TTCT - Nhiều phụ huynh thường hướng các con mình đến các môn học chính như toán, văn, tiếng Anh mà ít quan tâm đến các môn phụ như lịch sử, giáo dục công dân... Điều này khiến cho các giáo viên môn phụ cảm thấy tủi thân nhưng với không ít người, đó là động lực để họ đổi mới, sáng tạo để hấp dẫn học sinh trong tiết học của mình hơn cả những môn chính. Một tiết dạy môn công nghệ của thầy Tài Đại Xuân Hòa với học sinh lớp 8/3 Trường THCS Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: NHƯ HÙNGLấy giờ môn phụ cho môn chính“Cô đừng bắt các con học môn của cô nhiều quá nha, để dành thời gian cho các con học toán, văn, tiếng Anh cuối năm còn thi vào lớp 10 nữa”. Đó là lời đề nghị của một phụ huynh lớp 9 với cô T., giáo viên dạy môn giáo dục công dân (GDCD) ở quận 1, TP.HCM.“Tôi không giận phụ huynh, họ đề nghị như vậy cũng có lý của họ. Hết lớp 9 mà học sinh không đậu được vào trường THPT công lập sẽ rất khó khăn với nhiều gia đình khi không đủ khả năng cho con em học trường tư thục”.Không chỉ phụ huynh, học sinh, ngay cả người trong ngành giáo dục cũng có tư tưởng phân biệt môn chính - phụ. Trong buổi họp hội đồng sư phạm ở một trường, có giáo viên tiếng Anh còn nói học sinh năm nay yếu quá, đề nghị nhà trường lấy giờ GDCD của đồng nghiệp cô T. để dạy tiếng Anh.Đầu năm nay, khi học sinh nghỉ ở nhà để phòng tránh dịch COVID-19, ban giám hiệu trường trên cũng ưu tiên cho giáo viên các môn chính được dạy online, còn môn GDCD thì không được dạy vì không cần thiết.Thầy giáo trẻ Tài Đại Xuân Hòa - giáo viên môn công nghệ Trường THCS Gò Vấp, quận Gò Vấp, TP.HCM - tâm sự: “Tôi từng gặp một số trường hợp học sinh lấy bài môn khác ra học trong giờ dạy của mình.Hỏi ra thì em đứng lên xin phép: “Tiết sau kiểm tra mà con chưa học bài kịp, thầy cho phép con học bài nha thầy”. Em khác thì xin: “Tiết sau là tiết toán mà con chưa làm bài tập xong, thầy cho con làm bài tập toán cho xong ạ”.Buồn cho môn phụ nhưng theo thầy Xuân Hòa, như môn công nghệ, nếu giáo viên không đổi mới phương pháp theo hướng dạy học tích cực thì rất khó thu hút học sinh. Vì vậy, thầy Hòa tìm cách mang lại hứng thú cho học sinh trong tiết dạy của mình.Những lớp chưa có trang thiết bị, máy móc đầy đủ, thầy Hòa làm dụng cụ dạy học trực quan. “Khi tôi dạy bài truyền chuyển động, ở những lớp chưa có máy chiếu tôi mang luôn cả chiếc xe đạp lên lớp, hơi cực một chút nhưng học sinh được tận mắt nhìn vật thật, xem cái xích xe ăn khớp với bánh răng như thế nào, chuyển động ra sao...”.Trong giờ học nếu một số học sinh có biểu hiện không tập trung vào bài học, thầy Hòa cho cả lớp làm việc nhóm để kéo học sinh về với thực tại.Học sinh Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, quận 3, TP.HCM nhảy flashmob minh họa cho sản phẩm của mình tại buổi báo cáo dự án "Sài Gòn by bus" sáng 17-11. Ảnh: H.HGNghề không phụ ngườiSáng 17-11, buổi báo cáo kết quả dự án “Sài Gòn by bus” đã diễn ra tại Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3 với rất nhiều tiếng cười của học sinh các trường THPT ở quận 1, quận 3.“Sài Gòn by bus” là dự án học lịch sử địa phương (chương trình do Sở GD-ĐT TP.HCM biên soạn), học sinh sử dụng các loại xe buýt công cộng (xe buýt thường, buýt đường sông, buýt 2 tầng mui trần) để khám phá các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, cuộc sống của người Sài Gòn - TP.HCM.Sau đó, các em làm video clip ghi lại quá trình trải nghiệm tham quan di tích lịch sử bằng xe buýt, nêu cảm nhận của cá nhân.Các em cũng được chọn nhiều cách khác để thể hiện: làm video clip giới thiệu một di tích lịch sử hay cảnh quan, món ăn... nằm trên tuyến có xe buýt dừng; poster giới thiệu các điểm di tích lịch sử bằng các loại xe buýt; brochure giới thiệu các hoạt động tham quan du lịch ở TP.HCM bằng xe buýt; hay bản đồ tham quan du lịch ở TP.HCM bằng xe buýt...Dự án trên là ý tưởng của ThS Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, được thực hiện tại trường này nhiều năm qua. Năm nay, thầy Du mời thêm học sinh các trường THPT tại quận 1, quận 3 cùng thực hiện.Ở các trường như THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Thị Xuân, Lê Quý Đôn... thì việc làm dự án đã quá quen thuộc với các học sinh, nhưng với học sinh nhiều trường THPT khác, đây vẫn còn là một điều mới lạ.“Đây là lần đầu tiên em đi xe buýt, cũng là lần đầu tiên em học dự án môn lịch sử. Cách học này cho em cơ hội trải nghiệm thực tế vừa giúp em quen với cách làm việc nhóm.Thực sự rất thú vị và hữu ích chứ không phải là môn phụ nhàm chán như nhiều người vẫn nghĩ” - Trần Đặng Thiên Thanh, học sinh lớp 11A4 Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, chia sẻ. Các giáo viên sẽ chấm điểm dựa vào chất lượng sản phẩm, thái độ học tập... của các em.Để có sáng tạo ấy, với thầy Du, đó là cả một quá trình. “Hồi mới đi dạy, tôi rất bức xúc vì học trò xem thường, không thích môn sử. Những giờ kiểm tra thực sự rất mỏi mệt cho cả thầy lẫn trò vì thầy phải căng mắt quan sát, tránh để học sinh quay cóp.Lúc đó, tôi đã tự hỏi: phải làm sao cho học trò thích học sử? Việc đầu tiên, tôi giảm tải bài học, không yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng. Những nội dung tôi truyền đạt phải gần gũi với cuộc sống học sinh, để các em cảm thấy đó là điều có ích và học tập với thái độ thoải mái, vui vẻ” - thầy Du chia sẻ.Năm 2019, thầy Du cũng đề xuất tổ chức ngày hội cosplay nhân vật lịch sử. Ở đó, các học sinh chủ động tìm hiểu và chọn nhân vật lịch sử các em yêu thích, tái hiện hình ảnh nhân vật bằng hiểu biết và cảm nhận của mình.Theo thầy Du, các học sinh không thích học thuộc lòng. Nếu việc kiểm tra chỉ nhằm kiểm tra khả năng học thuộc, ghi nhớ của học sinh thì sẽ đánh giá không đúng năng lực của các em. “Tuy là môn phụ nhưng nếu mang lại sự hứng thú cho học sinh thì sẽ trở thành môn chính.Tôi đã từng biết nhiều học sinh thức cả đêm để hoàn thiện video clip - sản phẩm của môn sử để ngày mai nộp cho giáo viên. Ngược lại, các môn được gọi là chính nhưng nếu không mang lại sự hứng thú, vui vẻ cho học sinh thì cũng rất dễ biến thành môn phụ” - thầy Du đúc kết.Sự cố gắng và sáng tạo trong giảng dạy ấy đã khiến tên tuổi một giáo viên dạy sử như thầy Nguyễn Viết Đăng Du không dừng lại ở phạm vi một ngôi trường. Thầy được mời thỉnh giảng ở một trường tư thục và làm cố vấn chuyên môn về lịch sử cho một trường quốc tế.Thầy Tài Đại Xuân Hòa không chỉ dạy ở Trường THCS Gò Vấp mà còn được mời thỉnh giảng ở một trường tại quận Bình Thạnh. Cô T., hiện là giáo viên biên chế tại một trường trung học công lập nhưng được mời thỉnh giảng ở 2 trường trung học khác.Thầy Trần Tuấn Anh là giáo viên biên chế của Trường Colette, quận 3 nhưng được rất nhiều trường tư thục, trung tâm giáo dục mời dạy thỉnh giảng.Thầy Tuấn Anh còn được mời đi nói chuyện với các học sinh các trường khác trong những chuyên đề về đạo đức, được mời đi tập huấn cho các giáo viên về phương pháp giảng dạy... ở TP.HCM và các tỉnh thành khác.■Một tiết dạy môn công nghệ của thầy Tài Đại Xuân Hoà với học sinh lớp 8/3 trường THCS Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: NHƯ HÙNGmôn phụ“GDCD, một môn học chỉ được học sinh xem là môn phụ, có thể là phụ nhất. Thật vậy, đối với môn này tôi có thể cầm chắc điểm 10 trong tay bất cứ lúc nào. Vài ba câu ý nghĩa và rèn luyện của những đức tính tốt có thể làm khó được tôi? Ấy mà, thực chất đây là một môn học mà ta phải học bằng trái tim, dùng tâm hồn để suy nghĩ về nó chứ không phải là học thuộc lòng. Vì chẳng có ai đi học thuộc lòng đạo đức của một con người cả.Nhưng những điều ấy tôi đã chẳng nhận ra, 3 năm học đầu tiên dưới mái trường cấp 2 này, tôi chỉ xem nó như một môn học lấy điểm, nào biết rằng nó là một môn học nuôi dưỡng tâm hồn ta.Lên năm lớp 9, tôi đã gặp được một người thầy, người đã thay đổi suy nghĩ của tôi về môn GDCD. Những mẩu chuyện ý nghĩa, những câu nói sâu sắc cùng với những lời thơ ấm áp, chứa đầy cảm xúc - tất cả như một dòng nước mát lạnh, êm dịu đang nuôi lớn cái cây nhân cách của không chỉ riêng tôi mà là tất cả học sinh mà thầy đã dạy. Nếu những thầy cô khác nuôi dưỡng trí tuệ cho học sinh thì thầy chính là người nuôi dưỡng tâm hồn cho chúng tôi. Vậy mà, tôi đã học chưa đúng cách môn học này suốt thời gian qua...”.Đó là một đoạn trong bài kiểm tra định kỳ môn GDCD của em N.H.T. (năm học 2020-2021), học sinh lớp 9/4 Trường THCS Colette, quận 3, TP.HCM. Đoạn trích trên em đã viết khi trả lời câu hỏi: “Trong 9 tuần qua, khi học môn GDCD em tâm đắc nhất (hoặc trăn trở nhất) điều gì? Điều đó đã tác động đến em như thế nào?”.Thầy Trần Tuấn Anh - giáo viên môn GDCD Trường THCS Colette - cho biết: “Năm nay tôi muốn đổi mới nội dung đề kiểm tra, đồng thời cũng muốn biết thái độ của học sinh đối với môn mình dạy nên đã cho ra câu hỏi như trên”. Tags: Giáo viênMôn phụ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.