24/11/2011 02:50 GMT+7

Nói ngọng và cải cách giáo dục

TS ĐỖ CHÍ NGHĨA
TS ĐỖ CHÍ NGHĨA

TT - Chuyện Hà Nội quyết liệt chữa nói ngọng trong nhà trường đang được dư luận quan tâm.

Bên cạnh phần lớn ý kiến ủng hộ thủ đô văn hiến chuẩn hóa lại cách phát âm, vẫn còn những băn khoăn, thậm chí có ý kiến phản đối quyết liệt. Lý do đưa ra là Hà Nội còn bao nhiêu vấn đề nóng bỏng: từ giao thông còn tắc, điện nước phập phù, cơ sở hạ tầng yếu kém, can cớ chi lại ưu tiên đặt chuyện “nói ngọng” lên bàn nghị sự?

Có vị chuyên gia ngôn ngữ học còn mạnh miệng bảo chữa ngọng là chuyện tầm phào. Phát âm “nờ” hay “lờ” là “bản sắc” cả nghìn năm nay, cả làng nói ngọng, ông bà cha chú phát âm “trước sau như nhất” thì mấy tiết dạy trong nhà trường làm sao thay đổi được tình hình?

Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, dù kết cục chuyện “chữa ngọng” của thủ đô như thế nào thì vẫn mừng vì một lối tư duy đầy trách nhiệm và thực tế. Không hiếm hội nghị long trọng, cờ hoa rực rỡ mà diễn giả lại cứ nhầm “en nờ” với “e lờ”, không hiếm vị chức sắc làm cử tọa mất tập trung chỉ vì cách phát âm “không giống ai”.

Nói ngọng là “bệnh” có thể chữa trị được. Cả làng, cả xã có thể phát âm sai như một “truyền thống” bao đời, nhưng người được học hành, đào tạo bài bản dứt khoát không được nói ngọng. Người làm lãnh đạo càng phải có ý thức giữ hình ảnh và vị thế, không thể viện cớ “bản sắc” để bắt thiên hạ phải nghe mình thuyết giảng bằng lối phát âm lệch chuẩn...

Nếu ngành giáo dục giúp thủ đô chữa trị được dứt điểm căn bệnh nói ngọng từ gốc rễ nhà trường, vị thế giáo dục trong xã hội chắc chắn sẽ nâng lên và thật sự giáo dục đã làm đúng mục tiêu “đáp ứng nhu cầu xã hội” đã đặt ra.

Khi ngành giáo dục còn đang loay hoay với bài toán cải cách, dự luật giáo dục đại học trình Quốc hội bị nhiều đại biểu đánh giá là còn né tránh nhiều vấn đề cốt tử, thì những sáng kiến “nho nhỏ” nhưng thiết thực, giản dị có thể thực hiện ngay từ cơ sở cần được phát huy và trân trọng.

Ví như khi môn lịch sử với những con số thống kê dài dằng dặc như cổ động cho lối học đọc - chép và quay cóp làm xã hội lo lắng thì chủ trương của TP.HCM về làm phim cho giảng dạy lịch sử đã tạo nên hi vọng và sinh khí mới. Nếu lịch sử được tái hiện bằng hình ảnh, các tư liệu, con số khô khan trở nên sinh động, mềm mại, dễ nhớ, dễ hiểu, học trò Việt sẽ có cơ hội học sử Việt một cách nhẹ nhàng.

Học hành là chuyện muôn đời, sự say học, yêu tri thức của người Việt là điều không cần bàn cãi. Chỉ lo giáo viên bận quanh năm với việc soạn giảng lại bài mà thực chất là chép lại giáo án ra đem nộp. Quá nhiều bảng biểu, giấy tờ, các cuộc thi truyền thống rất hình thức làm giáo viên mỏi mệt. Trong khi đó, cái cốt lõi là nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao tính thực tế, biến tri thức cứng thành kỹ năng cho người học giải quyết những vấn đề cuộc sống đặt ra lại chưa được quan tâm đầu tư tương xứng.

Chuyện “chữa ngọng” mà ngành giáo dục thủ đô phát động cũng như nhiều sáng kiến cải cách khác chắc chắn còn vấp phải không ít gian nan. Nhưng dù thế nào thì mục tiêu của giáo dục vẫn là không xa vời mà rất cụ thể, giáo trình không cất trong tủ kính mà phải thật sự sát cuộc sống, chính là cuộc sống. Đó là thách thức lớn, là “món nợ” không thể né tránh khi ngành giáo dục tính chuyện thiết kế lại lộ trình cải cách cho phù hợp.

TS ĐỖ CHÍ NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên