17/04/2020 10:56 GMT+7

Nỗi lo phi công quên kỹ năng lái máy bay vì nghỉ việc quá lâu do COVID-19

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Đại dịch COVID-19 đã khiến phần lớn máy bay nằm bất động ở các sân bay. Khi ngành hàng không khởi động lại, các phi công sẽ có rất nhiều việc phải làm.


Nỗi lo phi công quên kỹ năng lái máy bay vì nghỉ việc quá lâu do COVID-19 - Ảnh 1.

Phi công Air France trong buồng lái mô phỏng Airbus A350. Ảnh: cnn.com Làm thế nào để luyện kỹ năng?

Theo kênh CNN (Mỹ), phi công sẽ phải rèn lại kỹ năng trong buồng lái và đảm bảo tuân thủ những quy định an toàn nghiêm ngặt nhất của ngành hàng không. Đây sẽ là một thách thức vì phần lớn phi công giờ đều không có việc làm.

Ông Brian Strutton thuộc Hiệp hội Phi công Hàng không Anh nói: "Phi công cần phải huấn luyện và có khả năng bay trong thời gian gần đây".

"Gần đây" tức là trong vòng 90 ngày trước đó, phi công phải tuân thủ các quy định về thực hiện ba lần cất và hạ cánh thành công, trong đó có một lần sử dụng thiết bị hạ cánh tự động trong buồng lái.

Để đủ điều kiện bay cả ban ngày và ban đêm, phi công lái máy bay thương mại cần thực hiện ba lần cất và hạ cánh ban đêm trong vòng 90 ngày trở lại đây. Điều kiện ban đêm khó khăn hơn vì phi công không nhìn thấy nhiều vật mốc. Họ cũng phải thực hiện ba lần cất và hạ cánh ban ngày.

Ngoài ra, phi công cần trải qua các cuộc kiểm tra hàng năm, trong đó có Kiểm tra Sát hạch Bằng lái mà phi công phải thực hiện mỗi năm để bằng phi công còn giá trị. Đối với hãng hàng không, họ sẽ phải thực hiện Kiểm tra Sát hạch Vận hành sáu tháng một lần.

Ông Ada Twidell, Giám đốc điều hành PrivateFly (công ty đặt máy bay theo yêu cầu), nói: "Phần lớn các cuộc kiểm tra này có thể được thực hiện trong môi trường mô phỏng mức D. Các thiết bị mô phỏng này rất thực tế và có những điều kiện như thật, không khác gì lái máy bay thật".

Buồng lái mô phỏng cũng quan trọng trong việc giúp phi công rèn luyện kỹ năng. Mặc dù phi công có thể thực hành phần lớn kỹ năng qua các trò chơi máy tính như Microsoft Flight Simulator, nhưng không có gì có thể thay thế khi đánh giá, huấn luyện và chứng nhận kỹ năng. Phi công cần tiếp cận thiết bị mô phỏng chuyến bay có kích thước như thật.

Để làm điều đó, phi công cần có buồng lái mô phỏng. Nhưng ở một số nước, do COVID-19, nhiều cơ sở có buồng lái mô phỏng đã đóng cửa. Ngoài ra, còn có vấn đề khi không có người hướng dẫn, kiểm tra. Cơ phó cũng cần có mặt trong buồng lái mô phỏng.

Chi phí cũng là một vấn đề. Chi phí để sử dụng thiết bị mô phỏng là 300 đến 400 USD/giờ và đó là chưa tính tới phí dành cho nhân sự đi kèm.

Không chỉ vậy, còn có yêu cầu về tập huấn liên quan khói và đám cháy thường xuyên, trong đó phi công phải vào máy bay đầy khói và sơ tán hành khách. Phi công và phi hành đoàn cũng cần phải phối hợp trong thực hiện sơ cứu và quản lý nguồn lực.

Đó là tất cả những loại chứng nhận và tập huấn phức tạp mà phi hành đoàn phải cập nhật liên tục nếu ngành hàng không còn tê liệt trong thời gian dài và phần lớn trong số 290.000 phi công thế giới ngồi chơi dài dài. Đó là vấn đề mà họ sẽ phải đối mặt khi ngành hàng không khởi động lại.

Ngoài thiết bị mô phỏng trên máy tính, phi công có thể làm gì để luyện kỹ năng buồng lái ở nhà?

Theo bà Karlene Petitt, phi công lái Boeing 777 ở Mỹ, phi công có thể dùng thời gian này để nâng cao trình độ. Trong thời đại mà một số công việc trong buồng lái diễn ra tự động, phi công cần phải biết cách thiết lập buồng điều khiển, biết cần bấm nút nào...

Bà Petitt nói: "Bạn bắt đầu quên nếu không sử dụng. Vì phần lớn phi công làm việc dựa trên nhận thức. Nếu luôn duy trì nó, phi công sẽ không mất kỹ năng. Sẽ rất tốt nếu hãng hàng không có công cụ đào tạo trực tuyến cho phi công để họ thực hành và duy trì kỹ năng khi ở nhà cho tới khi trở lại bầu trời".

Trước đó, khi bà Petitt không vào buồng lái vài năm và không có công cụ đào tạo trực tuyến, bà đã phải dùng các thẻ giấy để thực hành quy trình ở nhà.

Ông Joji Waites, chuyên gia an toàn bay tại Hiệp hội Phi công Hàng không Anh, cho biết hiệp hội đảm bảo một số phi hành đoàn vẫn được bay, như lái máy bay chở hàng, trang thiết bị, người hồi hương...

Còn với ai không được bay, họ cần phải giữ thể trạng và tinh thần tốt. Ông Waites nói: "Phi công không quen ngồi không. Chúng tôi đang nghĩ về thời điểm mà mọi thứ trở lại và có thể bắt đầu các chuyến bay theo lịch trình".

Giảm áp lực

Để giúp giảm nhẹ áp lực tích tụ liên quan tới việc hết hạn bằng phi công hay các chứng nhận có liên quan, giới chức quản lý nhiều nơi đang gia hạn thời gian cho phi công, hãng hàng không.

Tại châu Âu, Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) đã gia hạn hạn chót đối với việc thực hiện các yêu cầu nhất định về điều kiện hoạt động. Theo đó, mỗi hãng hàng không chỉ cần trình kế hoạch tập huấn phi công chi tiết để EASA đánh giá. Nếu kế hoạch đáng tin cậy, EASA có thể gia hạn thời gian cho hãng.

Ở Mỹ, Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) sẽ không thực hiện hành động pháp lý với phi công nếu họ không tuân thủ tiêu chuẩn thời hạn chứng nhận y tế nếu giấy chứng nhận này hết hạn trong giai đoạn 31/3 tới 30/6/2020.

Ở Anh, Cơ quan Hàng không Dân dụng đã không yêu cầu gia hạn bằng, chứng nhận, xếp hạng đối với mọi nhà điều hành bay, phi hành đoàn, hướng dẫn viên và kiểm tra viên tham gia vận chuyển hàng không thương mại nếu các giấy tờ hết hạn trước ngày 31/10/2020.

Dù vậy, lực lượng lao động hàng không thế giới đang ở thời kỳ cực kỳ căng thẳng. Ông Sam Sprules, Giám đốc điều hành tại cơ quan tuyển dụng phi công AeroProfessional, nói: "Trên 40 hãng hàng không đã phải ngừng hoạt động toàn bộ đội bay và phần lớn các hãng đã ngừng hoạt động 80-90% máy bay. Đó là điều chưa từng xảy ra, cho thấy số lượng phi công nhàn rỗi hiện nay"./.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên