinh Đình Phú (82 tuổi, P.Ngọc Xuyên) cho rằng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã đi sâu vào tiềm thức của người dân địa phương từ hàng trăm năm nay, để nhắc nhớ về lễ hội này còn lưu truyền câu ca cổ:
Dù ai buôn đâu bán đâu/ Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mùng chín tháng tám nhớ về chọi trâu.
Ông Nguyễn Kim Pha - chánh văn phòng UBND TP Hải Phòng - cho biết quan điểm của TP là ủng hộ việc tiếp tục duy trì lễ hội này, tuy nhiên chắc chắn sẽ phải thay đổi về mặt quy chế tổ chức để đảm bảo công tác an toàn cho người xem lẫn các ông chủ trâu, không để tái diễn sự cố đáng tiếc xảy ra vừa qua.
Tổ chức lễ hội chọi trâu với người dân Đồ Sơn đã đi vào máu thịt, người dân chúng tôi chưa bao giờ tính toán đến yếu tố kinh tế được mất mỗi khi tham gia mà chỉ có ý thức duy nhất là phải gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đã được lưu truyền từ xa xưa...
Nghệ nhân Đinh Đình Phú
Văn hóa chỉ là cái cớ?
TS Trần Hữu Sơn - phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN - dự báo tọa đàm có thể sẽ rất "nóng" nếu các bên đều chuẩn bị kỹ lưỡng và kiên quyết bảo vệ quan điểm của riêng mình.
Ông nêu quan điểm: "Tọa đàm phải giải quyết được vấn đề về cách nhìn lễ hội chọi trâu Đồ Sơn sao cho đúng và đánh giá lại cách tổ chức lễ hội này thời gian qua còn những điều gì phải điều chỉnh".
Các đại biểu cần bàn luận về tranh cãi bấy lâu nay không dứt là lễ hội chọi trâu có phản cảm, bạo lực hay không? Riêng tôi vẫn giữ quan điểm đây không phải lễ hội bạo lực và không được cấm lễ hội này!
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn
Nếu địa phương nhất quyết muốn dùng lễ hội chọi trâu để làm kinh tế thì tạm thời phải đình chỉ. Tôi dự đoán những người bảo vệ duy trì chọi trâu Đồ Sơn như hiện nay vẫn vin vào cớ văn hóa phải phục vụ phát triển kinh tế. Chọi trâu mang về lợi ích kinh tế, du lịch. Nhưng đó là những lập luận đã quá cũ!
PGS, Tiến sĩ Trần Lâm Biền
Ông Sơn phân tích kỹ hơn: "Người dân là chủ thể của lễ hội nên chỉ có người dân mới có quyền quyết định tiếp tục hay từ bỏ không tổ chức lễ hội.
Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch có thể đưa lễ hội ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhưng quyền duy trì hay từ bỏ lễ hội thuộc về cộng đồng địa phương.
Tôi cũng sẽ chỉ rõ, ban tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn hiện nay quá tận thu đến mức làm biến đổi cấu trúc lễ hội".
Trong khi đó, PGS.TS Trần Lâm Biền (tạp chí Di Sản Văn Hóa) cho biết ông sẽ thể hiện rõ quan điểm tại tọa đàm rằng hiện nay chọi trâu Đồ Sơn không còn là lễ hội nữa bởi chỉ kích động sự hiếu kỳ mà không còn yếu tố tâm linh.
Cần nâng cao nhận thức cộng đồng
Tiến sĩ Tuan Bendixsen - trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) tại VN - bày tỏ hi vọng tọa đàm sẽ lắng nghe các ý kiến của đa số cộng đồng người dân là bỏ lễ hội chọi trâu.
"Hiện nay có rất nhiều lễ hội được phục dựng lại hoặc được tổ chức tự phát dưới mác lễ hội truyền thống nhưng hoàn toàn không phù hợp với xu hướng và sự phát triển của xã hội.
Nguyên nhân là do thiếu sự định hướng của các cơ quan chức năng và quan điểm "phép vua thua lệ làng" của một bộ phận người dân.
Quan điểm này hoàn toàn đi ngược với những quy định của nhà nước pháp quyền, nơi mọi công dân đều phải phục tùng và tôn trọng pháp luật.
Do vậy, vấn đề trọng tâm cần đặt ra tại tọa đàm là cần xây dựng hướng dẫn, quy định trong tổ chức các lễ hội theo xu hướng văn minh, quảng bá những giá trị nhân văn, nhân đạo.
Đồng thời, cần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng tại những địa phương có các lễ hội này và trên cả nước nói chung"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận