Theo báo Guardian của Anh, thành phố Ljubljana thậm chí đã lập một lực lượng phản ứng nhanh để hỗ trợ và giải cứu các tổ ong khi thời tiết thay đổi, gió to hay bão lớn.
Lực lượng phản ứng nhanh
Ông Gorazd Trusnovec là một thành viên thuộc đơn vị phản ứng nhanh của thủ đô Ljubljana. Ông cùng 6 người khác luôn sẵn sàng nhận các cuộc gọi khẩn cấp mỗi khi có đàn ong thoát khỏi nhà nuôi ong. Điều này có thể xảy ra ở những bầy lớn, phát triển mạnh khi ong chúa cùng một đội ong thợ quyết định rời bỏ tổ. "Hai năm trước tình hình rất nghiêm trọng. Có đến 5 đàn mỗi ngày mà chúng tôi không có khả năng thu gom lại. Do đó thành phố đã lập ra lực lượng phản ứng nhanh" - ông Trusnovec nói.
Hiệp hội người nuôi ong do Chính phủ Slovenia tài trợ đã đề xuất "Ngày ong thế giới" - một sự kiện thường niên được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 20-5-2018 nhân ngày sinh của người nuôi ong tiên phong ở Slovenia là Anton Jansa. Trong khi các quần thể ong đang giảm dần trên toàn thế giới thì số lượng ong tại Slovenia vẫn ổn định nhờ việc chính phủ cấm sử dụng một số hóa chất và thuốc trừ sâu có hại đối với loài ong. Năm 2011, Slovenia trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu cấm sử dụng một số loại thuốc trừ sâu được chứng minh gây hại cho ong.
"Chúng tôi đã có những tổn thất đáng kể trong quá khứ nhưng chủ yếu là do mùa đông và ký sinh trùng ve Varroa. Rủi ro tổn thất vào mùa đông của chúng tôi là tầm 15-20%" - Peter Kozmus, Hiệp hội Người nuôi ong Slovenia, chia sẻ.
Biểu tượng của môi trường sạch
Ước tính ong sống ở khoảng 100 địa điểm tại trung tâm đô thị ở Ljubljana, từ tầng thượng của khách sạn Park 14 tầng cho đến bancông của tòa nhà chính phủ Slovenia. Ong phát triển mạnh tại Ljubljana vì nhiều lý do. Thực phẩm dồi dào trong hàng tá công viên của thành phố, những cánh đồng hoa và khoảng 65.000 cây xanh. Ngoài ra, bao quanh Ljubljana là những ngọn đồi và khu rừng, vốn là thiên đường cho ong lấy mật và phấn hoa.
Ong cũng là một trong những đặc tính biểu thị một môi trường trong sạch. Nhờ ong, Ljubljana đã khẳng định nơi đây là một trong những thành phố sạch nhất thế giới. Khi Ljubljana nhận danh hiệu Thủ đô xanh châu Âu năm 2016, các quan chức thành phố đã dùng mật ong của địa phương như một món quà tặng cho mọi người.
Tại Ljubljana, trẻ em mẫu giáo cũng được dạy về ong, công dụng và những tác động tốt của ong; được tiếp xúc với các thành phẩm từ ong và có hẳn nhà nuôi ong bên trong trường. Nhiều trường học ở thành phố này cũng nở rộ các câu lạc bộ nuôi ong. Chính quyền thành phố cũng cho xây dựng một ngôi nhà nhằm giáo dục về ong trong vườn thực vật của thành phố.
Ngoài ra, chính quyền Ljubljana cũng khuyến khích người dân trồng hoa lấy mật, tổ chức các chuyến tham quan đến những địa điểm liên quan đến ong và yêu cầu khoa kiến trúc của các trường đại học trong thành phố thiết kế các loại tổ ong.
180 triệu con ong
Bà Maruska Markovcic, Sở Môi trường Ljubljana, cho biết hiện nay thành phố có khoảng 330 người nuôi ong với khoảng 4.500 tổ ong. "Chúng tôi tính rằng trung bình mỗi tổ ong có khoảng 40.000 con ong nên có khoảng 180 triệu con ong đang sinh sống ở đây" - bà Maruska nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận