08/04/2011 10:17 GMT+7

Nơm nớp với nhà nghiêng

LÂM HOÀI - THÂN HOÀNG
LÂM HOÀI - THÂN HOÀNG

TT - Sau sự cố đổ sập ngôi nhà năm tầng (số 49 phố Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa) hôm 31-3, người dân Hà Nội đang hoang mang vì xuất hiện hàng loạt nhà cao tầng khác có dấu hiệu lún, nghiêng nghiêm trọng.

Read this on Tuoitrenews.vn

zGlbxdkB.jpgPhóng to
Ngôi nhà năm tầng số 14, ngõ 91 đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) bị nứt, nghiêng - Ảnh: L.H.
Video clip "Hoảng loạn vì nhà dọa sập" - Nguồn: TVO

Chiều 31-3, ngôi nhà năm tầng số 49 phố Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa) bất ngờ đổ sập toàn bộ, kéo theo một phần tòa chung cư số 51 đối diện và toàn bộ phần tầng một của siêu thị máy tính Đăng Khoa. Đến nay, có tới 18 hộ dân ở chung cư vẫn chưa thể quay về do nhà bị hư hỏng nặng, trong lúc siêu thị máy tính Đăng Khoa cho biết bị “vạ lây” hàng tỉ đồng.

Nhiều nhà nghiêng, lún

Cách ngôi nhà bị sập vài trăm mét, ngày 5-4, hàng trăm người dân sống quanh khu nhà năm tầng tại số 14, ngõ 91 Nguyễn Chí Thanh (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) lại hoảng hốt khi ngôi nhà này nghiêng, có nguy cơ đổ sập. Hiện nay chủ nhà và hai gia đình kế bên đã được thông báo khẩn cấp rời khỏi nhà.

Sau đó chỉ một ngày, người dân sống tại đường Lạc Long Quân (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) cũng nhốn nháo khi phát hiện tại điểm tiếp giáp giữa hai tòa nhà năm tầng (số 113 và 115 đường Lạc Long Quân) xuất hiện vết nứt nguy hiểm, chạy dọc khoảng giữa hai bờ tường, lệch theo phương thẳng đứng gần 20cm.

Tương tự, cũng tại quận Cầu Giấy, ngôi nhà năm tầng số 366 Cầu Giấy đang ở trong tình trạng nghiêng tách ra khỏi ngôi nhà kế bên. Người dân cho hay hiện tượng này xuất hiện cách đây hơn hai năm, thời gian gần đây có dấu hiệu nghiêm trọng hơn, có chỗ khoảng cách vết tách lên tới gần 30cm.

Cùng chung số phận, khu tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị, quận Ba Đình) đang bị lún nghiêng hơn 40cm, đồng thời nghiêng lệch hẳn về phía sau. Cả khối nhà tách làm ba tạo thành hai vệt rộng hoác chạy dọc từ trên xuống dưới, càng lên cao càng rộng hơn. Nặng nề hơn, ngôi nhà năm tầng khác trên phố Trần Quang Diệu bị nghiêng hẳn sang một bên, tách khỏi nhà hàng xóm hơn 20cm.

Hà Nội đang có không ít ngôi nhà cao tầng bị lún, nghiêng. Tuy nhiên đến nay duy nhất chỉ có nhà 14 ngõ 91 Nguyễn Chí Thanh được yêu cầu di dời, với các ngôi nhà còn lại thì... người dân vẫn phải “sống trong sợ hãi”. Anh Lâm (đường Lạc Long Quân) cho biết sau sự cố đổ sập nhà ở phố Huỳnh Thúc Kháng, gia đình anh thật sự hoang mang bởi đang sống trong ngôi nhà đối diện với tòa nhà bị nghiêng.

“Trong điều kiện sống chật chội, đắt đỏ như hiện nay, việc tìm chỗ ở mới không hề dễ, chấp nhận ở lại thì lúc nào cũng trong tình trạng lo sợ, ăn ngủ không yên” - anh Lâm lo lắng. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, chủ căn hộ cạnh tòa nhà nghiêng (366 Cầu Giấy), cũng cho biết đã chuyển vợ con đi nơi khác ở và cho... thuê lại căn nhà.

Sụt lún do nền móng yếu

Kết quả quan trắc tại các trạm đo lún bề mặt của Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội cho thấy trên địa bàn Hà Nội, khu Thành Công có tốc độ lún lớn nhất (trên 41mm/năm), tiếp đó là các khu vực có các nhà máy nước lớn như Pháp Vân, Mai Dịch, Lương Yên, Hạ Đình, Tương Mai... Nguyên nhân sụt lún được chỉ ra là do mực nước ngầm bị hạ thấp, mật độ xây dựng dày đặc, nền móng kém...

Ông Phạm Sỹ Liêm - phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho rằng Hà Nội có nhiều công trình nằm trên móng không đồng chất, mặt bằng xây dựng vốn là những hồ ao, kênh mương bị lấp, khi có biến động mới trong địa chất sẽ trào ra tạo thành những cái hố. Ngoài ra, nhiều công trình xây dựng cao ốc đã khiến các công trình xung quanh bị phá thế cân bằng, gây ra sụt lún...

Theo ông Liêm, nhiều chủ căn nhà, đơn vị thi công thiếu hiểu biết hoặc không tuân thủ các quy trình kỹ thuật, thường bỏ qua công đoạn đóng các cọc cừ bao quanh khi đào móng, điều này cũng sẽ gây sụt lún. Về ảnh hưởng của những trận động đất trong khu vực và cả dư chấn xảy ra vừa qua tại Hà Nội, ông Liêm cho rằng lực chưa đủ mạnh để tạo ra hiện tượng sụt lún.

Ông Hà Ngọc Hồng, phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết sở đang phối hợp với các quận để tìm hiểu nguyên nhân và lên phương án giải quyết. “Sở Xây dựng chưa có đánh giá về tình trạng này vì phải chờ kiểm tra, kiểm định” - ông Hồng nói. Khi hỏi về phương án để giảm bớt tình trạng nhiều nhà bị lún, nghiêng trên địa bàn Hà Nội, ông Hồng trả lời: “Sở chỉ ở góc độ quản lý nhà nước, bây giờ phải cần các cơ quan tư vấn làm việc với quận để đánh giá”.

Q.Bình Thạnh (TP.HCM):

Nhà bị lún do đất yếu

Sáng 7-4, phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Nguyễn Văn Hiệp đã đến xem xét hiện trường căn nhà tám tầng bị nghiêng (số 190 Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh). Qua khảo sát ban đầu, ông Hiệp nhận định nguyên nhân là do nền đất khu vực yếu, trong khi việc xử lý móng chưa phù hợp. Giải pháp xử lý là gia cố móng để “chỉnh” lại căn nhà.

9YlVxc3Y.jpgPhóng to

Hiện trạng ngôi nhà cao tám tầng số 190 Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đang bị nghiêng sang phải - Ảnh: H.T.V.

Ông Hiệp nói sở sẽ có thông báo đến chủ nhà, đề nghị thuê đơn vị chuyên môn kiểm định công trình, có giải pháp xử lý công trình. Đồng thời sẽ nhắc cơ quan chức năng quận Bình Thạnh lưu ý người dân khi cấp phép xây dựng tại khu vực có nền đất yếu. “Có thể xây nhà cao tầng trên những vùng đất yếu, vấn đề là phải chú ý xử lý móng cho phù hợp” - ông Hiệp nhấn mạnh.

Theo ghi nhận tại hiện trường, căn nhà tám tầng bị nghiêng về phía nhà bên phải và điểm xa nhất cách nhà bên trái khoảng 20cm. Theo người dân ở đây, căn nhà này xây dựng khoảng 3-4 năm và ngày càng nghiêng nhiều hơn.

Tại tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh, không chỉ có căn nhà 190 bị nghiêng, phía đối diện căn nhà này có khoảng bốn căn khác cũng bị nghiêng khá rõ nhưng mức độ nhẹ hơn. Một trong số các hộ dân đang sống tại đây cho biết các căn nhà này đã xây khá lâu, có căn nhà bắt đầu nghiêng từ 5-6 năm trước và mức độ nghiêng ngày càng nặng hơn.

Hiện có căn nhà xuất hiện vết nứt ở một số nơi như tường, trần nhà, nhà vệ sinh, cửa không đóng lại được... Trong khi đó, cùng dãy với căn nhà tám tầng bị nghiêng, một vài căn nhà khác không nghiêng nhưng có dấu hiệu lún, có căn lún khoảng 10cm. Theo ông Hiệp, giải pháp xử lý những căn nhà nghiêng này cũng tương tự như nhà 190 Đinh Bộ Lĩnh.

Thanh tra Xây dựng quận Bình Thạnh cho biết sẽ đề nghị các chủ căn nhà nghiêng có biện pháp xử lý, khắc phục trong thời gian sớm nhất. Trường hợp có nguy cơ gây ảnh hưởng đến các công trình lân cận thì phải di dời người ra khỏi khu vực. Nếu các chủ căn nhà không thực hiện thì quận sẽ tiến hành cưỡng chế di dời theo quy định.

Tại TP.HCM, quận Bình Thạnh là một trong những nơi có nhiều nhà nghiêng do xây dựng trên nền đất yếu, từ năm 2005 đến nay có khoảng 15 căn nhà nghiêng được phát hiện tại đây. Các tuyến đường có nhiều nhà nghiêng nhất được biết đến là Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, Ung Văn Khiêm... Trong số này, một số nhà nghiêng ở đường Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được khắc phục và sử dụng ổn định từ nhiều năm qua.

LÂM HOÀI - THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên