​Nơi rừng bình yên lấn biển

LƯ THẾ NHÃ 13/03/2015 20:03 GMT+7

Rừng nơi này từng bị người dân chặt cây lấy gỗ, bới đất tìm bắt con sâm đất, đào vuông nuôi tôm... Nay trước diễn biến khí hậu, cư dân ý thức được lợi ích của rừng, yêu quý rừng, trồng mới rừng che chắn sóng biển. Mỗi năm rừng phòng hộ nơi này vươn ra biển hơn 20m.

Khu rừng ngập mặn ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) bao la một màu xanh mướt bạt ngàn của rừng đước, bần, mắm... Đi đâu cũng thấy rừng xanh tốt, nhiều khu rừng đước cây cao to có thể làm cột nhà kê, rễ chen kín mặt đất phù sa màu mỡ. Hình ảnh này hoàn toàn khác hẳn những năm 1990-2000 khi chúng tôi có dịp về đây công tác nhiều lần.

Khi người dân giữ rừng

Thời đó, rừng ngập mặn ở Thạnh Phong bị người dân tự tiện chặt phá lấy gỗ, đốt than hoặc đào ao nuôi tôm, bơm cát cất nhà, trồng rau màu...

Năm 2006, trước cái lợi của con sâm đất (còn gọi là chặt khoai, đồm độp) được thương lái mua với giá cao để xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc bán cho các nhà hàng làm thức ăn bổ dưỡng, cường dương, rừng Thạnh Phong lại tiếp tục đau đớn bởi người dân vào đào trốc từng gốc cây tìm sâm đất. Khi ấy, không ít cánh rừng bị chặt phá, những cây đước, cây mắm ngã đổ ngổn ngang.

Thu hoạch củ sắn trên giồng cát lấn biển ở Thạnh Phong - Ảnh: Lư Thế Nhã

Khi lực lượng kiểm lâm phát hiện, xử phạt thì chuyện đã rồi, nhiều khu rừng đã bị phá tan hoang.

Anh Nguyễn Văn Xuân, phân khu trưởng hai phân khu nghiêm nhặt (cấm mọi tác động đến rừng) và sinh thái (rừng tự nhiên, có trồng mới phục vụ môi trường, du lịch, cho khai thác nhưng phải trồng lại ngay) thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng, cho biết việc giữ rừng ngày ấy rất gian nan, lực lượng kiểm lâm tuần tra ban ngày, ban đêm ghe từ nơi khác cặp bờ lên chặt rừng đước làm cừ.

Ban ngày không đào được ao nuôi tôm, người dân đưa cô-be (máy đào đất nhãn hiệu của Nhật Bản) vào đào ban đêm. Cứ như vậy rừng bị mất dần, trở nên thưa thớt. Cuộc chiến giữa lực lượng giữ rừng và kẻ phá rừng chỉ được giải quyết vào năm 2009 khi UBND xã Thạnh Phong áp dụng biện pháp nhờ dân giữ rừng.

Xã thành lập tổ quản lý bảo vệ rừng gồm 10 người, thành viên là những cựu chiến binh, người dân

Bến Tre là một trong những tỉnh ở ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Theo tài liệu của văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre, khi nước biển dâng cao 1m thì khoảng 50,1% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Bến Tre (1.131km2) sẽ bị ngập mặn, ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 759.000 người. Các nhà khoa học dự đoán Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong 30 năm qua, mực nước biển ở Việt Nam đã tăng lên 5cm, dự đoán sẽ tăng lên 33cm vào năm 2050, 45cm vào năm 2070 và 1m vào năm 2100. ĐBSCL sẽ là một trong những vùng bị tác động nhiều nhất do mực nước biển dâng. 12.376km2 và gần 5 triệu người trong 12 tỉnh sẽ bị ảnh hưởng.

 

uy tín sống ven rừng, có tâm huyết với rừng. Các thành viên này có nhiệm vụ đi tuần tra và khi phát hiện có người chặt phá rừng, bơm đất (cát) làm vuông nuôi tôm thì báo ngay cho lực lượng chức năng xử lý.

Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng hợp đồng một người với mức lương tối thiểu là 1.050.000 đồng/tháng, rồi nâng lên 1.150.000 đồng/tháng. Số tiền này được chia cho các thành viên của tổ sử dụng đổ xăng xe đi tuần tra.

Ông Nguyễn Văn Tuất, cư ngụ ở tổ nhân dân tự quản số 1 là tổ phó tổ quản lý bảo vệ rừng ở ấp 7, nói vui: “Tổ làm việc chỉ có lương tâm, không có lương tiền”. Lương tâm ông nói ở đây là tấm lòng nhiệt tình giữ rừng cho sự sống con cháu mai sau.

Hằng ngày, tổ quản lý bảo vệ rừng cử hai thành viên phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm, lâm trường, bộ đội biên phòng tuần tra bảo vệ rừng. Việc tuần tra không theo giờ giấc nhất định khiến kẻ trộm cây rừng phải ngán ngại.

Ngoài ra, thành viên tổ là người dân sống ven rừng, hằng đêm đi soi cua, đăng cá, có thể dễ dàng phát hiện kẻ trộm đốn cây, đưa máy đào đất... Như trong tháng 7-2012, trong một lần đi tuần, tổ phát hiện và bắt giữ một ghe từ nơi khác đến chặt phá 40 cừ đước.

Tuy vậy, theo ông Tuất, cái chính của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng không phải là bắt phạt mà chủ yếu tuyên truyền tạo nhận thức cho người dân gìn giữ rừng trước biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao. Thành viên của tổ quản lý bảo vệ rừng là người lớn tuổi, uy tín nên việc tuyên truyền thuyết phục dân làm theo rất tốt.

Hằng tháng họp tổ nhân dân tự quản, các hộ gia đình cũng được sinh hoạt học tập về lợi ích của rừng trước biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Mưa dầm thấm lâu, người dân địa phương ngày càng biết yêu rừng hơn.

Để đến hôm nay, người dân ở ấp 6, ấp 7 xã Thạnh Phong không chỉ ý thức giữ rừng mà còn tham gia tổ trồng mới rừng ở những khoảng rừng trước kia bị chặt phá. Những hộ dân ở ven rừng còn trồng thêm cây rừng xung quanh nhà mình để phòng chống gió bão. Người dân giờ đây giữ rừng như giữ chính ngôi nhà của mình.

Ông Nguyễn Văn Kháng, chủ tịch UBND xã Thạnh Phong, cho biết giữ và phát triển rừng là tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới của địa phương. Để tiến thêm một bước trong việc tạo điều kiện cho người dân giữ và bảo vệ rừng một cách bền vững, Ban quản lý rừng Thạnh Phong đã khoán đất rừng cho chính quyền và các lực lượng cũng như người dân trông coi.

Với diện tích 1.800ha rừng phòng hộ và ngập mặn, Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng thực hiện khoán đất rừng cho UBND xã, bộ đội biên phòng. Xã nhận đất rừng, khoán lại cho các ấp. Ấp khoán đất phục hồi sinh thái cho dân cư. Ngoài việc được hưởng 90% sản phẩm tỉa thưa rừng, người dân nhận khoán rừng còn được canh tác từ 25-30% tổng diện tích nhận khoán kết hợp lâm ngư (nuôi trồng thủy sản).

Hiệu quả bất ngờ

Ong mật về làm tổ -Ảnh: Lư Thế Nhã

Chính việc khoán đất trồng, giữ rừng giúp người dân ở đây được an cư lạc nghiệp, từ đó rừng ngày càng được bảo vệ tốt. Anh Phan Văn Triều ở tổ nhân dân tự quản số 9, ấp 6 nhận khoán hơn 2ha đất bãi bồi có cây rừng tự mọc như bần, mắm, dừa nước. Được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, anh Triều trồng thêm nhiều khu rừng đước và nay đã đến tuổi tỉa thưa, chặt nhánh, từ đó anh cũng có củi bán và nấu nước trong gia đình.

Cái lợi của gia đình anh không chỉ là 90% sản phẩm tỉa thưa rừng, mà còn có nhiều loài thủy sản về sinh sản như tôm sú, tôm thẻ, cá đối, cá chẽm, cá hanh, cá nâu... nhiều đến nỗi ăn không hết, còn có dư đem bán lấy tiền cho sinh hoạt gia đình. Cuộc sống gia đình anh trước đây khó khăn nhưng giờ đã ổn định.

Ngồi trước căn nhà vách lá, anh Triều “bật mí”: “Trong năm 2015, gia đình tôi sẽ lên nhà tường cho ông bà già sống sung sướng tuổi già”.

Rừng cho dân tôm cá, củi đốt và khi được trồng kín bãi bồi, rừng cũng sinh sôi thêm đất bởi mỗi năm đất phù sa tụ lại rồi cứ lấn dần ra biển. Những khu đất phía sau nổi lên cao, trở thành giồng cát trồng rau màu rất tốt. Đang thu hoạch sắn trồng trên giồng cát gần biển, anh Phan Văn Bay ở tổ 9, ấp 6 cho biết một công đất tại đây mang về cho gia đình anh khoảng 5 tấn rau màu một vụ.

Tại cồn Cao thuộc tổ nhân dân tự quản số 1, ấp 6, người dân nơi đây còn trồng được cả khoai lang. Những giồng khoai lang rất tốt, củ to, ngọt lừ. Ông Nguyễn Văn Ri, tổ trưởng, cho biết năm 1978, nơi này còn là bãi biển, chưa có rừng, sóng biển đánh vào tận nhà dân. Nay rừng trồng mới mỗi năm lấn ra biển hơn 20m, sóng biển bị đẩy ra xa. Nhà dân phía trong được rừng bao bọc xung quanh nên ngày ngày sống yên ả, bình an.

“Từ ngày được giữ bình yên, rừng ở Thạnh Phong đã trở thành nơi đất lành chim đậu. Mỗi chiều, chim, cò trắng về đậu kín một mảng rừng đước. Rái cá cũng về nhiều” - anh Nguyễn Văn Xuân cười tươi nói.

Đi dưới tán rừng xanh được nuôi dưỡng và bảo vệ từ nỗ lực của biết bao người yêu rừng nơi đây, chúng tôi thoải mái hít thở căng lồng ngực luồng không khí trong lành. Anh Nguyễn Văn Khang (Bảy Khang), thành viên tổ quản lý bảo vệ rừng ở ấp 6, mời chúng tôi về nhà anh nhấm lai rai chút rượu cay với vài món đặc sản của rừng như cua biển, cá thòi lòi biển anh vừa bẫy được.

Bơi xuồng gần đến nhà, nơi rừng anh được giao khoán, anh Bảy Khang chỉ cho chúng tôi xem một tổ ong mật to đùng đóng trên cành bần cổ thụ rồi nói: “Loài ong này mới về đây làm tổ hơn một năm nay. Đây là loài ong mật ở rừng Cà Mau đến làm tổ, tôi quý lắm nên cứ để đó cho chúng sinh sôi phát triển”.

Rừng Thạnh Phong một thời bị đào bới, chặt phá tan tác, nay là chốn bình yên, đất lành chim đậu, tôm cá sinh sôi và nhiều sản vật khác của rừng ngập mặn. Rừng nơi đây được con người yêu quý giữ gìn, trở thành lá chắn trước phong ba bão táp, bảo vệ bình yên cho cuộc sống hiện nay và mai sau.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận