Tờ trình dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần.
Suy nghĩ lại nếu rút bảo hiểm xã hội một lần theo phương án 50-50
Phương án 1 quy định hai nhóm lao động khác nhau. Nhóm 1 là người tham gia bảo hiểm xã hội trước khi luật này có hiệu lực (dự kiến 1-7-2025) được rút bảo hiểm một lần sau 12 tháng nghỉ việc. Nếu bảo lưu, không rút một lần sẽ nhận 5 quyền lợi, ngược lại mất quyền lợi bổ sung.
Nhóm 2 là người đóng bảo hiểm xã hội từ khi luật sửa đổi có hiệu lực không được rút bảo hiểm xã hội một lần trừ một số trường hợp như ra nước ngoài định cư.
Phương án 2, người lao động rút một lần song tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Phần còn lại được bảo lưu để hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, khuyến khích đóng tiếp. Ví dụ, một người đóng bảo hiểm xã hội 10 năm, nếu rút một lần sẽ tính thời gian đóng tối đa 5 năm, số còn lại bảo lưu hoặc tham gia trở lại sẽ cộng dồn tính tiếp.
Đóng bảo hiểm xã hội được 14 năm, chị Nhâm, 40 tuổi, nhân viên công ty sản xuất điện tử tại Hà Nội, cho biết bản thân tính rút một lần vì khó khăn tài chính. Là mẹ đơn thân, lương hành chính khoảng 6,5 triệu đồng/tháng, nuôi hai con nhỏ, chị Nhâm cố gắng bám trụ công việc vì lớn tuổi, khó tìm việc mới.
Theo chị Nhâm, chị tính toán lương hưu chỉ 3-4 triệu đồng/tháng trong khi nếu rút một lần được hơn 100 triệu đồng. Số tiền không lớn nên chị tính dành một nửa gửi ngân hàng lấy lãi hằng tháng, một nửa còn lại về hùn vốn với người quen mở tiệm tạp hóa.
Xem thông tin mấy ngày qua về đề xuất hạn chế rút bảo hiểm một lần, chị Nhâm cho rằng phương án rút 50% trước, 50% còn lại để dành khi về hưu sẽ phù hợp. Bởi chị chỉ cần vài triệu lo cho con tiền học đầu năm, sinh hoạt phí, nếu rút hết chị sẽ mất lương hưu.
“Tôi mong Nhà nước có chính sách vay lãi suất thấp, không ai muốn rút bảo hiểm một lần”, chị Nhâm nói.
Nguyễn Phương, 26 tuổi, quê Phú Thọ, công nhân tại KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội, cho biết những tháng qua anh chỉ sống bằng lương cơ bản khoảng 5,7 triệu/tháng. “Sắp tới nếu ít việc, lương công ty không đảm bảo, mình sẽ rút bảo hiểm một lần và tìm việc khác. Mình còn chút tích cóp nên sẽ đi học nghề, mở quán”, Phương bộc bạch.
Chị Nhâm, anh Phương chỉ là hai trong rất nhiều người lao động muốn rút bảo hiểm xã hội một lần để lấy vốn làm ăn thay vì đóng tiếp. Nguyên nhân chính vẫn vì khó khăn tài chính trước mắt. Nếu được hỗ trợ vay chi tiêu ngắn hạn, có lẽ họ sẽ suy nghĩ lại. Vì ai cũng muốn có một khoản nho nhỏ về hưu sau này.
Bài học nghỉ việc nhận trợ cấp một lần còn "nóng"
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nêu rõ nhiều nước hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, tránh áp lực lên ngân sách về lâu dài. Do vậy, ông đề nghị hạn chế rút một lần theo lộ trình, từng bước.
Cùng với đó, ông đánh giá nhiều người sai lầm khi suy nghĩ rút bảo hiểm xã hội một lần rồi gửi ngân hàng lấy lãi. Bằng chứng là có lao động nghỉ việc theo chế độ 176 (nghỉ việc nhận các chế độ trợ cấp một lần) khi lãi suất ngân hàng tới 12%, sau đó tiêu hết tiền, về già không có thu nhập, phải vất vả mưu sinh.
Không hoàn toàn nhất trí với phương án nào trong đề xuất của Chính phủ, ông Huân cho rằng ngành bảo hiểm xã hội cần minh bạch thu chi, đầu tư có lãi, đảm bảo trượt giá, sinh lời an toàn, tạo cảm giác an tâm cho người lao động để họ không rút một lần.
Bên cạnh đó, cần có chính sách tín dụng để lao động vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất, ngăn chặn tín dụng đen, giúp người lao động lúc khó khăn.
“Chỉ có một bộ phận rút bảo hiểm xã hội một lần, đa phần là người trẻ, còn lao động cao tuổi sẽ không rút bảo hiểm vì muốn có nguồn sống khi hết tuổi lao động. Nhiều người trẻ rút ra sau đó lại đóng vào để lấy quyền lợi”, ông Huân chia sẻ.
Cũng nhắc lại bài học từ chế độ 176, PGS.TS Bùi Thị An - chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII - cho rằng phương án cho người lao động rút bảo hiểm một lần tối đa 50% đảm bảo an sinh lâu dài.
“Những nhu cầu cấp bách như chữa bệnh, cho con đi học khiến nhiều người rút bảo hiểm xã hội. Cần rà soát lại những ai cần hỗ trợ để họ có điều kiện giữ lại 50% thời gian đóng bảo hiểm còn lại. Đây là vấn đề quốc gia”, bà An nói và đề xuất một quỹ hỗ trợ người lao động vì khó khăn buộc phải rút một lần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận