TTCT - Lần sau nếu Quốc hội họp, có lẽ phải ra luật cấm một số nhân vật lên tiếng. Tranh: Lê Thiết Cương Lần sau nếu có người bạn nước ngoài nào phàn nàn với bạn rằng ở Việt Nam thú vật thường bị ngược đãi, thì bạn có thể tự tin trả lời họ rằng: Hiểu lầm thôi. Ở Việt Nam dự thảo Luật thú y còn được góp ý nhiều hơn cả Luật trẻ em.Chúng ta có nói ít không? Câu trả lời rất khó là không. Đôi năm trước, cả xã hội mạng ở Việt Nam sôi sục vì một cuốn sách du ký của một cô gái trẻ. Hàng chục nghìn người tham gia tranh biện xem cuốn sách ấy có bao nhiêu phần sự thật, thậm chí có người “nhân danh công lý” để “đấu tranh”. Tuần trước, lại xuất hiện cả vạn nhân vật khác, những người tự gọi mình là “các mẹ bỉm sữa”, đấu tranh đòi các công ty phải cắt hợp đồng với một cô người mẫu dính xìcăngđan. Các "mẹ" nhân danh thuần phong mỹ tục và phẩm giá người phụ nữ Việt Nam quyết loại trừ cô này khỏi đời sống truyền thông. Không ít những ví dụ như thế xuất hiện hằng ngày. Bất kỳ chủ đề gì cũng có thể thu hút hàng vạn người tham gia bàn luận, từ phát biểu của một người mẫu cho đến hành động kỳ quặc của một thanh niên vô danh.Cũng khó mà nói rằng những việc đó là không quan trọng. Có thể nhiều người cho rằng một quyển sách hay một cô ca sĩ có thể đầu độc trí tuệ và phẩm giá đám đông. Nhưng dù sao thì những tác động đó (nếu có) chỉ xuất phát từ các suy luận. Có những thứ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn, thậm chí là hàng triệu người, lại dễ dàng bị bỏ qua. Đấy là những chính sách. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu các cơ quan phải lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành. Sẽ có người tặc lưỡi: “Lấy rồi có nghe đâu”. Nhưng vấn đề cốt lõi ở đây là có khi chẳng ai cho ý kiến, tức là cái giả thiết “Lấy rồi không nghe” cũng vẫn còn là một viễn cảnh tươi sáng bội phần hơn thực tại. Dự thảo Luật báo chí nằm trên website của Bộ Thông tin và truyền thông được gần hai tháng để chờ lấy ý kiến nhân dân. Chưa thấy có ý kiến nào. Tất nhiên là các báo đài vẫn đăng tin, vẫn phân tích, nhưng dường như đó là cuộc bàn luận nội bộ của (một bộ phận) báo chí. Chứ đối tượng hưởng thụ, chịu tác động chính ở đây là độc giả thì hình như không có nhu cầu lên tiếng. Ở trường hợp này không thể trách giới truyền thông. Dự thảo luật báo chí được đăng tin trên báo đài nhiều hơn là tin cô ca sĩ ở trên dính xìcăngđan, có cả những phân tích bất cập. Cũng không thể trách các mẹ bỉm sữa nếu họ quan tâm đến ca sĩ và phẩm giá phụ nữ hơn Luật báo chí. Nhưng xã hội đáng ra phải phong phú và đa dạng hơn là chỉ có “các mẹ” lên tiếng. Hãy nhìn trang dự thảo online của Quốc hội. Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật dân sự được quan tâm nhất, lần lượt có 21 và 17 ý kiến đóng góp từ người dân. Luật tổ chức chính quyền địa phương nhận được 9 ý kiến. Sau đó đến Luật thú y với 4 ý kiến. Sức khỏe gia súc, gia cầm và thú nuôi có vẻ tương đối quan trọng. Nhưng xếp sau thú y là Luật trẻ em với 2 ý kiến. Mà đáng ngại là dự thảo Luật trẻ em đã được đưa ra từ năm 2012 đến nay, còn Luật thú y mới được đưa lên từ ngày 25-5. Chúng ta nói không ít. Cũng không phải là quá thiếu thông tin, các dự luật trước khi đưa ra vẫn được đăng tin trên báo đài rất nhiều. Nhưng một cơ chế nào đó đã hút cái kim chỉ nam của la bàn về hướng những tin tức thị phi.Lần sau nếu Quốc hội họp, có lẽ phải ra luật cấm một số nhân vật lên tiếng bao gồm một vài ca sĩ, người mẫu, diễn viên. Họ cứ lên tiếng hoặc thậm chí lầm lũi đi ăn với tình nhân mà không chịu lên tiếng là cả mấy vạn người chạy theo, không cần biết ngày mai có chính sách gì áp lên đầu mình hay con cái mình. Vấn đề bây giờ không phải là lỗi tại ai, cái gì đã tạo nên sự thờ ơ này. Mà vấn đề là chuyện này thay đổi rất dễ. Với công cụ tân tiến bây giờ, chính cái công cụ mà nhiều người đang dùng để nói về ca sĩ, người mẫu có thể tạo nên luồng ý kiến và tác động vào chính sách. Xã hội tất nhiên còn nhiều điều để lên tiếng, khẳng định đẳng cấp và phẩm giá người phụ nữ Việt Nam, để nói về những ước ao tốt đẹp cho trẻ em cần được luật hóa. Nếu có ai trách cứ rằng báo chí không đăng tải thì đây, duthaoonline.quochoi.vn là nơi đăng những dự thảo có thể sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta trong nay mai. Nói gì đi chứ? Tags: Dự thảo luậtGóp ý luậtLên tiếng
10.500 drone vẽ hành trình phát triển thành phố trên bầu trời sông Sài Gòn THANH HIỆP 28/04/2025 Đông đảo người dân TP.HCM đổ về khu vực trung tâm để theo dõi màn tổng duyệt đầu tiên của màn trình diễn 10.500 drone chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thứ trưởng Bộ Công an: Dự kiến bố trí mỗi xã 30 - 60 cán bộ công an xã sau sáp nhập THÀNH CHUNG 28/04/2025 Theo Trung tướng Nguyễn Văn Long, đơn vị công an cấp xã sẽ giảm 60 - 70% so với hiện nay. Tùy theo quy mô, dự kiến bố trí mỗi xã 30 - 60 cán bộ công an xã.
Mất điện làm tê liệt Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nhiều người kẹt trong thang máy THANH BÌNH 28/04/2025 Sự cố mất điện trên diện rộng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha làm gián đoạn hoạt động hàng không, ảnh hưởng đến một số chuyến bay.
Phóng viên chiến trường: Chúng tôi có tình cảm rất đặc biệt với đất nước này BÌNH MINH 28/04/2025 Chiều 28-4, đoàn phóng viên tham gia Tuần lễ báo chí nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) đã có buổi gặp mặt lãnh đạo thành phố.