29 năm từ ngày cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt chân đến Dung Quất và quyết định biến nơi này thành cảng nước sâu, nhà máy lọc dầu số 1..., Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045.
Dung Quất bước vào cuộc bức tốc mới phát triển đa ngành nghề. Nhưng Khu kinh tế Dung Quất cũng đầy nỗi niềm với hạ tầng giao thông không đủ sức gồng gánh chục ngàn chuyến xe trọng tải lớn di chuyển mỗi ngày.
Tan nát hạ tầng giao thông
May mắn, chúng tôi được trò chuyện cùng nhóm "bô lão" từng một thời "dẫn quân" xuống Dung Quất san đất mở đường. Ký ức 20 năm qua lời kể chắp nối, khi những tuyến đường xương sống hình thành, hình hài khu kinh tế dần hiện ra. Thời điểm đó ai cũng choáng ngợp, đường nào cũng quá to lớn.
Trong sức tưởng tượng của mình, các bác bảo từng nghĩ rằng 100 năm sau những tuyến đường này cũng dư sức phục vụ Dung Quất. Nhưng rồi cuộc phát triển quá nhanh, sau gần 20 năm, giờ ai cũng buồn khi giao thông Dung Quất chẳng đủ sức gồng gánh trước sức bứt phá của nền kinh tế.
Những tuyến đường nối Dung Quất ra "thế giới bên ngoài" đều như tấm áo vá. Tuyến đường Thanh Niên nối Khu kinh tế Dung Quất với sân bay và Khu kinh tế mở Chu Lai biến dạng. Mặt đường nhựa bị thay thế bởi đá cấp phối trơ trọi, ổ gà chằng chịt. Người dân khu vực ngán ngẩm tuyến đường huyết mạch nối hai khu kinh tế lớn, hai cảng biển lớn và sân bay nhưng nắng bụi, mưa lầy.
Vận tốc xe cộ qua lại như rùa bò dù chẳng có biển hạn chế tốc độ. "Ổ gà nhiều hơn đường bằng, làm sao mà chạy nhanh được. Hồi trước ra sân bay Chu Lai tôi toàn đi đường này, giờ phải lên quốc lộ 1 chạy, nay có việc trên đường nên phải đi. Quá ngán ngẩm", ông Đỗ Hùng vừa ì ạch lái tránh ổ gà vừa nói.
Đã có những vụ tai nạn xảy ra. Ông Đoàn Công Luyến (người dân địa phương) nói người té ngã thì nhiều lắm, nhưng hai vụ tai nạn ám ảnh nhất xảy ra hồi tháng 5-2022. Vụ đầu tiên: hai vợ chồng đi khám bệnh ở Quảng Nam về, lách ổ gà chẳng may xe mất thăng bằng ngã xuống đường và bị xe tải tông. Người chồng qua đời, người vợ mất một chân. Bốn ngày sau đó, ba đứa trẻ đi tắm biển về bị xe tải chạy cùng chiều lấn đường quẹt trúng, một trẻ vĩnh viễn ra đi.
"Đường thế này mà xe tải thì cả ngàn chuyến mỗi ngày. Chẳng hiểu sao không mở rộng ra. Để vầy dân còn chết nữa", ông Luyến nói. Dọc tuyến đường này có biển Khe Hai rất đẹp. Nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng ngàn tỉ mọc lên từ khi tuyến đường mới hình thành, giờ lâm cảnh đóng cửa vì không có khách, số khác đầu tư dang dở, hoang phế theo thời gian.
Dung Quất - cái nôi của công nghiệp nặng như lọc dầu, luyện thép, cấu kiện siêu trọng... tất cả đều hướng về các cảng biển và quốc lộ 1 để thông thương, nhưng bên cạnh đại công trường, siêu nhà máy là những tuyến đường gồ ghề.
Tuyến chính như Trì Bình - cảng Dung Quất (từ ngã tư xã Bình Đông đến ngã tư xã Bình Thuận), tuyến quốc lộ 24C (từ ngã tư Nhà máy nước Vinaconex đến cảng Dung Quất), tuyến đường Võ Văn Kiệt (đoạn từ ngã tư xã Bình Thuận đến cảng Hào Hưng)... đều chung cảnh "rách nát".
Dung Quất cần trợ sức
Dung Quất như có đôi chân không lành lặn. Xã Bình Thuận bị vây quanh bởi những dự án tỉ đô, khắp các ngả đường là xe tải quần thảo, kết hợp thêm đội xe chở gỗ dăm xuống cảng mỗi ngày khiến tuyến đường từng rộng lớn nhất nhì Quảng Ngãi trở nên nhỏ bé.
Ông Đỗ Minh Huấn, chủ tịch UBND xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn), nói về tuyến đường bằng một dẫn chứng đau lòng: "Từ đầu năm đến nay, xã có 22 vụ tai nạn giao thông làm 2 người chết và 23 người bị thương rồi. Mỗi lần xảy ra tai nạn nghiêm trọng, bà con lại bức xúc chặn xe, chính quyền địa phương phải vận động để giao thông xuyên suốt".
Tại nhiều cuộc tiếp xúc dân, bà con tâm tư và kiến nghị xã báo cáo lên trên để đầu tư sửa chữa, nâng cấp đường. Trong lúc chờ đợi, các lực lượng phải ngăn chặn tai nạn bằng những đợt ra quân chỉnh đốn giao thông. Đường sá Dung Quất bị xuống cấp bởi nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng quá nhanh. Năm 2022, hơn 40 triệu tấn hàng hóa lưu thông qua đây, gánh nặng đè lên những con đường.
Dung Quất đang rầm rập phát triển, nhiều dự án quy mô lớn đang triển khai như Nhà máy điện tuốc bin khí hỗn hợp Dung Quất, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 và 2, bến cảng tổng hợp container Hòa Phát Dung Quất, Nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn 2... Toàn những đại công trường tỉ đô, đẩy nhu cầu vận chuyển tăng chóng mặt. Nhưng đường vẫn như 20 năm trước, mà xe cộ đã tăng cả trăm lần.
Số liệu thống kê của Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi cho thấy hạ tầng giao thông Dung Quất luôn trong tình trạng quá tải, chỉ đáp ứng 60% nhu cầu vận chuyển. Sắp đến khi những đại công trường tỉ đô bước vào xây dựng, những con đường chỉ còn đáp ứng được 50%.
Điệu buồn giao thông được nhắc đến những năm qua, những phương án sửa chữa được UBND tỉnh Quảng Ngãi đưa ra với kinh phí hạn hẹp chỉ "chữa cháy" chứ chẳng thể giải quyết vấn đề cốt lõi là công trường dọc ngang cần đường sá rộng lớn.
Ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cũng thừa nhận nâng cấp hạ tầng giao thông cho Dung Quất là cấp thiết. Trong tình cảnh kinh phí eo hẹp hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi chỉ có thể chi 350 tỉ đồng "vá" lại một số tuyến đường quá xuống cấp, đáp ứng một phần nhu cầu vận chuyển cho Dung Quất.
"Khu kinh tế Dung Quất cần cả chục ngàn tỉ đồng để nâng cấp mở rộng các tuyến đường đáp ứng vận chuyển hàng hóa ra các cảng biển đưa lên tàu trăm ngàn tấn chuyển đi. Giao thông là ngành đi trước, nhưng ở Dung Quất hiện nay đã chậm lại, không đáp ứng sự phát triển thực tế. Đến năm 2030, Dung Quất cần 16.500 tỉ đồng để cải thiện hạ tầng giao thông" - ông Hà Hoàng Việt Phương, trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, nói.
Những nhà đầu tư lớn vào Dung Quất như Hòa Phát, nhà máy lọc dầu và cả UBND huyện Bình Sơn có những kiến nghị liên quan đến giao thông. Nhưng quá khó để tỉnh Quảng Ngãi tự thân giải quyết. Đầu năm nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng nêu vấn đề Dung Quất cần trợ sức để giải quyết vấn đề giao thông.
Nhìn vào quy hoạch định hướng 2045 mà Thủ tướng vừa phê duyệt, Dung Quất đã mang tầm vóc rất lớn với đa dạng ngành nghề. Nếu hiện thực hóa quy hoạch, một nguồn thu ngân sách khổng lồ cho quốc gia sẽ không còn xa. Nhưng trước hết, Dung Quất cần giải quyết những nỗi niềm giao thông để thu hút đầu tư...
Dung Quất chiếm 80% thu ngân sách toàn Quảng Ngãi
Đến nay, Dung Quất có 346 dự án đăng ký đầu tư còn hiệu lực. Tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 18 tỉ USD, trong đó 59 dự án đầu tư nước ngoài và 287 dự án đầu tư trong nước.
Nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư trong khu kinh tế đã tạo ra sản phẩm công nghiệp chủ lực mang thương hiệu quốc gia và quốc tế như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Khu công nghiệp VSIP, Nhà máy công nghiệp nặng Doosan Việt Nam...
Trong giai đoạn 2010 - 2022, Khu kinh tế Dung Quất đóng góp ngân sách gần 224.000 tỉ đồng, chiếm gần 80% thu ngân sách của Quảng Ngãi, và đang giải quyết việc làm cho khoảng 65.500 lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận