Camavinga (phải) chỉ là một trong số rất nhiều tài năng trẻ của bóng đá Pháp hiện tại - Ảnh: Reuters
Đã thành thông lệ, ngay sau thất bại, những chỉ trích và tranh cãi sẽ đổ ập đến với bóng đá Pháp.
Luôn là vấn đề sắc tộc
Ở Euro 2020, sự bất ổn trong phòng thay đồ thể hiện mồn một trên sân bóng khi các cầu thủ (và phụ huynh của họ) quay sang chỉ trích nhau. Còn tại World Cup 2022 là những góc khuất xoay quanh Benzema - người vừa thông báo giã từ tuyển Pháp.
Nhà báo Romain Molina mới đây bất ngờ tiết lộ nội tình xoay quanh quyết định của Benzema. Theo ông Molina, Benzema gặp chấn thương không quá nặng, và có thể ra sân từ giai đoạn cuối vòng bảng. Nhưng HLV Deschamps là người đã yêu cầu Benzema rời đội tuyển, và ông được hậu thuẫn bởi đội ngũ y tế của tuyển Pháp.
Một số "anh cả" trong đội Pháp như Lloris và Griezmann cũng được cho là không muốn Benzema góp mặt vì sợ ảnh hưởng đến vai trò thủ lĩnh của họ.
Sự bất đồng giữa Benzema và Deschamps là chuyện ai cũng biết. Benzema từng thẳng thừng chỉ trích HLV Deschamps vì đã "chính trị hóa" bóng đá khi không triệu tập anh tham dự Euro 2016. Trong khi đó, HLV Deschamps luôn lảng tránh những câu hỏi xoay quanh Benzema. Benzema có lẽ đã nói đúng từ khóa nhạy cảm khi chỉ trích Deschamps rằng ông chính trị hóa bóng đá.
Trong những thông tin Molina tiết lộ, dễ dàng hình dung về phe phái chống lại Benzema - một người gốc Algeria. Đó là Deschamps, Griezmann cùng Lloris - những người Pháp da trắng. Ở Euro 2020, mẹ Rabiot đã xô xát với gia đình Pogba, Mbappe, trong khi Pavard cãi nhau với Varane. Lằn ranh chung của tất cả các mâu thuẫn đó là màu da.
Sự tôn trọng dành cho bóng đá Pháp
Sau trận chung kết World Cup, vấn đề phân biệt chủng tộc lại một lần nữa xuất hiện. Kingsley Coman, người đá hỏng quả luân lưu thứ hai của tuyển Pháp trở thành nạn nhân. Câu nói nổi tiếng của Ozil bốn năm trước được khơi dậy: "Khi thắng, họ xem tôi là người Đức. Còn khi thua, tôi trở lại thành kẻ nhập cư".
Vấn đề sắc tộc của Pháp luôn là vấn đề nổi cộm. Trong trận chung kết, HLV Deschamps bị đẩy vào tình cảnh phải thay gần như toàn bộ dàn cầu thủ da trắng gồm: Giroud, Rabiot, Griezmann, Theo Hernandez và đưa vào những cầu thủ da màu to khỏe như Kolo Muani, Camavinga, Thuram, Fofana... nhằm cứu vãn tình thế. Nếu Pháp lên ngôi vô địch, báo giới sẽ dùng nhiều bút mực để ca ngợi chi tiết này.
Nhưng vì Pháp thất bại, những hình ảnh đáng buồn lại xuất hiện. Đi kèm đó là sự mai mỉa - tuyển Pháp lúc này liệu có thực sự là một đội bóng của người Pháp hay không?
Nhìn từ góc độ bóng đá, Pháp xứng đáng nhận được nhiều lời ngợi khen hơn là chê bai. Có đến 59 cầu thủ dự World Cup 2022 được sinh ra (và hầu hết cũng trưởng thành) tại Pháp. Chỉ 40% trong số đó khoác áo tuyển Pháp, còn lại, họ chơi cho Senegal, Tunisia, Cameroon, Ghana, Morocco...
Sự tiến bộ của các đội châu Phi ở World Cup 2022 một phần dựa vào hệ thống đào tạo bài bản mà các cầu thủ kiều bào của họ được thừa hưởng từ người Pháp.
Bóng đá Pháp sẽ không bao giờ thoát khỏi những rắc rối của một đội tuyển đa sắc tộc, nhưng mặt khác, họ cùng với Brazil sẽ luôn là một trong hai nền bóng đá lớn của thế giới.
Tại World Cup 2022, Pháp là một trong ba đội bóng có tổng giá trị đội hình trên 1 tỉ euro (cùng với Anh và Brazil). Transfermarkt đưa ra thống kê về đội hình mở rộng của họ, bao gồm thêm những cầu thủ được triệu tập trong năm 2022 nhưng không dự World Cup và người Pháp lại càng dẫn đầu về con số này.
Tổng giá trị của nhóm 14 cầu thủ này - trong đó có những cái tên nổi bật như Nkunku, Moussa Diaby, Ferland Mendy lên đến gần 500 triệu euro. Và gần một nửa trong số họ từ 23 tuổi trở xuống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận