Dù đặt chỉ tiêu giành 2-3 HCV tại Asiad 17 nhưng đoàn TTVN chỉ giành được 1 HCV, 10 HCB, 25 HCĐ, xếp thứ 21/37 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông Thành nói: “Việc đặt chỉ tiêu để phấn đấu vượt qua. Tuy nhiên, đoàn cũng xác định ngay từ đầu đây là đấu trường hết sức khó khăn, nên việc các VĐV thể hiện hết khả năng của mình đã là thành công bởi vì mình chuẩn bị tốt nhưng các nước lại có điều kiện chuẩn bị tốt hơn.
Ngoài sự xuất sắc của các VĐV điền kinh với 2 HCB chạy 400m nữ và nhảy xa nữ, chúng ta cũng có sáu môn lần đầu tiên giành được huy chương tại Asiad là xe đạp, bơi, đấu kiếm, quyền anh, thể dục dụng cụ và cử tạ. Tuy nhiên so với chỉ tiêu đề ra, chúng ta có cơ hội nhưng lại chưa nắm lấy cơ hội và đạt được kỳ vọng đó”.
* Theo ông, đâu là nguyên nhân thất bại của TTVN tại Asiad 17?
- Nói TTVN thất bại tại Asiad 17 cũng không đúng bởi chúng ta có môn thành công và có môn thất bại. Cụ thể, thất bại đối với những môn đã có truyền thống, kể cả những môn chúng ta kỳ vọng vì có thành tích quốc tế nhưng đến Asiad 17 lại không có. Nhưng có những môn mà chúng ta tiến từng bước một thì bắt đầu giành huy chương Asiad như đã nói ở trên.
Khách quan mà nói, sự đầu tư của các nước và sự phát triển của thể thao châu Á hiện nay rất mạnh. Chúng ta cũng tập trung, Nhà nước cũng đầu tư nhưng với những điều kiện khó khăn của đất nước, thật khó để có thể đầu tư lớn như các nước khác. Bấy lâu nay chúng ta kêu gọi đầu tư xã hội hóa cho thể thao nhưng chưa thực hiện đến nơi đến chốn, trong khi các nước lại làm rất tốt để giúp thể thao của họ phát triển.
* Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và thậm chí Campuchia đã giành HCV Asiad 17 ở các môn Olympic, trong khi VN chỉ giành HCV ở môn wushu không nằm trong hệ thống Olympic. Đây liệu có được xem là sự tụt hậu của TTVN so với các nước trong khu vực?
- Các nước trong khu vực giành nhiều HCV tại Asiad 17 nhưng không phải tất cả đều là môn Olympic. Chẳng hạn ở môn điền kinh, Thái Lan chỉ đoạt một HCĐ ở nội dung chạy 110m rào. Malaysia, Singapore hay Indonesia hơn chúng ta về số HCV nhưng nhìn bề rộng, để có một lực lượng VĐV giành đến 36 huy chương ở 13 môn như chúng ta thì các nước không bằng.
Thật ra, so sánh một chiếc HCV Asiad là môn Olympic hay không Olympic giữa các nước Đông Nam Á với nhau chỉ mang tính chất tương đối. Vì quan điểm của TTVN là phát triển hài hòa giữa môn Olympic và không Olympic bởi số người chơi thể thao của chúng ta ở nhiều môn khác nhau.
* Bốn kỳ Asiad gần đây, VN đều không giành được HCV nào ở môn Olympic. Vậy chúng ta phải làm gì để có thể có HCV ở môn Olympic tại Asiad 18?
- Sau khi về VN, các môn sẽ tổng kết để đánh giá lại. Nhưng chắc chắn đầu tư sắp tới của chúng ta phải tính toán, hệ thống lại một cách khoa học và tập trung hơn để làm sao khắc phục được những cái chưa được tại Asiad 17. Chúng ta cần phải đầu tư trọng điểm và để chuẩn bị những kỳ Asiad sắp tới, chúng ta phải tính toán lại những môn được xem là kỳ vọng.
* Ông có nhắc đến chuyện đẩy mạnh xã hội hóa thì nền thể thao mới phát triển mạnh được. Vậy tại sao các nước làm được còn chúng ta thì không?
- Những cường quốc thể thao mạnh, có tiềm lực kinh tế tốt, họ đầu tư cho thể thao rất mạnh. Điều này dẫn đến những nước này các liên đoàn thể thao của họ rất mạnh khi được các tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế rót tiền đầu tư. Trong khi chúng ta Nhà nước là chính, xã hội hóa rất nhỏ giọt. Vì VN muốn xã hội hóa cũng khó do phụ thuộc vào bốn yếu tố: 1- Sự phát triển kinh tế. 2- Sự phát triển thể thao ở mức độ nào đó mới xã hội hóa mạnh. 3- Sự ước lượng của quảng cáo (lợi ích của quảng cáo). 4- Truyền thông. Nhưng bốn yếu tố đó chúng ta đều yếu và khó so với các nước.
Ví dụ việc đầu tư cho môn thuyền buồm rất tốn kém. Singapore, Malaysia và Thái Lan giành nhiều HCV ở môn này do họ đã có nền tảng và việc kêu gọi xã hội hóa cũng rất tốt. Nếu muốn phát triển môn thể thao này, chúng ta phải huy động xã hội hóa bởi chi phí rất lớn. Nói vậy bởi Khánh Hòa đang làm một bãi đậu của thuyền buồm đã là 1 triệu USD. Mà phát triển đua thuyền buồm thì phải phát triển đồng thời du lịch. Du lịch VN hiện nay chưa được quan tâm trong khi Thái Lan, Malaysia và Singapore du lịch phát triển mạnh nên kéo thuyền buồm phát triển được, do đó có tiền để tái đầu tư vào VĐV.
[box]Thành tích của các nước Đông Nam Á tại Asiad 17
Với 12 HCV, Thái Lan là nước Đông Nam Á thành công nhất tại Asiad 17 khi xếp hạng 6/37. Ngoài 4 HCV cầu mây và 1 HCV bowling, 7 HCV còn lại của Thái Lan đều thuộc những môn Olympic là xe đạp (2 HCV), thuyền buồm, quần vợt, taekwondo, quyền anh và golf.
Malaysia xếp thứ hai với 5 HCV, trong đó có 1 HCV thuộc môn Olympic là thuyền buồm. Singapore xếp thứ ba với 5 HCV, trong đó có 4 HCV thuộc môn Olympic là thuyền buồm (3 HCV) và bơi. Indonesia xếp thứ tư với 4 HCV, trong đó có 3 HCV ở môn Olympic là điền kinh và cầu lông (2 HCV). Myanmar xếp thứ năm với 2 HCV cầu mây.
Campuchia dù chỉ đoạt 1 HCV như VN nhưng lại nằm ở môn Olympic là taekwondo. Người đem về cho Campuchia chiếc HCV Asiad 17 này là cô gái chỉ 19 tuổi Sorn Seavmey ở hạng cân 73kg.[/box]
[box] Indonesia nhận cờ tổ chức Asiad 2018
Tối 4-10, trong lễ bế mạc Asiad Incheon 2014, Indonesia đã nhận lá cờ của Hội đồng Olympic châu Á (OCA) để chính thức nhận quyền đăng cai Asiad 2018.
Lễ bế mạc kéo dài 150 phút, kết hợp hài hòa giữa sự sôi động và sâu lắng. Hai đạo diễn Im Kwon Taek và Jang Jin hòa quyện các tiết mục trẻ trung của nền K-pop hiện đại với những điệu vũ truyền thống Hàn Quốc cùng trình chiếu những thước phim sâu sắc về những khoảnh khắc đáng nhớ tại đại hội.
Đ.K.L.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận