Đoạn đường ven sông Hồng vốn là nơi tập kết rác thải nay biến thành không gian văn hóa nghệ thuật vô cùng độc đáo - Ảnh: NAM TRẦN
16 tác phẩm là câu chuyện kể về Thăng Long - Kẻ Chợ vừa được hoàn thành nơi đoạn đường cũ ven sông Hồng (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết sau khi nhận đề tài về việc biến khu bãi rác thành điểm đến nghệ thuật thuộc dự án "Cải tạo bức tường bảo vệ hành lang bờ lở (bờ bên lở) sông Hồng", nhóm nghệ sĩ đã hoàn thành, biến ý tưởng trên giấy thành sản phẩm sáng tạo trong thời gian 2 tháng.
16 tác phẩm là câu chuyện kể về Thăng Long - Kẻ Chợ nơi đoạn đường cũ ven sông Hồng do chính tay các nghệ sĩ, họa sĩ hoàn thành - Ảnh: NAM TRẦN
"Chúng tôi muốn thay đổi một phần mặt sau của thành phố. Khu này vốn rất bẩn, ô nhiễm, rác thải vứt bừa bãi, với dự án này chúng tôi "nhặt rác" lên, biến thành tác phẩm nghệ thuật", nghệ sĩ Thế Sơn, giám tuyển nghệ thuật của dự án, chia sẻ.
Anh Sơn cho biết dự án lấy cảm hứng từ chính địạ thế hết sức đặc trưng, là nơi giao thoa của nhiều yếu tố văn hoá lịch sử của mảnh đất Thăng Long - Kẻ Chợ, từng là nơi tấp nập trên bến dưới thuyền cửa ngõ giao thương một thời của chốn kinh kỳ, từng là nơi chứng kiến những cơn lũ mỗi mùa nước lên, gắn liền với ký ức của biết bao thế hệ người dân nơi đây.
16 tác phẩm sắp đặt nghệ thuật trải dài trên những bức tường còn sót lại, gồm: Phản chiếu song hành (Cấn Văn Ân); Xẩm tàu điện (Phạm Khắc Quang); tác phẩm Voi, sống xanh (George Burchett); Lịch sử vỡ (Vương Văn Thạo); Vòng quay (Trịnh Minh Tiến); Nhà nổi (Lê Đăng Ninh); tác phẩm Gánh hàng rong, Phù điêu Đông Dương (Nguyễn Thế Sơn); tác phẩm Emoji City (Nguyễn Hoài Giang).
Cùng với đó là tác phẩm: Những Thánh Gióng đương đại (Nguyễn Trần Ưu Đàm); tác phẩm PhucTanGang (Nguyễn Xuân Lam); Thành phố ven sông (Nguyễn Ngọc Lâm); The Red River’s Dragon (Diego Cortiza); Bức tường danh vọng (Trần Hậu Yên Thế); Thuyền (Vũ Xuân Đông); Phù sa (Nguyễn Đức Phương) và tác phẩm Kẹp tóc (Trần Tuấn).
Điều đặc biệt của 16 tác phẩm này là đem đến hiệu ứng ánh sáng ban ngày cũng như ban đêm tạo nên khoảng không gian độc đáo có khả năng thu hút cộng đồng cũng như mang lại lợi ích về văn hoá, môi trường và tham quan du lịch cho chính người dân địa phương.
Tác phẩm Thuyền của Vũ Xuân Đông sử dụng hình ảnh những chiếc thuyền buồm gợi nhớ về bến sông tấp nập, tái chế từ những vỏ chai nhựa, vỏ dầu nhớt kết hợp với khung sắt tạo hình nên những cánh buồm và những con sóng lô nhô - Ảnh: NAM TRẦN
The Red River’s Dragon dài 15m, cao 2m của kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia Diego Cortiza. Với tác phẩm sắp đặt lần này, Diego thu nhặt những bu gà bỏ đi ở chợ Long Biên để tạo nên những lồng đèn nhiều màu sắc chiếu sáng vào con rồng được vẽ trên tường kết hợp xếp gương vỡ thành hình cầu Long Biên - Ảnh: NAM TRẦN
Bức tường danh vọng của tác giả Trần Hậu Yên Thế, sử dụng 5 cánh cửa bằng sắt cắt CNC giống như những ký ức về những cánh cửa của những căn “nhà Tây” bị biến mất đi trong quá trình phát triển của đô thị, kết hợp với bích hoạ vẽ hoa giấy lên tường gợi nhớ về một Hà Nội yêu kiều và lãng mạn thuở xa xưa - Ảnh: NAM TRẦN
Thành phố ven sông của Nguyễn Ngọc Lâm đặc biệt nổi bật vào buổi tối khi các ô cửa biến đổi màu sắc liên tục tạo nên ảo ảnh về đời sống hiện đại. Với tác phẩm này, anh sử dụng thùng phi cũ tạo nên một thành phố ven sông - Ảnh: NAM TRẦN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận