Phần lớn chủ thuyền rồng trên sông Hương đều xuất thân từ dân vạn đò nay đây mai đó. Con thuyền vừa là cần câu cơm nuôi sống cả gia đình, vừa là nơi ăn chốn ở của họ trên sông nước.
Khi chiếc thuyền rồng bị "khai tử", họ lo lắng cho cuộc sống bấp bênh sắp tới.
Phần lớn thuyền rồng sông Hương sắp bị "khai tử"?
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Thừa Thiên Huế, hiện có khoảng 120 chiếc thuyền rồng đang chở khách du lịch trên sông Hương. Trong số đó có hơn 40 chiếc sẽ hết hạn sử dụng vào năm 2023 theo nghị định 111/2014 của Chính phủ.
Đến năm 2025, phần lớn số thuyền trên đều phải dừng hoạt động.
Thuyền rồng trên sông Hương hiện nay chủ yếu có hai loại: thuyền đơn một đầu rồng và thuyền hai đầu rồng được "chế" từ việc ghép hai thuyền đơn lại với nhau.
Trên thực tế, những chiếc thuyền rồng này chủ yếu được hoán cải từ thuyền khai thác cát sạn lòng sông của người dân vạn đò xứ Huế.
Ông Lê Văn Bồng (40 tuổi) - chủ một thuyền hai đầu rồng chở khách trên sông Hương - nói rằng chiếc thuyền của ông đến cuối năm nay là hết hạn sử dụng, phải nằm bờ.
Năm 2014, ông Bồng chi gần 2 tỉ đồng để hoán cải thuyền chở cát được đóng từ năm 1993 trở thành thuyền rồng du lịch trên sông Hương.
Dù mới chỉ hoạt động du lịch gần 10 năm nay nhưng thuyền rồng của ông Bồng cũng nằm trong danh sách các thuyền sắp bị loại biên, vì hết hạn 30 năm sử dụng.
Để đảm bảo các quy định an toàn khi hoạt động du lịch, hằng năm ông Bồng đều đưa thuyền đến Chi cục Đăng kiểm số 13 (Thừa Thiên Huế) để kiểm định chất lượng an toàn.
Cứ 3 năm một lần, thuyền rồng của ông sẽ được đưa lên bờ để kiểm tra phần đáy thuyền. Nếu có hư hỏng hay không đảm bảo chất lượng, ông sẽ tốn hàng chục triệu đồng để sửa chữa.
"Tôi cùng nhiều chủ thuyền khác cũng đã có kiến nghị lên các cấp đề nghị xem xét lại quy định loại biên thuyền rồng đến hạn 30 năm.
Trên thực tế, thuyền rồng của chúng tôi vẫn còn sử dụng khá tốt và luôn tuân thủ các quy định an toàn hàng hải. Nếu buộc "khai tử" thuyền rồng, chúng tôi không biết lấy nghề gì làm ăn đây", ông Bồng nói.
Mong chủ thuyền rồng "chấp nhận nỗi đau"
Ông Lê Xuân Sơn, phó giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 4 (Cục Đăng kiểm Việt Nam), cho biết người dân muốn đóng mới thuyền rồng chở khách thì phải có bản vẽ thiết kế kỹ thuật do các đơn vị chuyên môn có năng lực thực hiện.
Trong khi đó, việc đóng thuyền rồng du lịch trên sông Hương từ trước đến nay đều có quy mô nhỏ, chủ yếu do người dân tự đóng theo kinh nghiệm sông nước.
Ông Nguyễn Văn Thành, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết nghị định 111 của Chính phủ nhằm đảm bảo an toàn cho du khách trong quá trình kinh doanh dịch vụ du lịch đường thủy.
Theo ông Thành, đã đến lúc các thuyền rồng trên sông Hương cần được thay thế bằng các loại thuyền mới, có chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Ông Thành cũng nói rằng hiện nay tỉnh không có chính sách gì hỗ trợ cho chủ thuyền đóng mới lại thuyền rồng sau khi hết hạn sử dụng cũng như hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.
Vị phó giám đốc sở này mong rằng các chủ thuyền rồng đang hoạt động trên sông sẽ vì cái chung, vì sự phát triển của thành phố mà chấp nhận "khai tử" thuyền rồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận