13/04/2018 09:51 GMT+7

'Nội trú như lò rèn, tôi phải chuyển trường cho con'

H.HƯƠNG - T.THƯƠNG
H.HƯƠNG - T.THƯƠNG

TTO - 'Có thể nói trường nội trú như... lò rèn. Tôi phải chuyển trường cho con vì không muốn con bị rèn như thế', phụ huynh chia sẻ sau vụ nam sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến tự tử vì áp lực.

Nội trú như lò rèn, tôi phải chuyển trường cho con - Ảnh 1.

Học sinh một trường nội trú xếp hàng đi ngủ - Ảnh: NHƯ HÙNG

Sự việc nam sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.Tân Bình, TP.HCM) tự tử khiến nhiều người đặt vấn đề về cách giáo dục ở các trường nội trú.

Môi trường học nội trú khắc nghiệt

"Việc học tập ở trường nội trú nói chung rất khắc nghiệt, áp lực nhiều mà học sinh không biết tâm sự với ai, chỉ biết học, học và học.

Nói như thế không có nghĩa tôi phủ nhận mô hình giáo dục nội trú. Vì có nhiều trường tư thục có kỷ luật sắt và nhiều em nên người. Tuy nhiên, phần lớn phụ huynh vì chạy đua với công việc không có thời gian quản lý, giáo dục chăm sóc con.

Họ nhờ trường, cô thầy quản nhiệm thay mặt mình quản lý con để con an toàn, không bị thú vui cám dỗ. Sự hà khắc khiến các em bằng mặt nhưng không bằng lòng. Các em co mình lại, "xù lông nhím" để đối phó với trường", TS giáo dục học Võ Văn Nam (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận xét.

Trong khi đó bạn đọc Nguyễn Hiếu Lợi đánh giá "trường nội trú như... lò rèn". "Tôi cũng đã có con học nội trú. Khi bước qua lớp 11, tôi phải chuyển trường khác chứ không muốn con tôi bị rèn như thế".

"Giáo dục học sinh phải phân biệt từng cá nhân, chứ không phải đúc ra từ khuôn. Do đó, với phương pháp của trường nội trú không đúng môi trường sư phạm. 

Nhiều trường nội trú chỉ vì danh tiếng của trường, chứ không phải vì sự phát triển toàn diện cho học sinh", bạn đọc này chia sẻ.

Vì áp lực thành tích

Nội trú như lò rèn, tôi phải chuyển trường cho con - Ảnh 2.

Tranh: LAP

Bạn đọc Nguyễn Tĩnh cho rằng nhiều trường nội trú vì áp lực thành tích mà áp dụng phương pháp giáo dục hết sức khắc nghiệt với học sinh. Nhiều người cứ nhìn vào thành tích tưởng là tốt.

Các em bị ép học, gạo bài với kỷ luật thép từ sáng sớm đến 10h tối. Dù thành tích có cao nhưng các em thiếu nội lực, thiếu khả năng tự học, thiếu sự độc lập tự chủ trong quá trình chiếm lĩnh tri thức.

Từng là học sinh nội trú, bạn đọc Lu Nguyen kể: Trường bắt học sinh học khủng khiếp để đạt thành tích cao cho trường. 4h sáng dậy làm vệ sinh cá nhân rồi lên lớp dò bài, 6h ăn sáng, rồi 7h vào học, tối bắt học thuộc bài tới 10h-11h đêm mới cho về phòng.

Qua năm lớp 11, trường thấy học sinh nào quậy phá ham chơi, điểm số thấp thì ép học sinh đó chuyển trường bằng lý do này hoặc lý do khác.

Tôi từng bị gọi phụ huynh lên yêu cầu chuyển trường vì giám thị tuyên bố chắc chắn tôi không đậu được tốt nghiệp. Không tự nguyện chuyển thì trước sau gì trường cũng bắt chuyển. Giữa năm mà chuyển sẽ khó khăn hơn.

Sau khi quyết định chuyển trường sang một trường dân lập khác, tôi thoải mái hơn hẳn. Ở trường nội trú, tôi đã đánh mất cả tuổi học sinh khi chỉ học, ăn, học và học".

Bạn đọc Bạn đọc Tu Ly - cũng là một phụ huynh, thì chia sẻ: "Tôi từng đưa con vào học nội trú và sau đó hai tháng phải đưa ra. Cháu học tại trường công lập bình thường, không tiếng tăm gì nhưng thi đại học đậu cả ba trường ở nguyện vọng 1.

Còn bạn của con tôi, thời điểm đó ở khối 12 của trường tư thục nội trú học rất giỏi, thi đại học điểm cao nhưng vào đại học lại thích chơi hơn là học.

Tôi thấy nhiều em học trường tư thục nội trú học rất giỏi nhưng lên đại học thì lẹt đẹt. Tôi nghĩ do các em bị gò bó suốt quãng đời học sinh phổ thông, lên đại học cảm thấy không bị gò bó nữa và bắt đầu chơi, thứ mà trước đây em bị thiếu".

Nam sinh trường Nguyễn Khuyến viết thư tuyệt mệnh rồi nhảy lầu tự tử

TTO - Trước khi tự tử, nam học sinh để lại thư tuyệt mệnh với nội dung do áp lực học tập, điểm số và áp lực từ gia đình muốn con mình được học lớp đứng đầu khối.

H.HƯƠNG - T.THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên