“Chính tôi cũng rất giận tôi khi like vô cảm” - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Chính tôi cũng rất giận tôi
Nói đi cũng phải nói lại, chính tôi cũng rất giận tôi hay những bạn trẻ đã cho đi những nút like vô cảm, tiếp thêm “động lực” cho những hành động “nói là làm... kỳ quái”.
Bản thân tôi cũng đã ấn những nút like. Vì sao vậy? Tôi like chỉ vì “chắc là một trò nhảm nhí nào đó, thôi kệ, mình cứ like xem sao”. Còn bạn bè tôi có chung một ý: “Like cho bỏ tức, cho những người đó thỏa lòng mong muốn. Mình chỉ bấm like thôi chứ mình có bị ảnh hưởng gì đâu mà sợ?”. Bấm like cho những hành động như vậy, càng nguy hiểm, càng ngu ngốc bao nhiêu thì số lượng like càng nhiều.
Bản chất của nút “like” trên Facebook chứng tỏ sự đồng tình, thích thú, ủng hộ hay là sự đồng cảm, sẻ chia. Nhưng lâu dần nó đã bị biến tướng thành một sự vô cảm, vô cảm đến đáng sợ. Vì thực tế những người bấm like cho những điều ấy có chịu trách nhiệm gì, có bị ảnh hưởng gì đâu. Còn những người thách thì cuối cùng họ lại làm thật...
Chỉ vì người lớn
Nhiều nhà tâm lý cho rằng đây là cái giá của lối sống ảo. Tôi nghĩ đó không phải là cái tội của trẻ con. Ai cũng phải qua những thời ngông cuồng, ngu dại để rồi tới khi khôn lớn. Ai cũng từng bốc đồng, “khùng điên” để rồi mới chín chắn, điềm tĩnh được. Ai cũng từng mò mẫm đi tìm sự công nhận của cộng đồng, ai cũng muốn được khẳng định, muốn được có cảm giác thuộc về.
Ngày xưa khi chưa có Internet cũng chẳng thiếu những trò ngông như trêu chó, giả ma giả quỷ, thách nhau đi ăn trộm trái cây, thách nhau bơi qua sông, thậm chí có nguy cơ chết người. “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”. Các trò lố càng nguy hiểm khi kèm với đó là áp lực của đám đông.
Ở nhiều nước, học sinh ngay từ tiểu học đã tổ chức tranh cử lớp trưởng, tự đề ra chiến lược hoạt động, xây dựng các dự án, giăng poster, tổ chức diễn thuyết... để chinh phục bạn bè.
Các bạn có rất nhiều cuộc thi, rất nhiều sân chơi để thể hiện mình. Bạn học giỏi thì thi học, bạn hát hay thì thi hát, nhảy giỏi thì thi nhảy, đá bóng, đá cầu giỏi thì thi đá bóng đá cầu, làm mô hình, tổ chức hội chợ, buôn bán, quyên góp, thi đọc sách ở nhà.
Lâu nay các cuộc thi của chúng ta chỉ là tạo sân chơi cho trò ngoan trò giỏi. Thế nên những bạn học kém sẽ chẳng biết khẳng định mình bằng cái gì ngoài trò lố!
Nhìn hình ảnh cô bé vật vã trong đám cháy, tôi thấy có lỗi. Người lớn thật sự đã ở đâu? Đã không có mặt thì xin đừng chửi nữa. Tụi nó đang muốn được chú ý, tụi nó đang thử các giới hạn, càng chửi thì tụi nó tưởng hiệu quả lại càng làm. Và biết đâu có thể chính các bé con ngoan trò giỏi lại đã góp vào một like đẩy nó tới chỗ đó.
Like những cái xấu, những cái dại dột cũng là một trò độc ác. Cũng như teen đã like Lệ Rơi, đã like Kenny Sang và tuần này đang like Tùng Sơn - công chúa Thủy Tề.
Tôi tìm lại cuốn Totto Chan, cô bé bên cửa sổ, tìm đọc lại thầy hiệu trưởng tổ chức ngày thể thao. Thầy hiệu trưởng tự nghĩ ra những trò như Đua cá chép, Đua tìm mẹ, chạy tiếp sức lên những bậc cầu thang thấp... những môn thi đặc biệt để cậu Takahashi - cậu học trò khuyết tật - vẫn có thể giành giải nhất, xóa đi mặc cảm, tự tin vào bản thân.
Chúng ta cần gấp những sân chơi mà trong đó trẻ em nào cũng có thể tham gia, những trò đúng chất trẻ con thú vị, ồn ào, náo nhiệt, giải tỏa năng lượng và ai cũng có cơ hội đoạt giải.
Như căn phòng tối chỉ vì chúng ta chưa bật điện, những trò nhảm được diễn ra, còn được tung hô chỉ vì chúng ta chưa có những cuộc chơi thú vị và hấp dẫn cho trẻ con. Lỗi này ở người lớn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận