25/09/2020 08:32 GMT+7

Nỗi khao khát của Chi

DOÃN HÒA
DOÃN HÒA

TTO - Cô gái đó muốn nghỉ học để chăm người mẹ đau ốm triền miên nhưng cũng khát khao được bước vào giảng đường và viết tiếp ước mơ của mình, không để cuộc đời mình cơ cực như mẹ.

Nỗi khao khát của Chi - Ảnh 1.

Linh Chi sợ khi mình đi học xa nhà thì không ai lo cho mẹ già - Ảnh: DOÃN HÒA

Đó là bạn Nguyễn Thị Linh Chi - cựu học sinh Trường THPT Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), vừa đạt 27,25 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

Éo le

Bão số 5 về. Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp ở thôn Bình Minh, xã Trung Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) hai mẹ con Chi thay nhau đưa xô, chậu để hứng nước mưa qua những mái ngói thủng lỗ chỗ. Gió rít từng hồi qua khe cửa, hai mẹ con Chi ôm nhau co ro ở góc giường chờ bão tan.

"Nhiều tuần nắng hạn, nhà không có giếng tôi phải đi xin nước của bà con quanh xóm về dùng. Cũng nhờ trận mưa từ cơn bão này mà mấy hôm tới mẹ con tôi tạm thời sẽ không còn lo thiếu nước nữa" - bà Hoàng Thị Huệ, 58 tuổi, mẹ Chi, nói.

Sinh con trai đầu lòng bình yên được hơn một năm thì con mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời. Bà liên tiếp 6 lần mang thai và cả 6 lần đều không giữ được. Đến lúc có bầu lần thứ 8, may mắn mỉm cười với bà khi 7 tháng đầu thai an toàn.

Đến 8 tháng thì buộc phải mổ non để cứu mẹ và con. Cái tên Linh Chi mà bà đặt cho con để gửi gắm mong ước rằng con gái sẽ lớn lên nhanh nhẹn, thông minh và gặp nhiều may mắn.

Sinh thiếu tháng, Chi đau yếu từ nhỏ. Biến cố ập đến gia đình khi Chi lên 5 tuổi cũng là lúc chồng bà Huệ đột ngột qua đời. Gian nhà nhỏ rộng chừng 15m² chỉ đủ kê bộ bàn ghế và chiếc giường, cũng là nơi hai mẹ con Chi ở nhờ trên mảnh đất của nhà nội trong nhiều năm qua.

Cuộc sống hai mẹ con Chi chủ yếu dựa vào đồng lương giáo viên mầm non ít ỏi của bà Huệ. Mấy năm gần đây, do sức khỏe yếu, bà Huệ đành cho người bà con trong thôn làm hộ hai sào ruộng khoán.

Học để thay đổi đời mình

Thiếu vắng tình thương của cha, thấu hiểu nỗi vất vả của mẹ, Chi rất ngoan ngoãn, nỗ lực vươn lên trong học tập. Suốt 12 năm học Chi luôn là học sinh giỏi. Bà Huệ kể, thi vào lớp 10 Chi đạt điểm cao vào lớp chọn của trường.

Thế nhưng, năm đó Chi về nhà nói với bà rằng: "Hay là con xin xuống lớp thường, chứ học ở lớp chọn thì áp lực hơn, mẹ cũng không có tiền cho con học thêm như các bạn".

Thấy con ham học, bà Huệ trăn trở bao nỗi âu lo. "Con phải ráng học để sau này thay đổi đời mình", bà Huệ dặn con.

Bà Huệ dè sẻn mọi chi tiêu trong gia đình để lo cho con đến trường cùng bạn bè. Có lúc đau ốm, kiệt sức vì nắng bà cũng không dám đi viện. Không có tiền học thêm, Chi xin sách các anh chị khóa trước để ôn luyện bài. Có những đêm khuya 1-2 giờ sáng, bà Huệ vẫn thấy con chong đèn học.

"Mình thương mẹ cực nhọc, vất vả", Chi nhớ lại. Thương mẹ bao nhiêu, Chi dặn lòng mình không được gục ngã. Bên góc tường treo kín giấy khen là những tờ giấy Chi tự viết "Học để thay đổi đời mình", "Học để giúp mẹ".

Hôm nhận giấy báo điểm, trong lòng cô gái 18 tuổi xen lẫn cảm giác buồn vui. Chi vui vì những nỗ lực học tập không ngừng nghỉ của mình đã thành hiện thực nhưng cô buồn bởi nghĩ đến hoàn cảnh gia đình liệu rằng mình có tiếp tục đến giảng đường hay không?

Trước ngưỡng cửa cuộc đời, lòng Chi rối bời. Thấy con bưng mặt khóc ở góc nhà, bà Huệ gặng hỏi thì Chi nghẹn ngào nói: "Con đạt điểm cao để xét tuyển vào đại học rồi mẹ ơi. Nhưng nhà mình nghèo quá, mẹ lại đau yếu nữa, chắc con phải dừng bước thôi mẹ...".

Khi được hỏi ước mơ của mình, ánh mắt Chi tràn đầy hi vọng. "Mình ước mơ sẽ trở thành một người làm nghề thầy thuốc, chữa bệnh cho mọi người, nhất là những người nghèo", Chi tâm sự.

Thầy cô cùng tiếp sức

Hành trình đến giảng đường của Chi không còn đơn độc. Những ngày này, biết tin cô học trò nghèo, mồ côi cha đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, các thầy cô và bà con hàng xóm đến để động viên, chia sẻ niềm vui với hai mẹ con bà Huệ.

Những món quà nhỏ nhằm "tiếp sức" cho Chi có thêm tiền nhập học và trang trải chi phí ban đầu khi bước vào giảng đường.

Cô Nguyễn Thị Hoa - giáo viên chủ nhiệm của Chi - chia sẻ: "Hoàn cảnh của Chi rất éo le và gia đình khó khăn, nhưng ở em luôn có khát khao, nỗ lực trong học tập.

Nhà trường cũng đang phát động các giáo viên, cựu học sinh để tiếp sức cho Chi đến giảng đường đại học, thực hiện ước mơ của mình".

Tân sinh viên khó khăn hãy gọi Tuổi Trẻ

1.000 suất học bổng "Tiếp sức đến trường" thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ dành cho tân sinh viên hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển đại học, cao đẳng năm học 2020-2021 trị giá 10 triệu đồng/học bổng và suất đặc biệt là 15 triệu đồng.

Báo Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên học giỏi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời, qua địa chỉ email: [email protected] hoặc điện thoại: 0283.997.3838.

Bạn đọc có thể đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện học tập... cho tân sinh viên, giúp các bạn vững tin trong học tập.

Kinh phí học bổng chuyển về: Phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực.

Chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".

CÔNG TRIỆU

17 năm học bổng Tiếp sức đến trường: 17 năm học bổng Tiếp sức đến trường: 'Mẹ ơi, con đậu đại học'

TTO - Mùa Vu lan, Sâm ngồi trên chiếc giường đối diện bàn thờ của mẹ, cậu gói ghém sách vở vào những thùng giấy, chuẩn bị cho hành trình mới ở TP.HCM dự báo đầy chông gai sắp đến - những ngày ở giảng đường.

DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên