20/11/2013 10:35 GMT+7

Nối lại nhịp cầu

V.HÀ - NG.HÀ - H.GIANG
V.HÀ - NG.HÀ - H.GIANG

TT - Tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ mà còn là nhịp cầu quê hương. Người dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã mang trọng trách lớn lao của những người nối lại nhịp cầu để người xa quê tìm về cội nguồn.

Nk5zDI0q.jpgPhóng to
Một giờ học tiếng Việt ở Trường GĐ-Skola (Cộng hòa Czech) - Ảnh: nhà báo Diệu Linh cung cấp

Quê em ở đâu?

Chia sẻ với chúng tôi về giờ dạy để lại nhiều suy nghĩ nhất, cô giáo Nguyễn Thị Loan - giáo viên dạy học tại Cộng hòa Czech - kể lại: “Buổi học ấy tôi chọn chủ đề tìm chính xác nơi mình sinh ra trên bản đồ Việt Nam. Tôi treo lên tấm bản đồ Việt Nam gửi từ trong nước sang, rồi lần lượt gọi từng học sinh lên để các em chỉ địa danh quê mình. Một vài em tỏ ra thích thú khi lâu nay chỉ biết tên quê mà không hình dung nổi nằm đâu trên dải đất hình chữ S. Nhưng có em khi cô gọi lên bảng đã lắc đầu “không biết tên quê”. Tôi có cảm giác như tim mình nghẹn lại vì thương các em quá. Dù sống trên một đất nước đầy đủ hơn về nhiều mặt, nhưng sẽ thật bất hạnh nếu không biết đến cội nguồn, không hiểu gì về quê hương, nơi có thể giờ đây vẫn còn ông bà, người thân của mình”.

“Học sinh của tôi hầu hết khi tới lớp tiếng Việt đều không biết gì nhiều về quê hương ngoài cái tên “Việt Nam”. Những điều quá quen thuộc với trẻ em Việt Nam như tết, những trò chơi truyền thống, những món ăn dân dã Việt Nam... đối với các em học sinh của tôi đều xa lạ. Có thích thú, mong muốn hiểu về quê hương, về văn hóa Việt thì mới thích học tiếng Việt. Đồng thời, học tiếng Việt thì mới hiểu, mới yêu quê hương, yêu văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhưng ở nơi xa xôi khi những gì diễn ra xung quanh thuộc về xã hội hiện đại khác, khi cha mẹ các học sinh còn bận lo toan với cuộc sống thường nhật thì những người như chúng tôi phải tình nguyện là nhịp cầu” - cô Loan chia sẻ.

Trong câu chuyện “vận động học sinh học tiếng Việt ở Đức”, cô Nguyễn Thị Thanh Tâm - giáo viên Trường tiếng Việt Sao Mai - nhắc đi nhắc lại điều mà cô cảm nhận được: “Tôi rất thương những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình người Việt hoặc có một nửa Việt đang sống ở Đức. Với sự nỗ lực để hòa nhập xã hội Đức của nhiều người, những đứa trẻ thế hệ thứ hai không được nuôi dưỡng về văn hóa truyền thống. Nhiều đứa trẻ Việt Nam sống ở nước ngoài rất cô đơn trong gia đình mình vì không hiểu được ngôn ngữ của bố mẹ. Lớn lên thì hoang mang giữa hai nền văn hóa của hai đất nước. Nếu nhìn từ khía cạnh này thì dạy tiếng Việt còn là cách để tạo dựng một nền tảng cần thiết cho những đứa trẻ Việt có thể tự tin lớn lên ở một đất nước khác”.

Khi nói về điều này, ông Ngô Tiến Điệp - một nhà báo tự do tại Nga - cũng mô tả về một thực tế: phần lớn trẻ Việt được gửi cho các bảo mẫu người Nga nuôi từ khi bắt đầu chập chững biết đi. Khi đến tuổi đi học, trẻ Việt cả ngày ở trường, học nét ăn nét ở, nét sinh hoạt của người Nga. Về nhà, cha mẹ mải mưu sinh nên không dành nhiều thời gian gần gũi để chăm sóc, chỉ bảo thường xuyên cho con cái mình. Hậu quả là mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái, ông bà - cháu chắt trong gia đình ngày càng trở nên xa cách và các thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba xa dần với ẩm thực Việt, các nét văn hóa của Việt Nam. Ông Điệp lo lắng: “Những điều nhỏ bé ấy vô tình lấy đi của bọn trẻ chỗ dựa tinh thần vững chắc, trẻ cũng không có cảm giác thân thương, gắn bó với chính quê hương mình, để một ngày nào đó, khi đã trưởng thành, trẻ sẽ thấy cô đơn, trống rỗng và chênh vênh giữa nơi đất khách quê người”.

Còn cô Loan có niềm tự hào đặc biệt khi bản thân ba đứa con của cô, kể cả đứa út sinh ra trên đất Czech, đều nói tiếng mẹ đẻ rất chuẩn. “Có xa xứ mới hiểu hết cảm giác thèm khát được nói tiếng Việt và người nói chuyện với mình hiểu được những gì mình muốn nói” - cô Loan trầm ngâm. Ở Czech, một đứa trẻ 14-15 tuổi đã có quyền đóng cửa phòng không cho bố mẹ vào và pháp luật bảo hộ hành động đó, không ai được xâm phạm. Nhiều ông bố, bà mẹ đã rơi vào tình trạng bất lực nhìn con xa dần vòng tay mình. Có những người bạn của gia đình cô Loan, một người chuyên phiên dịch tiếng Việt trong nhà máy, nhưng các con lại không biết một chút tiếng Việt nào. Bi kịch hơn đối với những gia đình lao động, bố mẹ hạn chế về ngôn ngữ bản xứ, còn con thì không biết tiếng Việt, con càng lớn khoảng cách càng xa hơn.

W2jcX2if.jpg
Các em nữ sinh mặc áo dài, hát ca khúc Việt trong ngày khai giảng tại Prague - Ảnh: nhà báo Diệu Linh cung cấp

Từng bước nhỏ

“Làm thế nào để trẻ em Việt Nam ở nước ngoài thích học tiếng Việt?”. Trả lời câu hỏi này phải bằng những việc làm cụ thể, nhẫn nại của các thầy cô giáo dạy tiếng Việt ở xứ người.

Trò chuyện với chúng tôi trong chuyến về thăm nhà giữa tháng 11 này, cô giáo Thanh Hà - một giáo viên dạy múa của Trường Sao Mai (Đức) - tiết lộ: “Mình chỉ có hai tuần ở Việt Nam. Ngoài việc cá nhân, mình sẽ dành phần lớn thời gian còn lại ở quê nhà để tìm mua quần áo, phụ kiện mang sang Đức, thiết kế trang phục biểu diễn cho các em”.

Trong hành trang mang lên máy bay trở lại Đức, vali của cô Hà sẽ chật kín quần áo biểu diễn của học sinh. Nhưng số lượng trang phục quá lớn, khối lượng quá nặng nên cô Hà đang tìm kiếm sự trợ giúp từ đại sứ quán. Hoàn toàn không phải là người dư dả nhiều về tài chính, hằng ngày nơi xứ người, cô giáo của Trường Sao Mai vẫn cặm cụi đi làm kiếm sống, nhưng cô vẫn chắt chiu bỏ cả chục triệu đồng để mua đồ cho học sinh. Hóa ra làm thầy tiếng Việt nơi xứ người không phải chỉ dạy chữ là xong. Sự thẩm thấu văn hóa qua những điệu múa, câu ca thuần Việt là cách để các cô giáo Trường Sao Mai kéo học sinh đến gần với niềm yêu thích tiếng nước mình.

“11 năm dạy học ở Việt Nam rồi nhưng những buổi đầu tới lớp dạy tiếng Việt ở Czech, tôi đã chỉ biết đứng run. Lớp có mười mấy học sinh, có em mắt xanh, tóc vàng, có em trông thuần Việt nhưng hầu hết đều bất hợp tác với cô giáo. Có một học sinh đã òa khóc khi thấy cô giáo và cứ khóc suốt cả buổi. Ở một góc khác, một học sinh ngồi nhìn tôi với ánh mắt lạnh lùng, thiếu thiện cảm. Có em mang chó tới lớp. Có em cả buổi chỉ mải chơi với... chuột. Không thích học tiếng Việt, đến vì tò mò, bị bố mẹ bắt học nên cảm thấy ấm ức, căng thẳng... Vào thời điểm đó thật sự tôi thấy rất hoang mang. Tôi không biết mình sẽ phải làm gì, liệu tôi có thể làm được không?” - cô Loan bộc bạch.

Trả lời câu hỏi của chính mình, cô Loan đã cho chúng tôi xem những bức ảnh biết nói. Đó là hình ảnh cô trò chụp chung, cùng múa hát, trò chuyện, tham gia các hoạt động vào dịp lễ, tết. Cô Loan vui vẻ chỉ vào ảnh: “Cô bé này hồi trước mang chuột tới lớp đây... Còn đây là em học sinh ngồi “lườm” tôi suốt giờ học đầu tiên khiến tôi run rẩy”. “Có em học sinh từng “nói không” với kỳ nghỉ hè về Việt Nam mà bố mẹ sắp đặt, chỉ thích đi Ý, Hà Lan và bố mẹ em đó đã phải nhờ tôi thuyết phục. Sau khi nói chuyện nhiều lần với cô giáo, em đã đồng ý về Việt Nam. Hành trình trở về chính là hành trình lớn lên. Khi quay trở lại Czech, em đã hoàn toàn khác khi líu lo kể chuyện “quê mình”. Em này sau đó đã đến lớp bằng sự tự nguyện và yêu thích thật sự thứ tiếng của quê hương mình.

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:

__________

Kỳ tới: Một đề án dở dang

V.HÀ - NG.HÀ - H.GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên