Nhà sinh hoạt cộng đồng của chung cư Ehome 3 đang để không trong khi chờ xong thủ tục bàn giao lại cho ban quản trị quản lý - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Sáng sớm 21-3, đi ngang qua block A1, chung cư Ehome 3 (quận Bình Tân, TP.HCM), tôi thấy có cảnh đưa tang, linh cữu được quàn tại căn hộ chung cư. Cảnh tượng gợi lại câu chuyện buồn gia đình tôi gần 3 năm trước.
Cách đây 6 năm, khi biết tôi chuẩn bị ký hợp đồng mua căn hộ ở chung cư, má tôi buồn buồn hỏi: "Mua nhà trên lầu cao, khi má chết thì tụi bây để má nằm ở đâu?". Tôi đã đáp lời để má yên lòng: "Má lo chi xa, về ở chung cư thoáng mát, sạch sẽ, yên bình biết đâu má sẽ sống lâu hơn với con cháu".
Nói vậy chứ trong lòng tôi bắt đầu lo đau đáu khi nghĩ về câu hỏi của má, lúc đó tôi chưa ở chung cư ngày nào và chưa từng nghĩ đến điều băn khoăn của người già.
Nhận căn hộ cuối năm 2013, chúng tôi là những hộ đầu tiên dọn về sinh sống ở đây. Gần 3 năm sau, tháng 5-2016, má tôi nhắm mắt xuôi tay tại căn hộ. Theo quy định lúc đó không được quàn tại căn hộ, gia đình phải lo chuyển thi thể má ra khỏi căn hộ ngay trong ngày.
Ban quản lý chung cư có thu dọn một góc nhà xe (khoảng 50m2) để gia đình tổ chức tang lễ. Tôi thấy như vậy cũng gây phiền cho mọi người, ảnh hưởng không gian chung nên khi được một người trong ban quản lý giúp thủ tục, chúng tôi đưa bà đến nhà thờ tổ chức đám tang.
Tôi ở đây hơn 5 năm, từng được biết chuyện tang gia gọi đơn vị mai táng đến, đặt quan tài ở nhà xe, quàn xong đưa đến nơi khác làm tang lễ. Chúng tôi đã từng đấu tranh rất nhiều, rất lâu để có được một nơi sinh hoạt cộng đồng ở chung cư để lo việc ma chay, hiếu hỉ.
Câu chuyện đám tang tại căn hộ lần này, tang gia lặng lẽ, hàng xóm chung cư chia sẻ, cảm thông. Nhiều cư dân nói: "Thôi thì thà như vậy, được nằm lại tại chính căn hộ của mình, tang gia cũng ấm cúng hơn với tình làng nghĩa xóm đến thăm viếng, chia sẻ đau buồn khi mất đi người thân".
Một phụ nữ đơn thân xấp xỉ 70 tuổi chứng kiến những trường hợp có người qua đời tại chung cư đã nói với tôi: "Khi tôi chết sẽ quàn tại căn hộ của mình chứ không đi đâu cả".
Nhiều người cùng chung mong muốn này, tôi cũng vậy. Nhưng tôi hiểu: trong không gian sống ở các chung cư, điều này là chuyện không phải muốn là được. Điều này có thể còn tùy vào quy định từng thời điểm của từng chung cư và cả sự cảm thông của hàng xóm. Và việc tổ chức tang lễ ở chung cư cũng cần có những quy định cụ thể để giảm thiểu phiền phức cho cộng đồng.
Tốt nhất, mỗi khu chung cư có không gian sinh hoạt cộng đồng đủ rộng cho những hoạt động đông người, trong đó có việc tổ chức tang lễ. Nơi tôi ở có công viên, khu thể thao, hồ bơi..., nói chung đủ tiện nghi cho người sống. Nơi lo hậu sự thì không. Nơi gọi là nhà cộng đồng cạnh hồ bơi không phù hợp tổ chức tang lễ, hiện là nơi những người đi bơi thay quần áo.
Một nơi để lo hậu sự cho tươm tất vẫn là nỗi niềm của những người sống ở chung cư.
Chưa có quy định thống nhất
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Công ty cổ phần đầu tư Nam Long - chủ đầu tư dự án chung cư Ehome 3 - cho biết trước đây chủ đầu tư gợi ý lắp ghép nhà tang lễ ở sảnh các block chung cư, tuy nhiên phần đông cư dân không đồng ý.
Chung cư hiện có nhà sinh hoạt cộng đồng 1 trệt 1 lầu ngay giữa khu đất trống các block, cạnh hồ bơi. Trước đây khi dân cư còn ít, chủ đầu tư làm quán cà phê, giải khát phục vụ cư dân.
Năm 2018, ban quản trị của 5 cụm cư dân được thành lập, chủ đầu tư đã làm hồ sơ bàn giao lại nhà sinh hoạt cộng đồng cho ban quản trị quản lý, sử dụng với mục đích là địa điểm sinh hoạt chung của cư dân. Hiện tại hồ sơ chuyển giao vẫn đang đợi UBND quận Bình Tân xem xét, phê duyệt nên nhà sinh hoạt cộng đồng vẫn chưa được sử dụng.
Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng hiện chưa có quy định về việc cấm tổ chức tang lễ ở trong căn hộ của cư dân. Hiện các chung cư mới đều có nhà sinh hoạt cộng đồng, mỗi khi cư dân có "chuyện buồn" thường tổ chức tại đó. Tuy nhiên, ở mỗi chung cư, ban quản trị và cư dân có những quy ước riêng về vấn đề này sao cho hợp tình hợp lý.
PHƯỚC TUẦN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận