Chưa bàn đến đúng sai trong chủ trương thu hồi đất, trong quyết định cưỡng chế, nhưng việc chính quyền cơ sở dùng quyền lực nhà nước, sử dụng lực lượng hùng hậu thu hồi đất của người dân để giao cho các nhà đầu tư đã làm xấu đi hình ảnh của chính quyền và làm giảm lòng tin của dân vào các chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Luật đất đai quy định trong trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, nếu người bị thu hồi đất không chấp hành quyết định thu hồi thì UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất ra quyết định cưỡng chế. Song việc áp dụng biện pháp cưỡng chế không khéo sẽ trở thành một hạ sách trong cách điều hành, quản lý của chính quyền. Nó cũng cho thấy công tác dân vận, tuyên truyền, đối thoại với dân của chính quyền đã không được thực hiện tốt.
Người dân có lý do để chưa đồng tình với một chủ trương. Trước tình trạng đó, nếu chính quyền biết nghĩ đến cái chung, quan tâm đến quyền lợi chung, trong đó có quyền lợi của người dân, thì phải tìm mọi cách lắng nghe dân, đối thoại với dân, giải tỏa những khúc mắc của dân, thay vì dùng biện pháp mạnh. Bài học Tiên Lãng vẫn còn đó: những quyết định giao đất, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất không đúng pháp luật đã vô tình biến người dân lâm vào cảnh vi phạm pháp luật.
Nhìn rộng ra, bài học từ các dự án phải thu hồi đất của nông dân hiện có ở nhiều nơi. Bên cạnh những dự án đem lại hiệu quả, những nơi người dân được đảm bảo cuộc sống sau thu hồi đất thì vẫn còn đó đô thị bỏ hoang, khu công nghiệp gây ô nhiễm, tình cảnh người dân mất đất, mất nghề, đời sống khó khăn. Vậy chính quyền các địa phương này rút ra được điều gì trước khi quyết định cưỡng chế thu hồi đất cho một dự án?
Các chuyên gia về đất đai thừa nhận hệ thống văn bản liên quan đến đất đai quá rối rắm, phức tạp. Sự rối rắm đó một phần khiến chính quyền địa phương khó khăn trong việc thực thi, một phần tạo kẽ hở để không ít nơi giải quyết theo kiểu tù mù, làm khó dân. Vì thế với bất kỳ dự án nào phải thu hồi đất, nếu thông tin không minh bạch, việc giải quyết những mâu thuẫn giữa chính quyền, chủ đầu tư và người dân không triệt để sẽ để lại những hậu quả xấu và lâu dài. Phải chấn chỉnh và tìm giải pháp khắc phục. Nên chăng cần có sự tham gia giám sát trong vấn đề này ngay từ khi có chủ trương, chính sách nhằm đảm bảo quyền lợi, lợi ích của tất cả các bên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận