Phụ nữ và đàn ông đều có thể san sẻ với nhau trong việc chăm sóc dạy dỗ con cái cũng như gia đình - Ảnh: T.T.D.
Một câu hỏi được đặt ra: Liệu đàn ông có cần được giúp đỡ và cần được tháo gỡ định kiến về giới?
Bàn về câu chuyện bình đẳng giới, sẽ khập khiễng nếu chúng ta chỉ nói đến nữ giới mà quên đi thực tế rằng đàn ông cũng có thể là nạn nhân của định kiến giới.
Nam giới dạy nhau cách tôn trọng vợ hơn, dạy nhau cách vào bếp. Đừng nghĩ chữ bình đẳng giới là cái gì to tát, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất như thế.
TS TRẦN KIÊN (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - ISDS)
Đàn ông - phụ nữ: ai khổ hơn ai?
Tại một diễn đàn thường niên nhân Ngày Quốc tế nam giới vừa diễn ra, điều đáng hoan nghênh chính là sự xuất hiện của "cánh đàn ông", trong đó có các nhà hoạt động xã hội và người nổi tiếng.
Đàn ông ngồi lại với nhau, cùng tìm giải pháp huy động nam giới trong nỗ lực gỡ bỏ các vai trò giới truyền thống, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới.
Dù không phải là "bức tường bê tông" nhưng định kiến giới cũng có thể tạo ra áp lực vô hình lên đôi vai đàn ông.
Từ ngày có con, anh Phạm Trung Kiên (làm nghề hướng dẫn viên du lịch ở Hà Nội) cảm thấy áp lực làm cha, trở thành trụ cột gia đình đè nặng. Anh thực sự bối rối, càng bối rối hơn khi công việc buộc phải đi nhiều nơi, khiến anh không có thời gian ở nhà chăm sóc vợ con.
"Một tháng thì có 10 ngày tôi không ở nhà, thời gian đó vợ bị trầm cảm càng tạo áp lực cho tôi nhiều hơn. Tôi cố gắng tìm mọi cách để làm tốt vai trò của mình, cố gắng kiếm tiền ít hơn hay suy nghĩ tìm một công việc nào đó để có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Thời gian đó thực sự rất khó khăn" - anh bày tỏ.
Từ nước ngoài trở về, anh Nguyễn Công Định (giảng viên một trường đại học tại Hà Nội) cũng cảm thấy hụt hẫng khi việc kết nối với con bị ngắt quãng. Ngày anh đi nước ngoài học tập thì con còn bé xíu, lúc về con đã lớn khôn. Áp lực làm cha đè nặng lên đôi vai người đàn ông khi anh có nhu cầu chăm sóc con tốt hơn, song không biết mình phải bắt đầu từ đâu.
Đàn ông bao giờ cũng có cái tôi lớn, tự tin tự làm được mọi chuyện, nhưng với hai người đàn ông nói trên thì khác. Họ nhận ra vấn đề đang đối mặt, chấp nhận kéo "cái tôi đàn ông" xuống, tìm hiểu về cách làm sao làm chồng, làm cha tốt hơn.
"Với phụ nữ, bao giờ cũng muốn rất nhiều từ chồng như vừa có thu nhập cao vừa dành nhiều thời gian cho gia đình. Đàn ông phải biết cân bằng giữa hai điều đó, có mức thu nhập vừa đủ cho gia đình mà vẫn duy trì được sự quan tâm, dành thời gian cho vợ con" - anh Kiên "bật mí" "bí kíp" tích lũy được.
Góp góc nhìn của phụ nữ, bà Trần Lê Quỳnh Mai (thuộc Tổ chức Thúc đẩy bình đẳng giới Việt Nam) cho biết nhóm nhận thấy không chỉ riêng phụ nữ mà chính nam giới cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ "thiết chế phụ quyền" - thiết chế gia trưởng trong gia đình, xã hội.
Trên mạng xã hội, đã có cuộc tranh cãi về việc giữa đàn ông và phụ nữ liệu ai khổ hơn ai? Có quan điểm cho rằng nếu chỉ ủng hộ phụ nữ mà bỏ qua đàn ông thì cũng "chỉ cứu được một bên".
Bà Mai cho biết trên thực tế đàn ông cũng gặp rất nhiều áp lực, chính họ cũng là nạn nhân của thiết chế gia trưởng. Lấy ví dụ việc đàn ông mắng vợ không biết nấu ăn, hay phụ nữ mắng chồng không biết kiếm tiền đều là hệ quả của hệ tư tưởng gia trưởng. Do đó, bà cho rằng điều cần hướng đến chính là xóa bỏ thiết chế gia trưởng chứ không phải "chỉ tay đổ lỗi cho một người phụ nữ trong đời làm khổ đàn ông".
Hãy nới lỏng "khuôn" cho đàn ông
Có thể nhận thấy quy định về giới đã được định sẵn khi chúng ta bước vào một khu nhà vệ sinh với tấm biển ghi rõ: wc nam - wc nữ. Từ ví dụ này, ông Lê Quang Bình - giám đốc doanh nghiệp xã hội ECUE - cho rằng xã hội mặc định đòi hỏi đàn ông thì phải thế này, thế kia đã tạo ra "sức mạnh" giúp người đàn ông làm việc đó ngay lập tức mà không cần đặt câu hỏi.
Hay như phụ nữ đóng vai trò là vợ, là phái nữ sẽ hành xử thế này, trọn vẹn ra sao, nếu không sẽ bị đánh giá và cho rằng mình làm sai.
"Điều chúng tôi làm là cho mọi người nhận ra cái khuôn đó có thể nới lỏng nó ra, thay đổi khuôn để hợp hơn với mình, để thấy tự do và hạnh phúc hơn. Để làm điều đó, không chỉ phụ nữ nhận ra khuôn của đàn ông, mà đàn ông cũng phải nhận ra khuôn đang dành cho mình, đang thắt chặt mình hay không? Ví dụ, khuôn đó có đang bắt mình phải "dạy vợ" hay không, mà "dạy vợ" chính là bạo lực" - ông Bình chỉ ra.
Ông Bình cũng thừa nhận không thể nói rằng nên bảo vệ hay ủng hộ đàn ông, bởi trong một chừng mực nào đó, đàn ông vẫn đang ở trên thế mạnh và được hưởng lợi hơn rất nhiều so với phụ nữ trong mối quan hệ giới.
Do đó, đàn ông càng phải tham gia nhiều hơn, mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới, cùng nhau gỡ "khuôn" về vai trò giới.
Cho rằng khuôn mẫu về giới được hình thành từ văn hóa gia đình, bà Lê Thu Hà, giám đốc Trung tâm Trẻ em và Phát triển, nêu quan điểm cần chú trọng thay đổi nhận thức từ chính bậc làm cha mẹ và giáo viên - nhóm đối tượng ảnh hưởng đến sự giáo dục của trẻ em.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận