Phóng to |
Cô gái trong váy hoa - tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn |
Phóng to |
Mộng mơ |
Phù phiếm như tranh lụa chăng? Có lẽ là không phải. Bởi từ sau triển lãm năm 2009, bỗng dưng có một “cơn sốt lụa” Bùi Tiến Tuấn, anh gần như là họa sĩ trẻ duy nhất hiện nay vẽ tranh lụa và sống được bằng tiền bán tranh. Không phù phiếm chút nào cả.
Nơi phù phiếm là một ngôn ngữ ẩn dụ mà Bùi Tiến Tuấn dùng để nói đến thế giới tồn tại trong tranh lụa của mình. Đó là gì? Là thế giới của những người phụ nữ với váy và hoa, với những dáng vẻ vút bay hay tịch lặng, với những vẻ đẹp như là không có thật.
Điều khác biệt trong tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn là đưa được hơi thở của đời sống đương đại vào tác phẩm của mình. Trong những lần trao đổi về chuyện nghề, Bùi Tiến Tuấn không giấu những hăm hở cũng như băn khoăn: “Dẫu biết lụa là một chất liệu kén đề tài, dẫu biết lụa vốn kiệm lời, nhưng không vì thế mà mình “chịu phép” nó. Có thể nào ví von lụa giống như một nhạc cụ dân tộc, người họa sĩ cũng như một nghệ sĩ phải làm thế nào để khai thác nó, đứng cùng sân với các nhạc cụ hiện đại mà không thấy mình bị lạc lõng, lép vế...”.
Thì đây, cái cách mà Bùi Tiến Tuấn đặt tranh lụa của mình vào Nơi phù phiếm xem ra là một lối thoát. Vẫn là những mẫu hình phụ nữ với thời trang, nhưng khước từ cái vẻ quê kiểng, tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn “nhuộm” chất thị thành Sài Gòn, trong tương quan hiện thực đời sống đang diễn ra hằng ngày.
Mặc dù sáng tác theo tâm thức hiện đại, nhưng về kỹ thuật Bùi Tiến Tuấn lại tuân thủ nghiêm ngặt theo truyền thống. Vẽ theo cách nhuộm lụa là kỹ thuật mà VN là nơi duy nhất ứng dụng, Bùi Tiến Tuấn cũng làm theo cách này. Rồi việc bồi tranh không dùng hóa chất mà bằng chất liệu truyền thống, đó cũng là một ý thức thường trực trong lao động của Bùi Tiến Tuấn. (Có lẽ vì thế mà người thưởng lãm, giới sưu tập chuộng tranh lụa Bùi Tiến Tuấn?).
18 bức tranh lụa trưng bày trong triển lãm lần này đều là tác phẩm mới của Bùi Tiến Tuấn trong năm 2011. Những tác phẩm vẽ từ sau triển lãm năm 2009 đến nay hầu như đã được bán hết.
Và Nơi phù phiếm là một khởi đầu mới. Nơi phù phiếm được nhận định như là “thế giới nổi” được mô tả trong tranh khắc gỗ Nhật Bản khoảng thế kỷ 17-20. Những hình ảnh phụ nữ đẹp như không có thật, ở một thế giới như không có thật, vẻ bí ẩn của họ là quà tặng cho những ai yêu tha thiết cuộc đời, muốn tìm sự bình yên nhưng lại phải bon chen nơi phố thị. Như thế Nơi phù phiếm là nơi những vẻ đẹp được sinh ra với một sức mê hoặc dường như không cưỡng được.
(*) Triển lãm khai mạc lúc 18g ngày 8-9 tại Lily, BP Compound, Thảo Điền (Q.2, TP.HCM), kéo dài đến ngày 12-9, sau đó chuyển về Craig Thomas Gallery: 27i Trần Nhật Duật (Q.1, TP.HCM), kéo dài đến ngày 25-9.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận