TTCT - Nhắn tin cho bè bạn, viết thiệp cảm ơn, khen ngợi một người lạ... những cử chỉ quan tâm nho nhỏ vẫn được người đời trân trọng hơn bạn nghĩ. Vấn đề là con người lại có những thôi thúc cực kỳ giống nhau để... không làm điều tốt đẹp. Hãy nhớ lại lần gần nhất một ai đó đã thể hiện sự quan tâm dành cho bạn. Có thể là lời khen từ một người lạ ở bến xe, tin nhắn thăm hỏi từ một người quen cũ, hoặc lời cảm ơn đặc biệt chân thành từ đồng nghiệp nào đó. Hẳn là những cử chỉ đó đã làm ngày của bạn thêm rạng rỡ. Rốt cuộc, thật vui khi biết rằng ta đã ở trong tâm trí của người khác - dù chỉ là trong khoảnh khắc.Tuy nhiên, nếu phải đổi vai trong những tình huống trên, bạn có bao nhiêu phần trăm tự tin khi cần chủ động thực hiện những điều đơn giản đó? Trong thực tế, không ít người lo ngại rằng họ sẽ phải tiếp tục cuộc trò chuyện sau tin nhắn đầu tiên, hay người nhận sẽ từ chối sự quan tâm của họ.Nhưng theo Gillian Sandstrom - giảng viên tâm lý học tại ĐH Sussex (Anh), không có sự ràng buộc nào cả. "Tôi có thể chỉ làm [việc tốt nào đó] một lần duy nhất, rồi quay đi; mà chuyện này lại toát lên một cái gì đó thực sự đẹp đẽ" - bà nói với trang Vox. Sandstrom hiện đang nghiên cứu về sự e ngại của mọi người khi chủ động kết nối lại với những người bạn mà họ đã mất liên lạc.Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng chúng ta có những thôi thúc cực kỳ giống nhau để... không làm điều tốt đẹp: ta đánh giá thấp mức độ đón nhận của đối phương trước một hành động tử tế ngẫu hứng, vì đã nghĩ thay họ bằng thiên kiến.Vì không thể đọc được suy nghĩ, chúng ta chỉ đơn giản là đoán xem người khác nghĩ gì về mình. Nhưng những giả thuyết dạng này lại thường dựa trên cách một người nhìn nhận về bản thân họ, hơn là dựa trên phản ứng thực tế của những người mà họ đã thực sự tương tác. Sự tự nhìn nhận này lại dễ mang màu sắc tiêu cực. Khi nhớ lại những tương tác xã hội trong quá khứ, mọi người bắt đầu hoang mang rằng họ đã "đùa nhạt", hoặc đối phương thấy họ không hay ho. Và rồi, theo Sandstrom, "Chúng ta cho rằng những người khác đang nghĩ những gì chúng ta đang nghĩ".Nhà tâm lý học và chuyên gia về tình bạn Marisa Franco cho rằng những giả định bi quan này liên quan đến một khái niệm mang tên "thiên vị tiêu cực" (negativity bias). Theo đó, mọi người ghi nhớ sâu sắc các sự kiện và cảm xúc tiêu cực hơn là những điều tích cực. Và kết quả, người ta có xu hướng hạn chế những hành động mang nhiều rủi ro về mặt xã giao, ví dụ khen đôi giày của một người lạ, nhằm tránh những tình huống khó xử như đã từng trải qua.Chưa hết, còn có "khoảng cách yêu thích" (liking gap), là việc liên tục đánh giá thấp mức độ vui vẻ của người khác đối với sự có mặt của ta - một khái niệm được Sandstrom và các đồng nghiệp đặt tên trong một nghiên cứu năm 2018. Theo đó, sau những cuộc trò chuyện ngắn lẫn dài, với cả người lạ và người quen, người tham gia nghiên cứu luôn đánh giá sai mức độ yêu thích mà đối phương dành cho họ. (Họ nghĩ họ thích nói chuyện với đối phương nhiều hơn chiều ngược lại)Những dự đoán đầy chênh lệch này lây lan sang các hành vi khác: viết thiệp cảm ơn, nhắn tin hay tặng một chiếc bánh, cái kẹo. Theo Amit Kumar - chuyên gia marketing và tâm lý học tại ĐH Texas ở Austin (Mỹ), mọi người thường không nhận ra sức mạnh của những hành động tốt đẹp này đối với người khác. "Khi bạn làm điều gì đó cho người khác, bạn đang nghĩ về thứ mà bạn đang cho đi và giá trị của nó", ông giải thích, thế nhưng người nhận thì nghĩ về sự ấm áp của lòng tốt. Có lẽ ý này gần với câu nói "của cho không bằng cách cho" của người Việt ta.Bên cạnh đó, cũng có một sự lo lắng cố hữu rằng: một thứ giản đơn như tin nhắn phải luôn đi kèm với các ràng buộc khác, tỉ như một cuộc điện thoại, một cuộc hẹn cà phê... Trong một nghiên cứu chưa công bố về việc kết nối lại với bạn bè, Sandstrom thấy rằng: những người tham gia nghiên cứu thường không liên lạc với bạn bè bởi vì họ không đủ thời gian cho những hoạt động đằng sau tin nhắn. Về điểm này, Liu cho rằng: giữa những lúc căng thẳng, một hành động nhỏ là đủ đầy, "một tin nhắn ngắn không tạo ra nhiều nghĩa vụ ở người khác, và cho phép người kia quyết định họ muốn trả lời khi nào và bằng cách nào".Một cuộc trò chuyện nhanh, một tin nhắn "tôi nghĩ về bạn", tặng vé xe buýt cho một người lạ. Thật ra, những hành động dường như nhỏ nhặt đó vẫn được người khác đánh giá cao. Vì thế, hãy phớt lờ giọng nói phản đối trong đầu bạn và nắm cơ hội để thể hiện sự ấm áp với những người xung quanh. Với mỗi tương tác tích cực, sự lo lắng ban đầu sẽ được thay thế bằng những niềm vui.Đến cuối cùng, "tử tế với người khác, làm những điều tốt đẹp cho người khác... đó là những hoạt động có xu hướng nâng cao hạnh phúc của chúng ta", theo Kumar. Mọi người thường không biết tận dụng vô vàn cơ hội để hành động hướng về người khác, vị này nhận định: "Tôi nghĩ câu hỏi thú vị chính là: tại sao chúng ta lại không làm những việc có khả năng giúp cho mình cảm thấy hạnh phúc hơn?". Tags: Công nghệ thông tinNhà tâm lý họcTình huống khó xửCảm xúc tiêu cựcĐiều tốt đẹpLời cảm ơnTâm lý học
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.