29/12/2020 10:54 GMT+7

'Nói tục' làm sao để không thô thiển

LINH ĐOAN - THÙY DUNG
LINH ĐOAN - THÙY DUNG

TTO - Trong cuộc trò chuyện về kịch nói Nam Bộ cuối tuần qua, nghệ sĩ Kim Cương bày tỏ băn khoăn khi hiện nay nhiều nghệ sĩ lạm dụng hài lố, hài thô tục.

Nói tục làm sao để không thô thiển - Ảnh 1.

NSƯT Thành Hội (vai Năm Biền) và nghệ sĩ Ái Như (vai Út Trâm) trong vở Chuyện bây giờ mới kể - Ảnh: T.T.D.

Họ cố tình đánh vào miếng hài vô duyên để câu thị hiếu khán giả mà quên mất vai trò và ảnh hưởng của người làm nghệ thuật.

Bây giờ, bật các chương trình hài trên YouTube, thậm chí trên truyền hình, xem các vở hài kịch ở một số sân khấu, người ta không khó để bắt gặp những câu nói tục, chửi thề hết sức phản cảm.

Kiểu hài xoáy vào những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người, chuyện phòng the... cứ thế bị lạm dụng. Không chỉ nói, diễn viên còn cố tình diễn tả bằng hành động khiến khán giả không ít lần đỏ mặt khó chịu với những kiểu nói tục thô thiển, kém duyên hết sức lố lăng.

1. Vấn đề đặt ra là có "vùng cấm" cho từ ngữ thô tục trong nghệ thuật, đặc biệt là trong sân khấu và trong hài kịch, hay không? Cũng trong cuộc trò chuyện về kịch nói Nam Bộ, NSƯT Thành Lộc đưa ra ví dụ về sự thô tục được sử dụng phù hợp. 

Vở Tiếng súng một giờ khuya của đoàn cải lương Tân Tiến trước 1975 từng gây sốc với khán giả và giới báo chí thời bấy giờ khi lần đầu đưa từ thô tục vào lời thoại. 

Sau năm 1975, ở sân khấu kịch 5B có vở Chuyện bây giờ mới kể, nhân vật do NSƯT Thành Hội cũng gây sốc với câu thoại có chứa từ thô tục và bất ngờ trở thành câu thoại nổi tiếng.

Đạo diễn Hoàng Duẩn - giảng viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM - cũng rất ấn tượng với câu chửi thề tỏ tình mà nhân vật Năm Biền (NSƯT Thành Hội đóng) thốt lên trong vở Chuyện bây giờ mới kể

"Bởi vì nó quá phù hợp với một nhân vật ngang tàng, phong trần như Năm Biền trong một tình huống vì quá yêu, vì không thể bày tỏ hết nỗi lòng nên trong tích tắc đã bùng lên câu thoại: "Đ.M, tui yêu em mà Út ơi!", khiến khán giả đồng cảm và vỗ tay không ngớt" - Hoàng Duẩn phân tích và anh cũng nhấn mạnh việc sử dụng nói tục, chửi thề trong một tác phẩm không phải là điều cấm đoán nhưng phải thật phù hợp tính cách nhân vật, phù hợp hoàn cảnh trong câu chuyện và có chừng mực.

Theo nghệ sĩ Thành Lộc: "Sự thô tục nếu được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ sẽ nâng cao giá trị cho vở diễn, nhưng nếu lạm dụng quá đà sẽ biến thành rác. 

Vấn đề là người nghệ sĩ phải tự biết điều chỉnh. Công chúng có quyền phản ứng khi nghệ sĩ không biết kiểm soát ngôn từ cho phù hợp để họ biết đó là không hay mà sửa đổi".

2. Nghệ sĩ Ái Như cho rằng khi đưa lời chửi thề, thô tục vào kịch cần phải suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ: "Phải trong hoàn cảnh nào đó, mức độ nào đó thật cần thiết và hết sức chọn lọc, nếu không sẽ rất dơ!".

Đạo diễn Hoàng Duẩn nhìn nhận dân gian Việt Nam có rất nhiều câu chuyện "nói tục giảng thanh" rất ý nhị, hài hước. "Nhìn lại những tiết mục, những vở hài kịch xưa nay, bạn sẽ thấy yếu tố tục giảng thanh rất nhiều. Đó là kiểu hài lời mà các nghệ sĩ khai thác để tạo tiếng cười, nói tục mà hay ho, đối đáp hay ho, rất văn học. 

Tuy nhiên, để có những "miếng" tục giảng thanh đắt giá, người nghệ sĩ cũng phải cất công xây dựng tình huống phù hợp, phải chắt lọc từ ngữ phù hợp để đưa lên sân khấu chứ không thể bê nguyên xi từ đời thường" - đạo diễn Hoàng Duẩn nói.

Có thể thấy, việc vận dụng "nói tục giảng thanh" cũng là "con dao hai lưỡi"; nhất là trong tình hình làm hài kịch, làm sitcom hài gấp rút như hiện nay, nhiều cảnh hài không được đầu tư từ kịch bản đến cách diễn sao cho ý nhị. 

"Nói tục giảng thanh" mà người xem thích là phải có một đẳng cấp, một trình độ tay nghề nhất định, nhưng không ít nghệ sĩ đã không quan tâm đến điều đó nên cứ sử dụng một cách bừa bãi, dễ dãi. 

Bởi vậy, người xem cứ phải bắt gặp hoài những kiểu "nói tục"mà giảng... không thanh, làm cho sản phẩm văn hóa trở nên không có văn hóa!

Nói bậy như... cái phao

Trước đây, có lần NSƯT Bảo Quốc từng băn khoăn: "Có một số em trẻ, khi ra diễn hài chừng 5 - 10 phút mà khán giả không cười là bắt đầu quýnh quáng. Lúc đó, nói bậy sẽ như là cái phao mà các bạn bấu víu vào vì dễ tạo tiếng cười sinh học.

Đó là một trong những lý do khiến kiểu hài nói tục, nói bậy tràn lan. Và thật sự rất nguy hiểm nếu chúng ta thiếu tiết chế!".

Lời nhắc nhở của tiền bối từ cách đây cả chục năm đến nay vẫn "thời sự" vì tình trạng trên có vẻ vẫn chưa được chấn chỉnh. Không ít phụ huynh lo ngại khi con trẻ dễ dàng tiếp cận các sản phẩm hài sử dụng từ ngữ tùy tiện tràn ngập trên mạng.

Vì sao hài nhảm ngày càng chiếm sóng truyền hình ? Vì sao hài nhảm ngày càng chiếm sóng truyền hình ?

TTO - Vì sao hài nhảm ngày càng “chiếm sóng truyền hình”? Câu trả lời rất đơn giản là format đơn giản, đầu tư sản xuất chi phí vừa phải, dễ có rating và thu được quảng cáo.

LINH ĐOAN - THÙY DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên