28/02/2018 13:38 GMT+7

Nói ra bộ

LÊ GIANG - Theo TTC
LÊ GIANG - Theo TTC

TTO - Vô lứa tuổi nửa con gái nửa sồn sồn, nhiều khi "uống mật gấu" lúc nào không hay, chuyện gì cũng dám làm, tất nhiên là những chuyện để "tỏ ra" vậy thôi.

Nói ra bộ - Ảnh 1.

Thí dụ như chuyện tôi dám một mình đi gặp bà con Khmer đổi chác cái ăn cái mặc: Bên A (bà con Khmer) cần mặc, còn bên B (đằng mình) cần có cái ăn để dựng dậy cơ thể đang yếu xìu, đuổi ruồi không bay.

Chuyện là vầy: Căn cứ của mình thường im hơi lặng tiếng sâu trong rừng, cách phum sóc đồng bào Khmer cả cánh đồng. 

Ranh giới có khi là con đường tráng nhựa bom cày đạn xới loang lổ, lau sậy mọc um tùm, lâu lâu thấy mấy con cheo xẹt qua, vài con mễn ngó dáo dác rồi phóng vô bìa rừng, dễ thương nhứt là bầu đoàn thê tử gà rừng dắt díu nhau qua được nửa đường rồi quay lại kêu chiu chít.

Bữa nọ, có một con chó mực, một con chó vàng rượt nhau từ bên kia hướng lùm cây thốt nốt trong sóc, đâm sầm ngang cái bàn uống trà khiến các bợm trà bỗng dưng hứng khởi, bàn tán xôn xao. 

Liền khi đó, thấy tôi đang ôm bó dây khổ qua đèo ngoài rẫy về bèn ra dấu ngoắt tôi, cử chỉ thân mật hiếm có:

- Chị Năm, nếu chị thấy mấy con chó mập ù bên sóc đồng bào Khmer mới xuất hiện qua cứ mình thì chị nghĩ sao chị Năm?

Nghe cánh đàn ông con trai tự dưng gọi chị Năm ngọt xớt. Rồi người nào người nấy chạy về mái tăng của mình soạn ba-lô, kẻ cầm quần đùi, người choàng khăn tắm "nộp" cho tôi. 

Thằng H. nhỏ nhứt bèn trổ tài láu cá láu tôm: "Mấy thứ này sẽ nằm chình ình trước mũi chúng ta bằng những khoanh dồi, món đùi luộc riềng, món sườn nướng, óc chưng mỡ chài là do tài ngoại giao đổi chác của chị Năm em...".

***

Vắt mấy cái quần đùi, mấy cái khăn tắm trên nhánh cây đầu võng, tôi nghĩ tới nghĩ lui hoài, chẳng những không ân hận vì lỡ nhận lời mà còn soạn lại trong đầu mấy tiếng Khmer chào hỏi xã giao và nghĩ cách diễn kịch câm "Tâu na bòn ơi, xóc xà bai bòn ơi" (đi đâu đó anh (chị) ơi, mạnh giỏi anh (chị) ơi!).

***

Hừng đông, sương rơi lộp độp trên cành cây, tôi lấy khăn tắm gói kín mấy cái quần đùi ném sau gốc cây cầy, len lén bước ra mặt đường đầy lau sậy. Chưa tìm được chỗ núp đã thấy năm sáu chị em người Khmer tay cầm nọc cấy, cười nói huyên thuyên sắp sửa bước xuống ruộng. 

Mừng quá, tôi chạy vô ôm gói đồ giơ lên cao, miệng gọi tở mở như gặp người quen: "Tâu na, bòn ơi" (đi đâu đó, mấy em ơi!). Mấy bà con Khmer thấy bộ tịch tôi, chắc là đi trốn ai, bèn la ố ố rồi kéo nhau lủi xuống ruộng. Tôi ôm gói đồ chạy vô bìa rừng. 

May quá, cánh đàn ông vừa đi tới, có một ông già ở trần để râu dài tới ngực, chừng như ông đã rành quá cái vụ đổi chác này. Ông cười khì khì, giật gói quần đùi trên tay tôi, la lớn tốt quá, rồi chia cho mỗi người một cái quần như có đo ni sẵn, còn thiếu một cái quần cho thằng trẻ nhứt, ông đưa cho nó cái khăn tắm. 

Phân phát xong, ông nhỏ nhẹ hỏi tôi bằng tiếng Việt: "Bòn muốn lấy cái gì?". 

Tôi diễn xuất liền: Tôi chỉ mặt trời mọc đang lấp ló dưới chân ruộng, tôi nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, tôi "sủa" gâu gâu rồi chỉ cái áo bà ba đen của tôi, chỉ cái màu da vàng vàng trên ngực ông đang ở trần, tôi bứt sợi dây bìm bìm tôi cột tay ông, và cất tiếng gáy ò ó o ò o. 

Ông già và tốp trai trẻ thấy bộ tịch của tôi, họ cười rộ lên, vẻ thiệt thà thích thú quá chừng, nhứt là khi ông già cũng cất tiếng gáy ó o, còn lấy tay làm động tác đập cánh.

***

Hết hồn hết vía một phen chơi dại liều mạng hào hiệp. Ngày mai mấy cái quần đùi, mấy cái khăn choàng tắm của gia đình mấy quỷ sứ gởi vô hôm Tết không có "hồi âm".

Trời đất còn mờ hơi sương, cảnh vật hiện lên như sáng hôm qua. Trời ơi, tôi vẹt cỏ lau nhìn ra thấy có một mình ông già đi cùng tiếng vịt cạp cạp, tiếng gà mái cục cục, tiếng đập cánh giãy giụa của con gà trống cồ. 

Mừng ơi là mừng, từ trong bụi sậy tôi ngó ra, liền liếc tìm mấy con chó. Tôi bèn "sủa" gâu gâu, ông già lắc đầu; nhắm mắt, khoát tay, ra bộ hai con chó trốn mất rồi, đêm hôm qua không về nhà.

***

Cuộc đổi chác mấy con chó biến thành gà vịt xôm tụ quá, nhóm Trà Quạu, miễn có thịt thay rau rừng, mắm cá linh đựng trong thùng thiếc tanh rình tanh ói là quá cỡ rồi. Lâu lâu, mấy anh em còn nhắc tội nghiệp chị Năm có tánh nói chơi làm thiệt, đỡ khổ cho anh em mình quá tay.

Sau này, khi có dịp hành quân trên đường Trường Sơn, đạo diễn Ngô Y Linh, họa sĩ Thái Hà và anh em chiến hữu cùng đồng bào Tây Nguyên đổi chác rần rần, toàn "Nói ra bộ". 

Tuy nghệ thuật tài năng còn thua xa bài bản "Ca ra bộ" là thể loại nổi tiếng trong lịch sử cải lương Nam bộ, nhưng "Nói ra bộ" cũng góp phần đa dạng với cuộc đời.

Nằm mơ thấy Chí Của nợ Năm mới, cả hai đứa sẽ có mặt ở nhà
LÊ GIANG - Theo TTC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên