12/03/2022 08:55 GMT+7

Nói với trẻ về an toàn trực tuyến

THANH NGUYỄN
THANH NGUYỄN

TTO - Nhiều gia đình chủ trương không cho trẻ sớm tiếp cận với Internet và mạng xã hội cũng buộc phải thay đổi quan điểm và loay hoay với vấn đề bảo vệ con trên không gian mạng trong thời gian đại dịch COVID-19 diễn ra.

Nói với trẻ về an toàn trực tuyến - Ảnh 1.

Vì ảnh hưởng dịch COVID-19, trẻ phải học trực tuyến tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đại dịch COVID-19 ập đến khiến việc học tập của con trẻ bị đảo lộn suốt hai năm nay. Nhiều gia đình chủ trương không cho trẻ sớm tiếp cận với Internet và mạng xã hội cũng buộc phải thay đổi quan điểm và loay hoay với vấn đề bảo vệ con trên không gian mạng.

Chiếc điện thoại thông minh lại kè kè bên cạnh khiến bố mẹ cháu canh cánh nỗi lo: lo con sa đà trên mạng, lân la xem các nội dung không phù hợp lứa tuổi cũng như sơ sẩy rơi vào mối nguy bị bạo lực mạng, lạm dụng trên mạng hay đơn giản hơn là "body shaming" - nạn miệt thị ngoại hình.

Một học sinh lớp 6 hơi ú so với các bạn cùng trang lứa. Vẻ ngoài khiến trẻ mặc cảm rất nhiều, cháu đã từng úp mặt vào gối khóc sướt mướt bởi bạn trêu "Con vịt bầu sắp đẻ trứng đang chạy…". Giờ đây, nỗi đau của cháu khắc sâu hơn khi hình đại diện cá nhân bị bạn bè chế ảnh giễu cợt.

Nỗi lo về nguy cơ mất an toàn trực tuyến giờ không chỉ dừng lại ở những chia sẻ, bình luận gây tổn thương, khiêu khích, chia rẽ, mâu thuẫn đơn thuần như trước mà còn diễn biến theo chiều hướng xấu hơn rất nhiều. Những nhóm kín chia sẻ hình ảnh đồi trụy vẫn len lỏi rủ rê, chực chờ nhảy xổ ra khi bọn trẻ lang thang trên mạng. Những vụ việc live stream phản cảm, clip bạo lực đang inh ỏi "gióng trống thổi kèn" khắp mạng xã hội nữa.

Có nam thanh niên phát trực tiếp cảnh mình nhảy cầu tự tử trong đêm khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Có ba nữ sinh lớp 8 rủ nhau ăn lá ngón tự tử trên đường đi học về. Rồi có bạt ngàn clip đâm chém, hỗn chiến nhan nhản gieo muôn nỗi bất an… Rồi chuyện "lớp nào cũng có" là chuyện trẻ mở máy vào lớp online nhưng không học vì bận chơi game hoặc đọc, nghe thứ khác.

An toàn trực tuyến cho con trẻ, đó là việc rất cần phụ huynh để mắt nhiều hơn. Mỗi phụ huynh cần hiểu biết nhiều hơn, nhiệt tâm hơn và tỉnh táo hơn trong nỗ lực bảo vệ trẻ. Khi học online, phụ huynh cũng phải học và hiểu thêm nhiều thứ trên mạng, thật ảo, lợi hại lẫn lộn.

Những quy định về lứa tuổi sử dụng mạng xã hội, những ràng buộc về trách nhiệm và nghĩa vụ của người dùng liên quan đến nguyên tắc cộng đồng cần được tuân thủ bằng sự hiểu biết thấu đáo và hành động cẩn trọng. Trẻ cần nền tảng tốt để con trẻ trở thành công dân số thông minh, tích cực, tử tế.

Nói gì với con về an toàn trực tuyến? Bố mẹ có thể làm gì để giúp con khi con một mình trên mạng? Trước khi tạo lập tài khoản mạng xã hội cho trẻ, chúng ta cần nghiêm túc trò chuyện với con về nguyên tắc đảm bảo an toàn trực tuyến: bảo mật thông tin riêng tư, không tiếp tay lan truyền hình ảnh phản cảm, không bình luận thiếu chuẩn mực…

Hãy làm bạn với con trên không gian mạng! Kết bạn cùng con, dõi theo bước đi của con trên mạng với thái độ thiện chí cần thiết để trẻ cảm nhận được sự tôn trọng và tin tưởng của bố mẹ. Từ đây, chúng ta có thể hiểu con đang làm gì trên mạng, việc nào đúng hay hành động nào tiềm ẩn nguy cơ để kịp thời định hướng, uốn nắn và loại bỏ những tình huống thiếu an toàn.

Ai giữ an toàn khi trẻ học trực tuyến? Ai giữ an toàn khi trẻ học trực tuyến?

TTO - Đã có những cái chết thương tâm, lắm kiểu thiệt hại đã xảy ra cho trẻ em khi chúng đang ở yên trong nhà, khi đang học trực tuyến. Phải chăng người lớn chưa lưu tâm đúng mức đến việc tạo cho trẻ một góc học tập an toàn?

THANH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên