Phiên trả lời chất vấn của Thủ tướng ngày 18-11 đã gây nhiều ấn tượng khi người đứng đầu Chính phủ kêu gọi doanh nghiệp hãy nói không với hối lộ. Nhưng gắn với đó, cũng cần một cơ chế ràng buộc để cán bộ, công chức nói không với tham nhũng.
Tuần trước, đại diện quản lý vùng của một doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài than phiền chuyện cán bộ công chức ngày càng nhũng nhiễu.
Chị kể câu chuyện đi làm thủ tục xin chuyển đổi địa điểm kinh doanh cho một chi nhánh công ty tại Hà Nội.
Dù đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ liên quan, do các luật sư nhiều kinh nghiệm soạn thảo, nhưng đi mất "5 lần 7 lượt", vị cán bộ của sở nọ vẫn cứ yêu cầu chị phải "làm lại". Sốt ruột trước thời hạn phải hoàn thành các giấy tờ vào giữa tháng để nộp về công ty mẹ ở nước ngoài và kịp chuyển đổi địa điểm, chị đành phải "nói khó" để vị cán bộ của sở nọ giúp đỡ.
"Tôi đã nhận được một dòng ghi tay bằng bút chì của chính vị cán bộ kia với nội dung "bồi dưỡng". Khi đọc xong, tôi hiểu ra, liền mang bộ hồ sơ ra ngoài và kẹp vào đó tờ 200.000 đồng đưa cho cán bộ" - chị kể lại và cho biết ngay sau đó các thủ tục của chị đã được giải quyết rất nhanh gọn.
Là người gắn bó với doanh nghiệp nhiều năm, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng, nói rằng rất thường xuyên nghe doanh nghiệp kể lại chuyện "tham nhũng vặt" như trên.
Điều lo ngại hơn là tình trạng doanh nghiệp phải hối lộ quan chức diễn ra ngày càng phổ biến, với mức độ gia tăng ở nhiều lĩnh vực.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên chất vấn ngày 16-11 cũng phải thừa nhận có tới 35% doanh nghiệp "đi đêm" với cán bộ ngành thuế, hải quan.
Trong bối cảnh ấy, những yêu cầu, thông điệp và đặc biệt là các văn bản mà Thủ tướng đưa ra về cải thiện môi trường kinh doanh là hết sức có ý nghĩa.
Lần đầu tiên nghị quyết 19/2017 được nhìn nhận là "điển hình" và "chưa có nghị quyết nào dài đến thế", quy định cụ thể công việc phải làm cho từng bộ, ngành và địa phương.
Khi Thủ tướng phải "cầm tay chỉ việc", những việc mà lẽ ra các bộ, ngành và địa phương phải biết "xấu hổ" để tự làm, càng thấy rõ hơn tình trạng "trên nóng dưới lạnh".
"Cần phải có cơ chế ràng buộc, giám sát chặt việc cán bộ nói không với tham nhũng, bên cạnh việc kêu gọi doanh nghiệp nói không với hối lộ"
Bà Phạm Chi Lan
Tất nhiên gắn với đó, cần phải minh bạch thông tin, ứng dụng công nghệ để giảm tiếp xúc cán bộ với doanh nghiệp, làm rõ trách nhiệm giải trình của các cấp, các ngành.
Đặc biệt, phải có cơ chế để các cơ quan nhà nước tăng cường giám sát lẫn nhau, kiểm soát và ngăn chặn hữu hiệu tình trạng cán bộ tiêu cực, nhũng nhiễu thì việc nói không với hối lộ mới đạt kết quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận