22/09/2012 07:01 GMT+7

Nỗi long đong của một di tích

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Ngày 18-9, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo ngành văn hóa và UBND TP Huế lập hồ sơ để tỉnh sớm có quyết định công nhận di tích đàn Âm hồn.

23dwhqf7.jpgPhóng to
Hơn 100 năm qua người dân vẫn đều đặn tự nguyện tổ chức tế lễ tại đàn Âm hồn, Huế hằng năm nhân ngày kỷ niệm kinh đô thất thủ - Ảnh: THÁI LỘC

Đây có thể là tin vui cho nhiều người dân Huế, đặc biệt đối với những người đã bền bỉ khiếu kiện cho đàn Âm hồn trong hơn 20 năm qua. Đồng thời cũng thể hiện một thiện chí, dù muộn màng của chính quyền, về một di tích văn hóa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân cố đô.

Đàn Âm hồn nằm trên đường Ông Ích Khiêm, ngay sát cạnh Hoàng thành Huế, là nơi cúng tế vong hồn đồng bào và chiến sĩ đã hi sinh trong sự biến kinh đô thất thủ đêm 22 rạng 23 tháng 5 âm lịch năm Ất Dậu (1885). Chứng kiến việc tự nguyện tổ chức cúng tế với nghi thức bài bản và thành tâm của đông đảo người dân được duy trì liên tục suốt hơn 100 năm qua, mới thấy hết tinh thần nhân văn của người Việt. Đàn Âm hồn điển hình cho một “di tích của lòng dân”, thấm đẫm tình người mà ít có một di tích nào sánh được.

Vậy mà trong hơn 20 năm qua, đàn Âm hồn phải chịu cảnh long đong với không ít lần rơi vào thế bị xóa sổ. Chiến tranh và thiên tai đã làm cho đàn Âm hồn bị đổ nát một phần. Tiếp đó, chính quyền phường đã cho san bằng ngôi đền để làm xưởng mộc (1987). Sau đó, khu đất vốn là đàn cúng tế này liên tục mua đi bán lại, mặc cho dân chúng đưa đơn ra tận trung ương để đòi lại. Ngành văn hóa thì liên tục “gào thét” đòi trả lại nơi cúng tế cho dân chúng. Nhưng vào cuối năm 2000, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trả lời bằng việc cấp “sổ đỏ” cho lô đất vốn thuộc đàn Âm hồn. Ngay lập tức nhiều khiếu kiện bằng văn bản gửi đến cơ quan chức năng. Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm kêu gọi rút quyết định cấp đất và đề nghị lập hồ sơ công nhận di tích, kể cả các văn bản chính thức của Sở VH-TT&DL. Nhưng thay vì thu hồi “sổ đỏ” để sửa sai thì UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế lại im lặng.

Với tấm “sổ đỏ” do chính UBND tỉnh cấp, khu đất này tiếp tục được mua bán qua nhiều chủ. Đến tháng 4-2012, thật bất ngờ khi UBND TP Huế “bỗng” cấp giấy phép xây dựng trên lô đất này. Điều đáng nói là quá trình cấp phép xây dựng có quá nhiều sự khuất tất. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc UBND TP Huế đã lấy khu đất cách đàn Âm hồn chừng 50m để xác định quy hoạch (không thuộc di tích) và lấy đó làm cơ sở để cấp phép xây dựng trên đất của đàn Âm hồn. Người dân lại phát hiện và tố cáo sự “đánh tráo” này và chính quyền TP Huế đã kịp thu hồi giấy phép xây dựng.

Dù sao thì chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang thể hiện thiện chí đối với việc công nhận đàn Âm hồn là di tích. Song dư luận lại đang trông chờ vào một hướng xử lý quyết liệt, rốt ráo hơn. Nguyên nhân của việc mua đi bán lại một khu đàn cúng tế, kéo theo sự khiếu kiện kéo dài của dân chúng chính là do tấm “sổ đỏ” mà chính quyền cấp. Chính quyền tỉnh đã “cấp sai” sổ đỏ thì hoàn toàn có thể thu hồi để “sửa sai”. Những gì của di tích cần phải trả lại cho di tích. Một khi đất di tích mà vẫn nằm trong “sổ đỏ” của người khác thì e rằng số phận của đàn Âm hồn vẫn chưa hết long đong!

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên