Hiện nay trên các tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe vào khung giờ cao điểm sáng, chiều, dễ thấy tình trạng đi ngược chiều để vượt lên.
Cứ kẹt xe là đi ngược chiều
Như các tuyến đường Nguyễn Văn Tăng, Nguyễn Xiển, Lã Xuân Oai tại thành phố Thủ Đức thường xuyên xảy ra ùn tắc, người đi ngược chiều thành đoàn dài.
Ba tuyến đường này dẫn vào Khu công nghệ cao, dẫn ra khu vực trung tâm thành phố Thủ Đức hoặc đi các quận, huyện khác nên mỗi buổi sáng các xe thường ùn tắc ở hướng đi ra, còn hướng ngược lại thông thoáng hơn.
Do không có dải phân cách nên thường xuyên xảy ra tình trạng người đi hướng ra lấn qua làn đường chiều ngược lại. Người này thấy người kia lấn cũng bắt chước đi theo, biến con đường hai chiều thành đường một chiều.
Còn những người đi hướng vào mặc dù đang đi trên làn đường của mình nhưng phải đi nép sát vào lề, thậm chí leo lề vì làn đường đã bị lấn gần hết.
Chị Ngọc Hoa (sống trên đường Nguyễn Văn Tăng) cho biết buổi sáng người dân đổ ra đường Nguyễn Văn Tăng để đi về đường Lê Văn Việt rất đông. Do trên đường này có một trường THPT, buổi sáng lực lượng của phường Long Thạnh Mỹ thường điều tiết để các thầy cô, học sinh đi từ Lê Văn Việt rẽ trái vào trường nên các xe từ bên trong đi ra phải dừng lại nhường.
Do lượng xe quá đông nên dẫn tới cảnh ùn tắc kéo dài, từ đó nhiều người thấy làn chiều ngược lại đang trống xe nên lấn qua.
"Ở đây sáng nào cũng kẹt xe, có hôm cả tiếng đồng hồ chưa đi hết đoạn đường gần 2km này. Sáng thì kẹt hướng đi ra, chiều người dân đổ về thì kẹt hướng đi vô", chị Hoa nói.
Tương tự, một số tuyến đường trong nội thành như: Phan Văn Trị, Nguyễn Văn Đậu, Lê Quang Định (quận Bình Thạnh), Đinh Tiên Hoàng, Lê Duẩn (quận 1)… cũng thường xuyên xảy ra tình trạng nhiều xe máy lấn qua làn đường chiều ngược lại mỗi khi bị ùn tắc.
Thậm chí một số đoạn đường có cả dải phân cách như: Hai Bà Trưng (quận 1), Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) nhiều người cũng cố băng lấn qua rồi chạy sát dải phân cách vượt lên. Có hôm đoàn xe đi ngược chiều gặp phải ô tô đang đi tới nên đành quay đầu về lại làn của mình.
Trên các tuyến đường như: Nguyễn Thị Minh Khai, Trương Định (quận 1) hay đường Vĩnh Hội, Tân Vĩnh (quận 4)… nhiều xe máy cố tình lấn làn, đi ngược nhiều chỉ để nhanh hơn vài giây.
Không riêng giờ cao điểm, tình trạng đi ngang về tắt diễn ra bất kể thời điểm nào trong ngày, càng gây nên tình trạng mất an toàn giao thông qua các khu vực này.
Tại các tuyến đường có đường ray xe lửa cắt ngang như: Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ... nhiều người không muốn xếp hàng phía sau để chờ tàu mà đi qua làn đường chiều ngược lại rồi vượt lên đứng sát đường ray.
Đợi khi tàu đi qua rồi, nhân viên kéo gác chắn lên thì họ là những người được đi đầu tiên.
"Mỗi lúc đi lấn đường mình cũng sợ va chạm hoặc sợ bị phạt. Nhưng đường kẹt quá, ai cũng chen nhau nên mình cứ vượt được đoạn nào hay đoạn đó. Chứ cứ nhích hoài là trễ giờ làm" - anh Phạm Tĩnh (ngụ quận Phú Nhuận) phân bua.
Còn chị Thu Hoài (ngụ quận Gò Vấp) cho rằng đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) quá nhỏ, buổi sáng có hàng ngàn phương tiện đổ ra hướng Phạm Văn Đồng, còn hướng từ Phạm Văn Đồng vào đi ít nên đoạn nào đi lấn được sẽ có nhiều người lấn, nhất là lúc dừng đèn đỏ.
"Mình làm ở Thủ Đức nên không còn đường nào khác để đi, buộc phải đi đường Phan Văn Trị. Công ty chấm công bằng dấu vân tay, ai đi trễ sẽ bị phạt vào tiền lương tháng đó. Vậy nên tranh thủ đoạn nào lấn được thì lấn, miễn đừng gây tai nạn" - chị Hoài nói.
Đi ngược chiều vì... lười biếng
Một số đoạn đường người chạy xe máy đi ngược chiều đã thành "truyền thống" nhiều năm nay, như xa lộ Hà Nội đoạn trước khu du lịch Suối Tiên, quốc lộ 1 đoạn từ Đại học Nông Lâm về Đại học Quốc gia TP.HCM, quốc lộ 1 trước chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.
Từng tốp người đi xe máy chạy ngược chiều bất chấp nguy hiểm, bất chấp xe buýt ra vào để đón trả khách.
Anh Vũ Thanh (29 tuổi) kể mỗi ngày đi làm về ngang qua trước cổng khu du lịch Suối Tiên đều phải tìm cách né những người đang lao ngược chiều tới.
Theo anh Thanh, muốn đi đúng họ phải vòng lên cầu vượt trạm 2 rồi quay đầu lại với một đoạn đường dài hơn 500m, còn đi ngược chiều chỉ khoảng 200m. Chính vì vậy nhiều người chọn cách đi ngược chiều cho nhanh.
"Mấy tháng qua người ta đang làm cầu bộ hành, đường bị bóp lại. Giờ tan tầm xe chen chúc nhau mà còn phải né thêm mấy người đi ngược chiều" - anh Thanh bức xúc.
Trước chợ đầu mối nông sản Thủ Đức hầu như lúc nào cũng có dòng xe đi ngược chiều.
Ông Minh Tùng (60 tuổi) chạy xe ôm khu vực này cho hay muốn từ quốc lộ 13 tới trước chợ đầu mối thì phải vòng lên cầu vượt Gò Dưa rồi quay đầu lại. Đi xa nên nhiều người làm biếng, chọn đi ngược chiều gần hơn.
Theo ông Tùng, cảnh sát giao thông thường xuyên đứng xử phạt xe đi ngược chiều ở đoạn này, nhưng thấy có cảnh sát giao thông thì nhiều người xuống dắt bộ hoặc quay đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận