TTCT - Nỗi sợ hãi trước cái chết đồng hành với chúng ta từ khi chúng ta ý thức được chết là gì cho tới khi thực sự đã về bên kia thế giới. Nhà tâm lý học người Mỹ Sheldon Solomon, một chuyên gia nghiên cứu về cái chết, cho rằng điều đó ám ảnh toàn bộ cuộc đời chúng ta. Ông trao đổi với báo Đức Spiegel. Sheldon Solomon -nova.eduGiáo sư Solomon, ông đã dành cả đời nghiên cứu nỗi sợ cái chết. Ông có nhớ lần đầu ông trải qua nỗi sợ đó?- Có, đó là năm tôi 8 tuổi và một tối mẹ tôi nói: “Hãy nói tạm biệt bà vì bà không còn ở với chúng ta lâu nữa đâu”. Hôm sau bà tôi qua đời vì ung thư.Sau đấy, tôi lên lầu và bắt đầu xem lại bộ sưu tập tem của mình. Tôi có nhiều con tem Mỹ với các vị tổng thống đều đã chết cả trên đó. Có George Washington. Ông ấy là một người vĩ đại, nhưng chết rồi. Rồi Thomas Jefferson. Và rồi tôi chợt nghĩ: “Chết thật, hóa ra chẳng hay ho gì”.Nỗi sợ đó vẫn còn sau 50 năm?- Không sai, theo những lời hay ho của nhà nhân chủng học Ernest Becker, phía dưới vẻ ngoài ý thức và tự chủ của chúng ta luôn là sự run rẩy dữ dội.Phần não trước rất lớn của chúng ta giúp chúng ta có khả năng tư duy trừu tượng và biểu tượng, khiến chúng ta đủ thông minh để nhận ra rằng giống như mọi sinh vật sống, cuộc đời chúng ta là hữu hạn.Nhưng ông vẫn khá là hạnh phúc...- Mỗi người chúng ta đều sống với nỗi khiếp đảm đó. Becker nói để thức dậy vào mỗi buổi sáng, chúng ta đắm mình trong một hệ thống lòng tin mang tính biểu tượng được cấu trúc tỉ mỉ mà các nhà nhân chủng học gọi là “nền văn hóa”.Nền văn hóa của chúng ta khiến chúng ta cảm nhận rằng cuộc đời còn có ý nghĩa, rằng chúng ta có những giá trị của mình, rằng chúng ta vẫn có thể bất tử.Hoặc theo nghĩa đen, qua lòng tin vào thiên đường, kiếp sau và sự tái sinh, hoặc với triển vọng những gì chúng ta để lại sẽ bền vững với thời gian, từ sinh con đẻ cái, tích tụ một gia tài, cho tới tạo ra những tác phẩm nghệ thuật hay công trình khoa học lớn.Nhưng không hệ thống lòng tin mang tính biểu tượng được cấu trúc về mặt văn hóa nào đủ mạnh mẽ để loại bỏ hoàn toàn nỗi lo của sự nhận thức về cái chết.Đó là một chủ đề đã được các nhà tư duy lớn chiêm nghiệm hàng thế kỷ.- Không sai. Đó là ý tưởng từ kinh Cựu ước, và xa hơn nữa, từ thời cổ đại. Có cả một dòng chảy tư duy, trong nghệ thuật, triết học và thần học, chỉ ra rằng sự ý thức về cái chết chỉ có ở con người là điều hướng dẫn cơ chế hành vi tâm lý của chúng ta.Chỉ những nhà tâm lý học là né tránh chủ đề này. Khi tôi bắt tay vào việc, thái độ của ngành là: chuyện này thật vớ vẩn, không có sở cứ khoa học và chỉ là đồn đãi.“Những kẻ được ban phúc hạ phàm”, tranh của Hieronymus Bosch vào cuối thế kỷ 15. Ám ảnh cái chết đã được phản ánh từ rất xa xưa trong nghệ thuật, triết học và tôn giáo -Wikipedia Những căng thẳng liên quan tới kinh tế và dân tộc thì khác với nỗi sợ cái chết?- Bạn không cần phải lúc nào cũng nghĩ tới cái chết mới cảm nhận được nỗi sợ hãi nó. Hãy lấy ví dụ dễ hiểu hơn: trước vụ 11-9, tỉ lệ ủng hộ tổng thống George W. Bush xuống thấp vào loại lịch sử với các tổng thống hồi còn tại vị.Không lâu sau đó, ông ấy đã là người được tín nhiệm cao nhất. Là những nhà tâm lý học, chúng tôi nghĩ vụ 11-9 là lời nhắc nhở lớn, to tiếng và khủng khiếp về cái chết. Bọn khủng bố đã nhắm tới Lầu Năm Góc, tòa tháp đôi, và có thể cả Nhà Trắng, những biểu tượng quân sự, kinh tế và chính trị của nước Mỹ.Và những ai sống ở Montana cũng hoảng sợ như ở Manhattan trước lời nhắc nhở mang tính biểu tượng về cái chết đó.Donald Trump có vẻ cũng hiểu giống ông?- Không sai. Nước Mỹ đã một thời gian dài bất an về kinh tế, với tầng lớp trung lưu ngày càng teo tóp, những nam giới da trắng ít học cảm thấy bị đe dọa vì sự thay đổi nhân khẩu học, họ có nguy cơ trở thành thiểu số. Và Trump xuất hiện, hứa hẹn đủ thứ.Chúng tôi mới tiến hành một nghiên cứu vài tháng trước và thấy rằng sau khi được nhắc nhở về cái chết, các đối tượng nghiên cứu bày tỏ sự ủng hộ lớn hơn hẳn với Trump.Ông có vẻ cho rằng những yếu tố đen tối trong bản sắc văn hóa của chúng ta là do nỗi sợ cái chết. Nó khiến chúng ta trở thành những kẻ dân tộc chủ nghĩa, bài ngoại, và không biết dung hòa. Nhưng tại sao lại như thế?- ...Nỗi lo lắng về cái chết khiến chúng ta thù ghét những người khác mình. Nó khiến chúng ta thấy không thoải mái với cơ thể và các chức năng của cơ thể chúng ta. Nó biến chúng ta thành những người tiêu dùng vô thức và vô tội vạ. Nó làm xói mòn cả sức khỏe, thể chất và tâm lý của chúng ta.Nghệ thuật cũng chỉ là một cách trốn tránh cái chết?- Không sai. “Không có nghệ thuật, sự tàn nhẫn của thực tế sẽ khiến thế giới này không thể chịu nổi” - Bernard Shaw (1856 - 1950, kịch tác gia và thi sĩ lỗi lạc người Ireland) đã nói thế. Và Ralph Waldo Emerson (1803 - 1882, nhà thơ và nhà viết tiểu luận người Mỹ) viết: “Chúng ta bay đến với cái đẹp từ nỗi sợ hãi sự hữu hạn của đời sống”.Tôn giáo còn mang tới hi vọng bất tử rõ ràng hơn hội họa...- Phải, và đó là điều tôn trọng nhất với tất cả tôn giáo. Tôi thích ý tưởng về việc tôn giáo là một cách cực kỳ sáng tạo để kết nối những nhóm rất lớn những người chẳng liên quan gì lại với nhau, tạo ra sự cố kết và hợp tác về mặt xã hội...Nhưng nên nhớ, tay thám hiểm Juan Ponce de León (1474 - 1521, nhà thám hiểm người Tây Ban Nha, một trong những người châu Âu tiên phong khám phá châu Mỹ với hi vọng tìm thấy, trong nhiều thứ, điều kỳ diệu có thể làm con người bất tử) không đi tìm suối nguồn gắn kết xã hội, ông ta đi tìm suối nguồn tuổi trẻ. Và những người xây dựng kim tự tháp không phải là những người muốn đoàn kết một lòng vì một đức tin. Họ chỉ là: chúng tôi muốn bất tử.■Nỗi sợ cái chết thay đổi chúng ta thế nào?Sheldon Solomon, 62 tuổi, là chuyên gia tâm lý xã hội ở Đại học Skidmore, Saratoga Springs, New York.Trong 30 năm qua, ông và các nhà nghiên cứu khác trên toàn thế giới đã tiến hành hơn 500 thí nghiệm cho thấy nỗi sợ cái chết ảnh hưởng tới cách con người tư duy và hành động ra sao. Cuốn sách của ông, viết chung với Jeff Greenberg, tựa đề The worm at the core: On the role of death in life (tạm dịch: Con sâu trong lõi: Về vai trò của cái chết trong cuộc đời), xuất bản tháng 5-2015.Công trình của họ lấy cảm hứng từ tác phẩm được giải Pulitzer năm 1974 của nhà nhân chủng học Ernest Becker, The Denial of death (tạm dịch: Chối bỏ cái chết).Trong cuốn sách, họ đã trình bày nhiều thí nghiệm lý thú về ảnh hưởng từ nỗi sợ cái chết. Chẳng hạn, năm 1989, họ đã mời các thẩm phán tòa khu vực ở Tucson, Arizona tham gia một thí nghiệm với giả thuyết nỗi sợ chết sẽ khiến họ đưa ra các án phạt nặng hơn.Họ yêu cầu một nửa các thẩm phán nghĩ về cái chết rồi tuyên án phạt với tội mại dâm, một tội rất phổ biến ở bang này. Những thẩm phán đã đưa ra mức phạt trung bình 455 USD. Trong khi đó, một nửa thẩm phán kia, không nghĩ tới cái chết, chỉ đưa ra mức phạt trung bình 50 USD (cũng là mức trung bình ở Tucson).Tháng 10-2003, họ lại tập hợp 97 sinh viên ở Đại học Rutgers trong một nghiên cứu mà họ tưởng là về mối quan hệ giữa nhân cách và chính trị.Một nhóm được yêu cầu nghĩ về cái chết. Nhóm kia thì không. Rồi cả hai đọc một bài luận bày tỏ “quan điểm ủng hộ mạnh mẽ những biện pháp của tổng thống George W. Bush liên quan tới vụ 11-9 và xung đột ở Iraq”. Những người không nghĩ về cái chết phản đối chiến tranh, trong khi những người đã suy nghĩ về sự hữu hạn của cuộc đời lại rất ủng hộ ông Bush.Cuối tháng 9-2004, trong một thí nghiệm khác với sự tham gia của 131 sinh viên Đại học Rutgers ngay trước bầu cử tổng thống Mỹ, nhóm không nghĩ về cái chết ủng hộ ứng viên Dân chủ John Kerry với tỉ lệ 4/1, cũng đúng với tỉ lệ trung bình ở Đại học Rutgers. Trong khi đó, những người đã nghĩ tới cái chết ủng hộ Bush với tỉ lệ 2/1!Trong phần kết luận cuốn sách, các nhà tâm lý học bày tỏ hi vọng loài người sẽ “biết cách hòa hợp với cái chết”. Tags: Sợ hãiNỗi sợ cái chếtSợ chếtSheldon Solomon
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.