Phóng to |
Anh Nguyễn Văn Diệp bên xe ngô của mình - Ảnh: HUỆ BẠCH |
Những ngày này, xóm ngô luộc buồn thiu, không khí nặng nề do hàng bán ế ẩm. Nỗi lo mưu sinh khiến hơn 300 con người trong xóm không ai đủ lạc quan để nở một nụ cười. “Chưa bao giờ ngô bị hắt hủi như thế, mỗi ngày chỉ bán được 10-20 bắp thôi. Trước kia khi chưa có tin đồn ngô luộc bằng pin, bột nhừ... mỗi đêm tôi bán hơn trăm bắp mà vẫn hết sớm, 1g là đã được về nghỉ rồi” - chị Nguyễn Thị Chúc, người có thâm niên bán ngô hơn sáu năm, buồn rầu nói.
Nhọc nhằn đời ngô
Theo chân xe ngô luộc của chị Chúc, chúng tôi tìm đến xóm ngô luộc Đồng Bát, nơi hơn 300 nhân khẩu tứ xứ tụ về đây từ năm 1994 mưu sinh bằng nghề bán rong ngô, khoai. 15g, hơn 300 xe ngô túa ra khắp các ngả đường của thành phố Hà Nội, họ chỉ trở về khi trời đã rạng sáng.
Có những gia đình từ đời ông bà, bố mẹ đến đời các con đều gắn bó với nghề bán ngô luộc. Họ thuê những phòng trọ nhỏ xíu, lụp xụp, rách rưới... để sống qua ngày. Những phòng trọ trong xóm ngô khoai chỉ rộng chừng 7-8m2, xếp san sát nhau chỉ hở một lối đi rộng vài gang tay. Chúng được lợp lên từ đủ thứ: ván gỗ, lá cọ, tôn, bao tải..., mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh. Giá mỗi phòng từ 500.000-800.000 đồng/tháng. Ấy vậy mà cái giá cả phải chăng đó vẫn khiến nhiều người bán ngô đứng ngồi không yên vì ngô ế không có tiền đóng. Đằng sau mỗi xe ngô là một mảnh đời cơ cực, bần hàn.
Chiếc xe ngô của chị Chúc cứ đều đều, 15g rời khỏi xóm ngô khoai, ngang qua các con phố Phạm Hùng - Mễ Trì - Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy, Cầu Giấy. Đó chính là cung đường gắn bó với chị Chúc suốt sáu năm nay. Hôm nào ngô đắt hàng, đó là cung đường của niềm vui, hôm nào mưa gió bão bùng, không có người ăn ngô, chị buồn như muốn khóc. Cuộc sống của gia đình chị Chúc gồm sáu thành viên đều dựa vào những vòng quay của chiếc xe ngô. Ngô, khoai bị hắt hủi, người mua không ăn vì sợ hóa chất khiến gia đình ấy bị cái đói đe dọa.
Quy trình luộc ngô Chứng kiến một quy trình luộc ngô của chị Phạm Thị Lan tại xóm ngô khoai Đồng Bát mới thấy được người bán ngô cẩn thận như thế nào. Chị Lan chọn những bắp ngô tươi, non nhất, chặt hết râu ria, rửa sạch rồi đợi nước thật sôi đổ ngô vào luộc và đúng 15 phút sau vớt ra. Như vậy ngô sẽ dẻo đều và không bị nhừ. Nếu muốn ngô thơm và ngọt có thể cho thêm các gốc mía. Mấy tháng nay làm ăn không có lãi, cả gia đình chị Lan gồm ba thế hệ đi bán ngô vẫn nổi lửa luộc ngô vào mỗi sáng mặc dù nhiều người trong xóm đã bỏ nghề và chuyển sang bán xúc xích, kem bông, bánh mì... “Cả gia đình tôi sáu người theo nghề bán ngô hơn chục năm nay. Chúng tôi sẽ vẫn bán tới khi nào còn có thể vì tôi không muốn ngô phải chịu tiếng xấu mãi” - chị Lan khẳng định. |
“Nói thật, chính chúng tôi còn chưa biết cái muối diêm, bột nhừ là gì chứ đừng nói dùng để luộc ngô. Gắn bó với ngô khoai đã lâu, tôi không nỡ từ bỏ cái nghiệp này. Bây giờ bỏ nghề tôi cũng không biết làm gì nữa, về quê cũng không có ruộng nương gì cả” - chị Chúc than thở.
Trước đây hai vợ chồng chị Chúc và anh Toan làm việc cật lực, bán mỗi ngày được 100-200 bắp ngô lãi 200.000-300.000 đồng, chắt chiu mỗi tháng cũng gửi được hơn 3 triệu đồng về quê cho ông bà nuôi hai cháu đang tuổi ăn học. Nhưng đến nay mỗi ngày chị Chúc chỉ bán được 10-20 bắp, có ngày ế không bán được đành chịu lỗ, thành ra không còn tiền mà gửi về quê nuôi con.
Anh Nguyễn Văn Diệp, đang nuôi vợ bị bệnh ung thư phổi, cũng ngao ngán: “Tôi đang tính về quê chứ ở đây không trụ nổi nữa rồi”. Trước đây trên chiếc xe ngô nhỏ, anh Diệp đi khắp phố Nghĩa Tân - Xuân Thủy - Cầu Giấy - Phạm Văn Đồng - Doãn Kế Thiện, một đêm cũng bán hơn 100 bắp ngô, lời lãi đủ nuôi vợ con.
Đêm qua Hà Nội phủ đầy sương, dáng anh Diệp còm cõi đẩy xe ngô suốt 12 tiếng chỉ bán được hơn 20 bắp ngô. Mỗi ngày anh Diệp chỉ ngủ ba tiếng, thời gian còn lại vật lộn với ngô, khoai. Sáng nào cũng 7g nhập hàng, 11g luộc ngô, nướng khoai, 15g đi bán và 3g sáng hôm sau anh mới trở về xóm trọ.
Đó cũng chính là nhịp sống của xóm ngô thường ngày. Phòng trọ của anh Diệp lụp xụp rộng chưa đầy 6m2, ẩm thấp, trong phòng chỉ có duy nhất một cái giường. Xòe hơn 20.000 đồng lẻ trên tay, anh nói buồn thiu: “Lời lãi của tôi hai ngày nay đấy. Tôi thì không ăn cũng được nhưng còn vợ con...”.
Nỗi đau ngô bắp
Tin đồn bắp ngô vỉa hè luộc bằng hóa chất, bằng muối diêm, bằng đường hóa học, pin, chì, thậm chí ngô “ủ hóa chất không cần luộc” đã khiến nhiều người trồng ngô và bán ngô khốn đốn, lao đao. Họ đang phải trải qua những ngày tháng cay đắng nhất bởi ngô trồng ế ẩm, ngô luộc bán cũng không ai mua. Nhiều người đã bỏ về quê, bỏ nghề hoặc chuyển sang nghề khác.
Anh Nguyễn Văn Toan bán ngô được hơn bảy năm nay đã ngậm ngùi chuyển sang bán kem bông được hai tháng. Anh than thở: “Chiếc xe ngô đã gắn bó với tôi từ thuở thanh niên, nay có hai con rồi mà phải bỏ nghề. Thật lòng tôi không muốn chuyển nghề nhưng biết làm thế nào được, ngô giờ bị tẩy chay, bán không ai mua nên chúng tôi đành bất lực”. Trong xóm ngô luộc, đã hơn 30 người bỏ nghề, số còn lại sống lay lắt chờ đợi và hi vọng mọi người sẽ ăn ngô trở lại và xóm ngô luộc sẽ lại vui tươi mỗi khi chiều về.
Theo cô Phạm Thị Vân, người đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề bán ngô luộc thì ngô, khoai, sắn là những thứ lành hiền nhất do người nông dân làm ra. Ngô từ bao đời nay vẫn là món quà vặt yêu thích của người dân. Hơn 300 con người trong xóm ngô luộc Đồng Bát vẫn sống bằng nghề bán thứ quà vặt này bao năm nay. Họ sống chân thật, chất phác bởi chính họ cũng là nông dân dắt díu nhau lên thành phố để kiếm miếng cơm manh áo.
“Tôi không hiểu sao tin đồn ngô luộc bằng pin, muối diêm, bột nhừ... từ trong Sài Gòn xa tít tắp lại có sức tàn phá mạnh mẽ tới xóm ngô luộc tận Hà Nội như vậy. Chúng tôi làm ăn chân thật mà chỉ vì cái tin đồn đó nên phải khốn đốn, bỏ nghề” - cô Vân chua xót. Xe ngô của cô Vân đã ba ngày nay bỏ chỏng chơ vì gần một tháng nay cô không hôm nào bán hết hàng, mặc dù đến 5g sáng cô mới thất thểu trở về xóm trọ.
Những ngày này, người dân xóm ngô khoai ai nấy đều ăn ngô, khoai trừ bữa, để bớt đi chi phí sinh hoạt hằng ngày, bởi ngô, khoai lấy về bán ế. Cái ngô, củ khoai đã gắn bó với cuộc sống, với từng mảnh đời nơi đây. Điều đặc biệt trong nếp sống của người dân xóm ngô khoai ấy là mỗi ngày họ chỉ ăn đúng một bữa cơm. Buổi trưa họ ăn thật no, đến buổi chiều họ đi bán hàng và rạng sáng trở về sẽ ăn ngô, khoai trừ cơm. Cô Vân bức xúc: “Chính chúng tôi còn ăn ngô, khoai ế trừ bữa thì không lý gì chúng tôi cho các thứ hóa chất kia để hại chính mình”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận