Nỗi oan "diệt" Thế vận hội của hoàng đế

TRÚC ANH 29/07/2024 09:52 GMT+7

TTCT - Tiền nong luôn là vấn đề lớn với Thế vận hội, và có lẽ chính câu chuyện "tiền đâu" đã khiến Thế vận hội cổ đại (Ancient Olympic Games) phải dừng lại, sau hơn một ngàn năm lịch sử.

Nỗi oan "diệt" Thế vận hội của hoàng đế- Ảnh 1.

Tượng thần Jupiter ở Olympia. Tranh năm 1610 của Antonio Tempesta (1555-1630). Nguồn: Wikimedia

Nhiều nguồn thống nhất công nhận Thế vận hội cổ đại bắt đầu được tổ chức 4 năm một lần ở Olympia - một vùng đất trống (chứ không phải đỉnh núi) ở thành phố Elis, phía tây bán đảo Peloponnesos - từ năm 776 TCN và kéo dài tới 12 thế kỷ.

Trang web chính thức của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) viết: "Suốt hơn một nghìn năm, người Hy Lạp và sau này là người La Mã đã tề tựu ở Olympia để tổ chức lễ hội tôn vinh thần Zeus, duy trì Thế vận hội như một sự kiện quan trọng… cho tới thế kỷ thứ 4 Công nguyên".

Vào đầu những năm 300, La Mã công nhận Cơ Đốc giáo làm tôn giáo chính thức. Năm 393, Hoàng đế La Mã Theodosius I (379 - 395) cấm cử hành mọi nghi lễ và lễ hội ngoại giáo, và Thế vận hội cũng cùng chung số phận. 

"Quả là một câu chuyện hấp dẫn nếu cho rằng các cuộc thi thể thao... đơn giản là đã bị một hoàng đế Cơ Đốc giáo dẹp bỏ. Nhưng thực tế có đúng không?" - Caillan Davenport (giảng viên cao cấp về lịch sử La Mã, Đại học Macquarie) và Shushma Malik (giảng viên cổ điển học Đại học Roehampton) viết trên The Conversation.

Có nhiều bằng chứng "minh oan" cho vị hoàng đế La Mã. Bài viết trên web của IOC chú thêm rằng sau lệnh cấm của Theodosius I, "các cuộc thi thể thao và lễ hội văn hóa vẫn tiếp tục phổ biến ở nhiều nơi chịu ảnh hưởng của Hy Lạp cho đến cuối thế kỷ thứ 6". 

Davenport và Malik nhắc lại ý này, đồng thời kể thêm thi hào triều đình Claudius Claudianus (370 - 404) vẫn còn nhắc tới Thế vận hội năm 399, khi hoàng đế Theodosius I đã băng hà.

Bộ đôi tác giả dẫn nghiên cứu của nhà sử học Sofie Remijsen cho rằng Thế vận hội cổ đại không chấm dứt vì sắc lệnh "chống ngoại giáo" của hoàng đế, mà hoàn toàn là vì "tình hình kinh tế thay đổi". 

Trong bài báo công bố trên tập san The Journal of Hellenic Studies năm 2015, Remijsen cho rằng với mô hình quản lý tập trung về "trung ương", các thành phố thời La Mã bị trói tay nhiều hơn trong việc tổ chức sự kiện. Họ không thể thoải mái chấp nhận thâm hụt ngân sách, dồn tiền để làm hội thi thố thể thao, mà phải chuyển sang phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ các cá nhân giàu có. 

"Thật không may, tầng lớp tinh hoa lại có tham vọng tăng cường địa vị và dần mất hứng thú với thể thao" - Remijsen viết. Cùng lúc đó, các nguồn quỹ vốn để hỗ trợ các cuộc thi đấu phải dành cho các mục đích khác. 

Cuối cùng, Elis cũng đến mức chấp nhận bó tay với bài toán tiền đâu. Sau hơn một ngàn năm, Thế vận hội cổ đại đi tới hồi kết. Olympic như ta biết ngày nay bắt đầu từ kỳ Thế vận hội được hồi sinh lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 19, nhờ công của nhà quý tộc người Pháp Pierre de Coubertin (1863 - 1937).

Người ta đổ hết trách nhiệm về việc kết thúc Thế vận hội cổ đại lên vai Theodosius I vì khó tin rằng một biểu tượng văn hóa đặc trưng của thời cổ đại đã diễn ra hơn một thiên niên kỷ mà có thể tự dưng dừng lại. Cuộc xung đột giữa ngoại giáo và Cơ Đốc giáo là cách "giải thích" dễ dàng nhất cho sự kết thúc của cuộc thi thể thao vĩ đại này, cho đến các lý giải sau này.

Riêng chuyện tiền nong phức tạp thì thời nào cũng vậy. Chi phí tăng vọt khiến việc tổ chức Thế vận hội trở thành một đề xuất kém hấp dẫn, và Athens - chủ nhà Thế vận hội 2004 - vẫn luôn được nhắc tên mỗi khi kể chuyện chủ nhà đổ nợ. 

Cụ thể, theo tờ Time, Athens 2004 khiến Hy Lạp tốn 11 tỉ USD, ít nhất là gấp đôi số tiền dự trù ban đầu, chưa kể tiền bỏ ra để duy trì các cơ sở thi đấu hiếm khi được sử dụng sau đó.

Năm nay, các nhà tổ chức Olympic Paris 2024 tràn trề tự tin có thể phá dớp "căng thẳng tài chính" của các thành phố đăng cai tiền nhiệm. Chủ nhà Paris tự tin rằng ngoài khẩu hiệu "Nhanh hơn - Cao hơn - Mạnh hơn", Olympic 2024 còn có thêm "Nhanh hơn - Cao hơn - Rẻ hơn". 

Theo công bố chính thức, 96% ngân sách cho ban tổ chức Paris 2024 là "xã hội hóa". Chi phí cơ sở hạ tầng cho Thế vận hội cũng khéo léo được dự trù ở mức 4,7 tỉ USD. Nói với Bloomberg hồi tháng 5, Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết ông muốn Paris 2024 sẽ là Thế vận hội "diễn ra tiết kiệm nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây".

Thì cứ hẵng chờ xem, dẫu sao thì đuốc cũng mới vừa chính thức thắp chưa lâu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận