Cư dân chung cư thay nhau tuần tra ban đêm - Ảnh: BQT |
Cụm chung cư nơi tôi đang ở này chỉ thuộc vào loại “thường thường bậc trung” với hơn 1.600 căn hộ. Tuy nhiên, có rất nhiều căn hộ được cho thuê với thành phần cư dân phức tạp nên việc bảo đảm an ninh chung cư là bài toán nan giải.
Căn hộ cùng tầng với tôi ban đầu được chủ cho một nhóm ba sinh viên thuê, đi đi, về về học hành có vẻ nghiêm túc.
Tuy nhiên, sau đó một thời gian thì số lượng người ra vào căn hộ này ngày một nhiều lên. Cửa căn hộ này luôn đóng nên khó ai có thể biết được phía trong căn hộ đó đang diễn ra những gì.
Nhiều lần những hộ dân xung quanh thấy các cặp đôi trai gái đi ra đi vào căn hộ này nên có người nghi ngờ, liệu có tệ nạn ở trong đó hay không?
Có người báo bảo vệ nhưng được trả lời là người trong căn hộ đó không gây mất trật tự nên không can thiệp được.
Tìm hiểu từ ban quản lý chung cư, tôi được biết trong chung cư này rất nhiều chủ căn hộ không ở mà cho thuê.
Một thành viên ban quản lý cho biết ban quản lý chủ yếu chỉ nắm được chủ căn hộ hoặc những căn hộ nào đang được cho thuê, còn ai thuê, ở bao nhiêu người thì ban quản lý không thể kiểm soát nổi.
“Vấn đề kiểm tra hành chính, tạm vắng, tạm trú thuộc thẩm quyền của công an. Chỉ khi căn hộ nào mà ồn ào thì chúng tôi mới nhắc nhở, nếu nghi ngờ gì thì mới báo công an thôi” - thành viên ban quản lý này cho biết.
Cùng với việc không kiểm soát được người sống trong chung cư, lượng khách vãng lai vô ra thường xuyên cũng rất lớn mà việc kiểm soát dường như là không thể nên người xấu có thể trà trộn vào khu chung cư để thực hiện ý đồ bất minh. Có lần, tôi đang ngồi làm việc ở phòng khách thì có người đẩy cửa, thò đầu ngó vào trong.
Thấy tôi, người này vội lấy lý do “nhầm phòng” rồi nhanh chóng đi về phía cầu thang. Tôi chợt nhớ đã có nhiều hộ dân than phiền về chuyện kẻ gian tự động mở cửa căn hộ của người dân, nếu thấy vắng thì nhanh chóng “lượm nhặt” những vật dụng như laptop, điện thoại, ví... rồi nhanh chân tẩu thoát, còn nếu bị phát hiện thì lấy lý do “nhầm phòng”.
Chỉ hơn một năm đưa vào sử dụng, cụm chung cư nơi tôi ở đã xảy ra hơn 10 vụ mất an ninh (được chủ nhà báo với ban quản lý). Trong đó có 5 vụ mất xe SH, 1 vụ liên quan đến mua bán ma túy mà đối tượng chính là người từ nơi khác đến đây thuê nhà.
Đặc biệt, có lần kẻ gian đi bằng thang bộ, lên sân thượng, sau đó dùng hệ thống dây cứu hỏa đu xuống tầng 18 để đột nhập qua đường cửa lô gia đi vào căn hộ để trộm tài sản của gia chủ.
Người dân trong chung cư tôi ở đã lập đội tuần tra ban đêm nhằm giữ an ninh cho chung cư. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế.
Thiết nghĩ, để góp phần bảo đảm an ninh tại các khu chung cư, các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, cũng như kiểm soát chặt việc cho thuê căn hộ, đăng ký tạm trú, tạm vắng.
Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống “an ninh viên” ngay tại các tầng của tòa nhà để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa từ xa nguy cơ mất an ninh tại chung cư.
Không chỉ trộm cắp Bạn tôi ở một chung cư bậc trung khác đã từng bị trộm phá cửa vào nhà lấy nhiều tài sản lúc đi vắng. Nếu như tại các chung cư “tầm trung”, kẻ gian thường trà trộn, đột nhập để trộm cắp bởi lực lượng bảo vệ mỏng, hệ thống an ninh có phần hạn chế hơn, thì ở các chung cư cao cấp, các băng nhóm tội phạm, các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm... lại sẵn sàng bỏ tiền ra thuê căn hộ để hoạt động. Tội phạm ẩn náu trong các khu chung cư đã được các cơ quan chức năng cảnh báo, song để giải quyết triệt để thì quả là gian nan. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận