TTCT - Ở Huế, một bộ sưu tập hàng nghìn hiện vật gốm Sa Huỳnh thời tiền và sơ sử trục vớt từ lòng sông Hương không chỉ làm ngạc nhiên giới sưu tầm, nghiên cứu cổ vật, mà có thể có vai trò nối thêm vài nghìn năm lịch sử văn hóa cho vùng đất cố đô. Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan gặp nhiều khó khăn trong bảo quản hiện vật gốm, chẳng hạn những đợt lũ thường niên ở Huế - Ảnh: Thái LộcNhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan và một hiện vật gốm thời tiền sơ sử Sa Huỳnh trục vớt từ sông Hương - Ảnh: Thái LộcTrong số hàng vạn hiện vật khảo cổ trục vớt từ đáy sông Hương của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan (Huế) có khoảng 1.000 hiện vật thuộc giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh rất quý hiếm, niên đại lên đến trên dưới 2.500 năm. Bộ sưu tập được ông Phan xem là “vô tiền khoáng hậu”, được một đội ngũ đông đảo dân vạn đò không biết gì về chuyên môn “khai quật”, trên một địa bàn rộng khắp các con sông quanh Huế, chủ yếu là sông Hương, kéo dài suốt hơn 30 năm và vẫn còn tiếp diễn...Thêm vài nghìn năm cho một vùng đấtÔng Hồ Tấn Phan khởi đầu nghiên cứu lịch sử văn hóa từ những năm trước 1975 bằng việc truy tầm sách vở, nhất là tư liệu Hán Nôm của người xưa. Trong một lần tình cờ, vợ ông Phan là bà Nguyễn Thị Thơ chuyên đi đỡ đẻ cho dân vạn đò đã được tặng mấy hũ gốm cổ mang về nhà thay cho tiền công. Hỏi ra mới biết dân vạn đò mò được ở đáy sông Hương.Giai đoạn khốn khó ấy, dân vạn đò đi lặn tìm phế liệu... trên khắp các con sông quanh Huế, bắt gặp nhiều đồ vật gốm sứ và lấy lên những thứ còn nguyên lành đem về để lăn lóc trên đò. Khi kim loại và phế liệu cạn dần, một số đồ gốm sứ như chén dĩa, hũ, bình được vớt lên để bán dù giá rất “bèo”.Suốt hơn 30 năm sưu tầm hiện vật từ lòng sông, khi thì mua về từ vỉa hè đường Trần Hưng Đạo của Huế, khi thì những tay thợ lặn chở đầy một con đò đến tận nhà bán cho, nay “khu vườn gốm” của ông Phan đang chứa có thể lên đến hàng chục vạn món, không thể đếm xuể.Thứ gây bất ngờ nhất chính là các hiện vật gốm thời tiền sơ sử, những thứ mà dân lặn cho là xấu xí lẫn trong đó, chủ yếu là các loại đồ dùng (nồi, chén, bát, đĩa...), đồ đựng (các loại hũ, âu...), đồ an táng (vò, chum...) và rất nhiều đồ vật chưa biết người xưa dùng vào việc gì. Tất cả mang đầy đủ các loại hoa văn đặc trưng, từ hoa văn thừng, hoa văn khắc vạch, hoa văn in...Với sự xuất lộ hiện vật văn hóa Sa Huỳnh - một lớp trầm tích dưới lòng sông Hương, một diện mạo lâu đời hơn của vùng đất Huế có thể sẽ dần được hé lộ. Từ trước năm 1975, muốn nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế thời kỳ xa xưa là điều rất khó, thư tịch hầu như không đề cập và hiện vật cũng chưa xuất lộ. Có lẽ vì vậy mà giới nghiên cứu thường chỉ có khái niệm Huế có bề dày lịch sử văn hóa, song dày đến đâu ít người nói rõ.Người ta cũng thường nhắc đến vài ba trăm năm của thời Nguyễn, cũng nhiều người nhắc đến lịch sử vùng đất này trong khoảng bảy thế kỷ, tính từ mốc lưu dân người Việt theo gót Huyền Trân đầu thế kỷ 14. Nhưng những thế kỷ đầu giai đoạn này cũng chỉ được nhắc mang tính chiếu lệ. Giai đoạn văn hóa Champa ở vùng đất này chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo...Trong khi đó, đầu thế kỷ 20, khi khu mộ táng của người tiền sơ sử phát lộ ở bãi cát tại Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), người ta cho rằng không gian văn hóa của người tiền sơ sử Sa Huỳnh từ tỉnh Quảng Ngãi trở vào. Đến sau năm 1975, không gian văn hóa Sa Huỳnh mới được “kéo” ra Quảng Nam - Đà Nẵng thông qua nhiều cuộc khai quật khảo cổ học xuất lộ lớp văn hóa này ở đây.Cho đến một khối lượng lớn hiện vật khảo cổ học cùng giai đoạn dưới sông Hương, cùng với những hiện vật khai quật được ở Cồn Ràng và Cồn Dài (tại thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế những năm 2000) được phát hiện, giới khoa học đi đến kết luận: Thừa Thiên - Huế cũng là địa bàn chính của văn hóa Sa Huỳnh.Một “hũ” gốm Sa Huỳnh với hoa văn “kỷ hà” tuyệt mỹ trong sưu tập gốm cổ của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan - Ảnh: Thái LộcHiểu thêm về những trầm tích lịch sử - văn hóaKhông dừng lại ở con số trên dưới 2.500 năm của văn hóa Sa Huỳnh, tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Việt (giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á) cho biết một thông tin quan trọng mà ông chưa có điều kiện công bố. Đó là một chiếc “chạc” (*) và một số nồi gốm có cùng niên đại 3.000-4.000 năm trong sưu tập của ông Hồ Tấn Phan mà ông từng để công nghiên cứu. Ông cho rằng những hiện vật thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí này nằm ở sông Hương “chứng tỏ vùng thượng nguồn gần đó có một di tích sớm rất có giá trị, có thể khẳng định sự tồn tại một di chỉ mộ táng sớm”.Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Việt, sưu tập của ông Phan góp phần “làm rõ đặc trưng Sa Huỳnh bắc gần với dạng văn hóa Sa Huỳnh ở lưu vực sông Thu Bồn. Điều này chứng tỏ đèo Hải Vân không ngăn trở sự thống nhất của Sa Huỳnh sông Hương với sông Thu Bồn”.PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (giám đốc Bảo tàng Nhân học, chủ nhiệm bộ môn khảo cổ học ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng nhận xét: “Có thể nói rằng sưu tập hiện vật của ông Hồ Tấn Phan phản ánh quá trình hình thành, tụ cư và tương tác của nhiều lớp dân cư từ giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh - Champa - Đại Việt ở vùng lưu vực sông Hương và gợi mở nhiều vấn đề nghiên cứu mới cho các nhà sử học, văn hóa học nghiên cứu vùng đất này, đặt vùng đất này trong mối quan hệ với những vùng đất khác ở Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á”.Dựa trên nghiên cứu bấy lâu nay thông qua tiếp cận hiện vật gốm mình đang sở hữu, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đúc kết: “Trong mối quan hệ so sánh, đối chiếu với những hiện vật khai quật được dưới lòng đất ở các di chỉ Cồn Ràng, Cồn Dài (ở thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), hiện vật gốm từ đáy sông Hương đã góp phần làm rõ giai đoạn tiền và sơ sử trên đất Thừa Thiên - Huế, có nghĩa lịch sử vùng đất Huế phải được kéo dài thêm mấy ngàn năm nữa!”. “Số lượng đồ gốm lớn nhất trong sưu tập Hồ Tấn Phan là những đồ sành, sứ có niên đại Champa trở về sau. Trong số này tôi đặc biệt lưu ý dấu vết gốm Champa sớm, khi vùng này là tâm điểm của quốc gia Lâm Ấp (TK2-TK6), trong đó cả gốm Giao Chỉ từ phía bắc và gốm Phù Nam từ phía nam. Số lượng gốm sứ Champa của sưu tập này nhiều và đa dạng đến mức không phải chỉ có tôi mà rất nhiều nhà nghiên cứu đến thăm đều nảy ra ý tưởng làm tư liệu cho nhiều luận văn của sinh viên bậc đại học và trên đại học.Tôi nghĩ nếu làm được như vậy thì không những giúp bác Phan phân loại và hệ thống hóa khối di sản “khổng lồ” của mình trong điều kiện sức khỏe và kinh phí rất hạn hẹp, mà còn đưa ra cho khoa học, cho xã hội những phát hiện có giá trị và rất thầm lặng của chủ nhân sưu tập.Thậm chí sẽ có điều kiện để nhiều bảo tàng trung ương, địa phương thăm viếng, trao đổi và tạo điều kiện động viên, đền đáp lại công sức, tiền của và tình yêu đối với văn hóa di sản Huế của bác Hồ Tấn Phan” - tiến sĩ Nguyễn Việt (giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á-“Có thể nói đây là một trong những “bảo tàng” tư nhân lớn nhất Việt Nam còn gìn giữ được những di vật có giá trị, phản ánh gần như đầy đủ các giai đoạn lịch sử từ giai đoạn tiền, sơ sử (văn hóa tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh) đến giai đoạn Chăm sớm (thế kỷ 1, 2-3), giai đoạn Champa (từ thế kỷ 4-5 đến thế kỷ 11-12) và giai đoạn Champa - Đại Việt (thế kỷ 13-14), văn hóa Đại Việt (thế kỷ 14 trở về sau)...Thậm chí nơi đây còn bảo lưu được nhiều loại hình hiện vật độc đáo chưa từng được tìm thấy qua khai quật khảo cổ học.“Trong bộ sưu tập của ông Phan, chúng tôi rất coi trọng và quan tâm đến nhóm hiện vật tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh (thiên niên kỷ II trước Công nguyên đến đầu Công nguyên), gồm đồ đá (rìu, bôn, bàn nghiền...); đồ gốm (đồ dùng sinh hoạt, đồ tùy táng, đồ gốm nghi lễ...), đồ đồng, sắt (đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, công cụ sản xuất...).Bộ sưu tập này góp phần quan trọng giúp các nhà nghiên cứu nhận diện một phần quan trọng của quá khứ Huế nói riêng và miền Trung Việt Nam nói chung, từ đó tìm hiểu rõ hơn quá trình chuyển biến từ văn hóa Sa Huỳnh sang văn hóa Champa, đặc biệt trong giai đoạn chuyển từ sơ sử sang sơ kỳ lịch sử”.ThS NGUYỄN ANH THƯ(giảng viên khoa di sản văn hóa, Trường ĐH Văn hóa, ĐH quốc gia Hà Nội, nghiên cứu sinh đề tài “Đồ gốm Champa thiên niên kỷ I Công nguyên qua tư liệu các cuộc khai quật khảo cổ học”) ___________(*) Chạc: một loại hiện vật bằng đất nung, cho đến nay chưa rõ công dụng, tồn tại phổ biến trong các di tích thời đại đồ đồng và thời đại sắt sớm ở Việt Nam. Tags: HuếĐời sống văn hóaHồ Tấn PhanCổ vậtKhảo cổGốm Sa HuỳnhVăn hóa Sa HuỳnhĐồ sành sứ có niên đại ChampaNhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Việt Nam có khoảng 70.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến kháng thuốc kháng sinh THANH HÀ 22/11/2024 Theo Tổ chức Y tế thế giới, đã có gần 270.000 ca tử vong do đề kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.