02/05/2012 08:20 GMT+7

Nóng 43 độ C

NHÓM PHÓNG VIÊN
NHÓM PHÓNG VIÊN

TT - Lúc 13g ngày 1-5, nhiều nơi ở miền Bắc nhiệt độ lên đến 42-43OC. Từ sáng sớm thời tiết Hà Nội đã nắng nóng. Người dân đổ xô vào các siêu thị, trung tâm chiếu phim, khu vui chơi trong nhà để tránh nắng.

zRX2t6dI.jpgPhóng to
Đến chiều tối 1-5, bờ biển Đà Nẵng vẫn chật cứng người đổ ra trốn nóng - Ảnh: Hữu Khá

Ông Vũ Anh Tuấn, trưởng phòng dự báo khí tượng ngắn hạn Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, cho biết nhiệt độ cao nhất đo được trong lều khí tượng ở miền Bắc là huyện Nho Quan (Ninh Bình) và Quỳ Hợp (Nghệ An) đều đạt 41,1OC. Ngoài ra một số khu vực như Mường La (Sơn La), Hòa Bình, Thanh Hóa, nhiệt độ đo được trong lều khí tượng cũng ở mức 40-40,5OC.

“Nhiệt độ đo được trong lều khí tượng thường thấp hơn nhiệt độ thực ngoài trời 3-4OC, nên nhiệt độ thực tế ở nhiều khu vực miền Bắc hôm qua lên đến 42-43OC. Ở Hà Nội, nhiệt độ cao nhất đo được trong lều khí tượng là 38,4OC tại khu vực trung tâm TP nên nhiệt độ ngoài trời lên tới 40-41OC” - ông Tuấn cho hay.

Đủ kiểu trốn nắng

Ngày 1-5, từ sáng sớm thời tiết Hà Nội đã nắng nóng. Người dân đổ xô vào các siêu thị, trung tâm chiếu phim, khu vui chơi trong nhà để tránh nắng. Từ 9g, siêu thị Big C Thăng Long đã đón hàng ngàn khách đến mua sắm. Nhà để xe máy của Big C chật cứng cả hai tầng. Chưa kể lượng ôtô, taxi chở khách đến siêu thị quá đông khiến cổng vào thường xuyên ùn ứ.

Nguy cơ cháy rừng

Ngày 1-5, TP Lào Cai nắng gay gắt. Theo Trung tâm dự báo khí tượng - thủy văn tỉnh Lào Cai, nhiệt độ cực đại lúc 14g cùng ngày là 40,2OC, cao nhất từ đầu mùa hè đến nay. Hầu hết người dân ở TP Lào Cai đóng cửa ở trong nhà, dùng nước phun lên mái nhà, vách tường, nhiều gia đình có ôtô đã “sơ tán” lên Sa Pa tránh nóng, đến tối lại quay về TP. Để giảm nóng, Công ty Môi trường đô thị tỉnh đã dùng xe bồn phun nước liên tục trên các đường phố chính. Nắng nóng khiến độ ẩm giảm thấp, từ 25-30%, đẩy cấp báo động cháy rừng lên cao (cấp 4 và 5), rất nguy hiểm.

“Nắng nóng quá, hai đứa nhỏ cứ đòi đi chơi mà không biết đưa đi đâu, đành dẫn cả nhà vào siêu thị. Vừa tiện thể mua những đồ dùng cần thiết đang được giảm giá, có chỗ ăn uống, chỗ cho trẻ con chạy nhảy, lại tránh được nắng nóng. Buổi chiều chắc sẽ đi taxi sang tiếp khu Big C garden cho hai đứa nhỏ chơi điện tử rồi tối mát mới về nhà” - anh Lương Mạnh Hùng, nhà ở Mễ Trì Hạ, chia sẻ.

Các rạp chiếu phim khắp Hà Nội như MegaStar - Vincom, Trung tâm chiếu phim quốc gia, Lotte cinema... là những địa điểm giải trí, trú nắng lý tưởng cho những người trẻ, sinh viên. Tại Trung tâm chiếu phim quốc gia, khu ăn uống, hóng mát trong khuôn viên rạp cũng luôn tấp nập. “Em vừa mua vé để hai đứa vào xem Gương kia ngự ở trên tường. Xem xong sẽ ăn trưa ngay tại đây, sau đó xem Cưới ngay kẻo lỡ lúc 13g35. Nếu trời vẫn còn nắng thì cứ ngồi chơi ở đây đến tối thôi. Trời này mà đi ra đường thì khác nào rang người” - Hoàng Châu Anh, sinh viên năm 3 Đại học Ngoại thương, nói.

13g ngày 1-5 tại vườn bách thảo Hà Nội, từng tốp 2-3 gia đình (chủ yếu là người ngoại tỉnh về thủ đô vui chơi) rủ nhau vào đây tránh nắng. Họ mang theo khăn nilông, nước uống và hoa quả. Với không gian rộng và khá mát mẻ mà chỉ mất vé 2.000 đồng/người cùng 2.000 đồng gửi một chiếc xe máy thì đây là nơi tránh nắng hiệu quả nhất. Trong khi đó, đường phố Hà Nội vào buổi trưa hoàn toàn thưa vắng.

f0cVuA9n.jpgPhóng to
Người dân trốn nắng ở công viên dọc bờ bắc sông Hương, TP Huế - Ảnh: Nguyên Linh

Thủ phủ của nóng

Dù nắng nóng làm người dân miền Bắc kêu trời không thấu, nhưng phải vào đến Nghệ An, thủ phủ của nắng nóng, mới biết đá biết vàng. Tại huyện Đô Lương (Nghệ An), nơi được xem là “chảo lửa” vào mùa nắng, lúc 7g30 ngày 1-5 tất cả người đi đường phải bịt mặt, đeo khẩu trang, đeo kính râm tránh nắng, đến 11g nhiệt độ đã là 39OC. Mọi con đường ở thị trấn Đô Lương vắng tanh. Cái nắng khiến cho nông dân ra đồng muộn hơn.

Đến hơn 16g, lác đác mới có một số nông dân đội nón làm cỏ trên cánh đồng ngô của xã Tràng Sơn. Chị Nguyễn Thị Nga nói: “Hai ngày nay trời nắng như đổ lửa nên không một ai ra đồng sớm sợ cảm nắng. Khi mặt trời xế chiều mọi người mới ra đồng làm cỏ, phun thuốc sâu”.

Nắng nóng đúng dịp nghỉ lễ nên lượng người đổ về các bãi biển Cửa Lò (Nghệ An), Xuân Thành và Thiên Cầm (Hà Tĩnh) đông nghịt khiến mọi quán hàng giải khát quá tải. Nhưng biển chỉ đông vào lúc sáng sớm và chiều tối, gần trưa và quá trưa biển cũng vắng người. Ngay tại lễ hội đua thuyền ở biển Cửa Lò thường thu hút hơn 1 vạn người đến cổ vũ mỗi năm nhưng nắng nóng chang chang nên chỉ thưa thớt vài trăm người đội nắng đứng xem.

Nắng nóng lại thêm gió Lào

Tại TP Đông Hà (Quảng Trị) lúc 13g ngày 1-5, trời nắng nóng gay gắt và gió Lào hanh khô thổi nóng rát. Mặt đất nóng ran, hơi nóng hừng hực bốc lên, đường phố vắng tanh. Hai bên bờ sông Hiếu chảy qua TP Đông Hà, rất đông người dân tránh nóng bằng cách mắc võng ngủ dưới gốc cây, đổ ra các hàng quán giải khát ven sông, thậm chí tắm sông để bớt nóng.

Chị Nguyễn Thị Tâm, bán bún tại chợ Đông Hà, thở dài: “Mấy ngày ni trời gió Lào nóng quá, bún chỉ hở hơi chừng 5-7 phút đã khô và dai bán không được nên cứ phải trùm kín trong bao nilông, nhưng trùm kín như vậy thì đến chiều bún bị thiu”. Cùng cảnh ngộ, chị Lê An - một người bán rau sống tại chợ Cam Lộ - cho hay 1-5 là ngày nóng nhất, cả tuần nay chỉ bán được một tí buổi sáng, đến nửa buổi sáng rau đã héo và khô không bán được.

Nắng nóng còn trực tiếp ảnh hướng đến việc sản xuất nông nghiệp của bà con các huyện Hải Lăng, Cam Lộ, Triệu Phong... Ông Lê Ngọc Quang (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) cho biết nắng nóng đúng vào đợt bà con thu hoạch ngô nên ngô nhanh khô lá và cứng trái rất khó bán. Nếu những ngày tới không mưa thì cây lạc trồng trên cát pha sẽ bị thối rễ hàng loạt.

Từ 11g30 đến khoảng 14g30, trên các tuyến đường trung tâm TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vắng hẳn xe cộ. Nắng như đổ lửa đã làm mặt đường như chảy nhựa, khét lẹt, hơi nóng hầm hập từ mặt đường bốc lên làm người đi đường xây xẩm. Người dân đổ xô ra các quán nước ven sông, ngoài công viên để trốn nóng. Nhiều người mang võng, chiếu ra công viên dọc bờ sông Hương để hóng mát, người khác trốn nóng trong các siêu thị có máy lạnh. Do nắng nóng, ngày 1-5 lượng du khách đến tham quan di tích Huế giảm chỉ còn 2/3 so với ba ngày trước đó.

Bệnh nhi mắc bệnh mùa hè gia tăng

Những ngày nắng nóng này, số lượng bệnh nhi mắc các bệnh mùa hè gia tăng đột biến. Chiều 1-5, bác sĩ Phùng Văn Toàn - trưởng phòng kế hoạch Bệnh viện Nhi Thanh Hóa - cho biết trong gần một tuần nắng nóng vừa qua, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 30-40 bệnh nhi đến khám, chữa bệnh, nhiều cháu nhỏ phải điều trị nội trú, tăng đột biến so với trước đợt nắng nóng này. Hiện nay tại bệnh viện có hơn 400 bệnh nhi phải nằm điều trị nội trú. Các bệnh nhi nội trú thường mắc các bệnh mùa hè như bệnh về đường hô hấp, bệnh về đường tiêu hóa...

Nắng nóng cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân xứ Thanh. Anh Hà Văn Lợi, trú tại thị trấn huyện miền núi Lang Chánh, cho biết: “Trời nắng nóng, điện đóm lại phập phù nên những ngày này, nhiều người dân thị trấn phải lên các rừng cây, vào thác Ma Hao ở xã Trí Nang tránh nóng”.

Trong mười ngày trở lại đây, sau mỗi ngày nắng nóng, vào buổi chiều tối trên địa bàn các huyện Nông Cống, Triệu Sơn, Quan Hóa... thường xuyên xảy ra mưa đá, lốc xoáy, sấm sét kinh hoàng làm sập hàng chục nhà dân, nhiều công trình phúc lợi và tàn phá hàng trăm hecta hoa màu của bà con nông dân.

Theo ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nắng nóng do áp thấp nóng phía tây phát triển kết hợp với hiệu ứng phơn (gió Lào) mạnh. Tình trạng nắng nóng còn duy trì đến hết tuần này, đỉnh điểm có thể rơi vào ngày 2 và 3-5, nhiệt độ cao nhất có nơi trên 41OC. Như vậy, tình trạng nắng nóng tại Bắc bộ và Trung bộ kéo dài gần một tuần và là đợt nắng nóng kéo dài nhất kể từ đầu năm.

Vẫn theo ông Hải, sau đợt nắng nóng Bắc bộ, Trung bộ trở lại thời kỳ mát mẻ kéo dài đến giữa tháng 5, sau đó nắng nóng sẽ xuất hiện trở lại, mức độ sẽ tương đương với đợt nắng nóng đang xảy ra. Theo ông Hải, chu kỳ thời tiết tháng 5 thường có những đợt áp thấp nóng phía tây có cường độ mạnh tràn về, đây cũng là thời kỳ mặt trời hun nóng mạnh nhất nên xảy ra nắng nóng nhất trong năm.

Trong khi Bắc bộ, Trung bộ đang vào thời kỳ nắng nóng thì thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ - cho biết một số tỉnh tại Nam bộ như Cà Mau, Kiên Giang đã bước vào mùa mưa. Các tỉnh thành Đông Nam bộ như Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu... tuy có mưa nhưng trên diện hẹp nên vẫn được xem là giai đoạn chuyển mùa. Do các địa phương trên vẫn còn nắng mưa xen kẽ nên nhiệt độ duy trì mức 35-36OC, nắng xuất hiện từ sáng sớm kéo dài đến chiều nên vẫn gây cảm giác oi bức khó chịu. Cũng theo bà Lan, trong tuần tới các tỉnh miền Tây Nam bộ lần lượt bước vào mùa mưa, sau đó đến các tỉnh miền Đông Nam bộ. Nam bộ chính thức bước vào mùa mưa kể từ giữa tháng 5.

NHÓM PHÓNG VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên