Vụ nước cuốn theo đất đá từ trên đồi vùi lấp nhiều ô tô ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội vừa qua khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều người đặt câu hỏi đất đá ở đâu đổ về ào ạt như thế dù chính quyền khẳng định không có sạt lở?
Xây nhà từ trên rừng xuống cả... suối thoát nước
Có mặt tại thôn Phú Ninh, xã Minh Phú ngày 7-8, PV Tuổi Trẻ Online ghi nhận hàng loạt khu nghỉ dưỡng, homestay được xây dựng kiên cố. Điều đáng nói, con đường bê tông dài khoảng 300m (nơi hàng loạt ô tô đỗ sau đó bị đất đá vùi lấp) là con đường được người dân tự ý xây dựng để làm lối đi cho một ngôi nhà xây trên đất rừng trên đồi Dõng Chum (núi Hàm Lợn).
Hàng loạt homestay, nhà kiên cố xây sai phép trên đất rừng ở Sóc Sơn, Hà Nội
Nhìn từ trên cao, khu vực trên hiện có hàng loạt điểm có dấu hiệu bị san gạt, xếp thành tầng cao hạ dần xuống thấp, lộ ra nhiều mảng đất đỏ trơ trọi, không còn cây cối.
Phản ánh với Tuổi Trẻ Online, ông Xuân (ngụ thôn Phú Ninh, xã Minh Phú) cho biết nhà ông nằm ngay chân đồi nên khoảng hai năm nay, từ khi các homestay xây ở lưng chừng đồi Dõng Chum, cứ mưa là nước kèm bùn đất đổ xối xả vào nhà.
"Có hôm nước đổ xuống quá mạnh, sợ sập tường, nhà tôi phải đục tường rào để nước thoát đi, nếu không sợ sập cả tường rào và nhà bị vùi lấp bởi bùn đất" - ông Xuân nói.
Không chỉ tự ý xây nhà trên rừng, tự ý mở đường nối vào nhà xây trên rừng..., tại khu vực trên còn có cả nhà xây trên suối thoát nước.
Theo đó, tại khu vực máng tràn thuộc khu vực thoát nước của đập con hồ Ban Tiện, người dân tự ý đổ sàn bê tông nối hai bên suối để làm sàn rồi xây nhà kiên cố trên đó.
Ngôi nhà xây sai phép ngay trên con suối ngăn và thay đổi dòng chảy nên cứ mưa lớn là tất cả nước đổ ra ngoài đường. Điều đáng nói, ngôi nhà này nằm ngay ở ngã ba nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo UBND xã Minh Phú (Sóc Sơn) thừa nhận việc con đường dài khoảng 300m xẻ rừng nối lên nhà dân "mọc" trên rừng là "do người dân tự ý mở", không nằm trong quy hoạch.
Hiện UBND xã đang "băm" ngang con đường trên thành 5 điểm nhỏ để thay đổi dòng chảy, nhằm hạn chế nước và đất đá từ trên đồi ồ ạt chảy vào nhà dân dưới chân đồi.
Về ngôi nhà ngang nhiên xây dựng trên mương thoát nước, vị này cũng thừa nhận "có vi phạm", thời gian tới sẽ lập hồ sơ cưỡng chế.
Lãnh đạo huyện thừa nhận homestay mọc trên đất rừng
Cách hồ Ban Tiện khoảng 2km, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tại khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) cũng chi chít homestay mọc lên trên đất rừng hoặc ngay sát lòng hồ. Nhiều nơi có dấu hiệu san gạt lòng hồ để xây các địa điểm nghỉ dưỡng.
Quan sát cho thấy hiện toàn bộ diện tích đất bám mép nước hồ Đồng Đò không còn khoảng trống. Tất cả đều được kè thẳng, san lấp, phân lô bằng tường gạch kiên cố hoặc trụ bê tông kéo dài, trên phủ dây thép gai… dù diện tích đất trên nằm trong khu vực rừng phòng hộ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 7-8, một lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết các homestay được xây dựng trên khu vực hồ Ban Tiện nằm "bao trùm trong quy hoạch rừng".
"Hiện khu vực này có 5 homestay, trong đó có 3 công trình xây dựng trên đất lâm nghiệp, còn 2 nằm trên đất nông nghiệp trồng cây lâu năm nhưng cũng nằm trong quy hoạch rừng. Tới đây chúng tôi sẽ cho khắc phục và xử lý triệt để" - vị trên nói.
Về những công trình xây dựng sai phép trên đất rừng ở hồ Đồng Đò, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết trong năm 2022 đã xử lý hơn 20 trường hợp và trong tháng 6-2023 xử lý gần 300 trường hợp vi phạm.
"Có 5 vụ lớn (họ) đang kiến nghị lên tòa án, vì vậy tòa án TP đã yêu cầu huyện tạm dừng việc cưỡng chế đợi tòa xử lý, đưa ra phán quyết, chúng tôi cũng rất bức xúc" - vị này nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận