"Nội địa hóa" thị trường carbon

HỒNG VÂN 20/04/2024 05:45 GMT+7

TTCT - Các thị trường carbon thế giới đều đang diễn ra sôi động. Song song đó, nhiều quốc gia cũng đang khẩn trương chuẩn bị cho thị trường carbon nội địa.

Ảnh: CARBON REGISTRY

Ảnh: CARBON REGISTRY

Xét theo nghĩa rộng nhất, có hai thị trường carbon chính: bắt buộc và tự nguyện, lần lượt được định giá là 800 tỉ USD và 2 tỉ USD hồi năm 2021, theo một báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Ecosystem Marketplace (Mỹ). 

Thị trường bắt buộc được hình thành bởi chính phủ các quốc gia hay các tổ chức liên chính phủ, quản lý thông qua quy định, chính sách và pháp luật nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Một trong những hình thức thị trường carbon tự nguyện phổ biến nhất là ETS - hệ thống trao đổi phát thải theo nguyên tắc cap-and-trade (mức trần và giao dịch phát thải). Hình thức còn lại là thu thuế carbon.

Với mô hình ETS, trong phạm vi quốc gia, các doanh nghiệp - thường là công ty hoạt động trong ngành phát thải cao - sẽ được giao định mức phát thải nhất định. Ai vượt định mức thì phải mua định mức từ các doanh nghiệp khác để bù vào, và bên bán chính là các doanh nghiệp không xài hết định mức được giao. 

Mô hình này cũng có thể có phạm vi lớn hơn, chẳng hạn ETS của Liên minh châu Âu (EU), áp dụng cho các công ty trong ngành sản xuất điện thuộc các quốc gia thành viên, các nước thuộc Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (Iceland, Liechtenstein và Na Uy) và Bắc Ireland. EU ETS cũng là ETS quốc tế đầu tiên trên thế giới, và có "truyền thống": chính thức vận hành từ 2005.

Về nguyên tắc, thị trường carbon nội địa cho phép công ty có dư tín chỉ carbon (nhờ các biện pháp tối ưu hóa sản xuất) thu tiền từ các nỗ lực giảm phát thải của mình. Về lâu dài, các công ty sẽ muốn giảm lượng phát thải để không phải tốn tiền mua tín chỉ carbon, thậm chí muốn nỗ lực để kiếm tiền từ các dịch vụ giảm phát thải.

Nhiều thị trường rục rịch

Ngày 18-3, báo Malaysia The Sun cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường bền vững nước này đang nghiên cứu ban hành Chính sách thị trường cabron quốc gia, dự kiến hoàn thành vào năm sau. Theo Bộ trưởng Nik Nazmi Nik Ahmad, chính sách hướng tới ủng hộ cả cơ chế thị trường carbon tự nguyện lẫn bắt buộc ở Malaysia.

Trong khi đó, cơ chế trao đổi phát thải của Ấn Độ dự kiến bắt đầu hoạt động muộn nhất là năm sau, Bloomberg đưa tin hồi tháng 10-2023. Thị trường này có thể sẽ áp dụng bắt buộc cho các ngành ô nhiễm nặng như thép, xi măng, giấy và bột giấy, hóa dầu và nhôm nhưng không bao gồm ngành điện, vốn vẫn dùng than cho 70% sản lượng.

Ấn Độ đặt mục tiêu net zero tới năm 2070, và thị trường carbon bắt buộc này được kỳ vọng sẽ khuyến khích các đơn vị gây ô nhiễm lớn nhất cắt giảm dấu chân carbon và ứng dụng các giải pháp năng lượng sạch.

Nguồn: CARBONWISE

Nguồn: CARBONWISE

Đó là một số chuyển động ở châu Á. Để hiện thực hóa mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050, Brazil cũng đang ráo riết chuẩn bị ra mắt thị trường mua bán tín chỉ carbon trong nước, dự kiến vào cuối năm nay. Mục tiêu trước mắt là đến năm 2030 sẽ giảm 50% lượng phát thải nhà kính so với mức phát thải năm 2005.

Dự thảo luật thiết lập cơ sở pháp lý cho hoạt động mua bán và quản lý carbon, được soạn năm 2023, đã được đưa ra Thượng viện. Theo đó, các doanh nghiệp buộc phải mua tín chỉ carbon nếu vượt ngưỡng phát thải 25.000 tấn carbon/năm. Những nhà sản xuất công nghiệp tạo ra hơn 10.000 tấn phát thải carbon/năm phải thực hiện báo cáo về lượng phát thải.

Chính sách này được kỳ vọng là sẽ tạo động lực để các công ty giảm phát thải, song song với lộ trình của mục tiêu giảm phát thải toàn quốc bằng cách đầu tư vào công nghệ và hoặc mua tín chỉ carbon từ các dự án giảm phát thải.

Theo Financial Times, thị trường carbon nội địa của Brazil được xây dựng dựa trên Cơ chế phát triển sạch (CDM - Clean Development Mechanism) và Cơ chế phát triển bền vững (SDM - Sustainable Development Mechanism) quy định trong điều 6.4 về đóng góp giảm phát thải và hỗ trợ phát triển bền vững trên cơ sở tự nguyện của Liên Hiệp Quốc.

CDM cho phép các dự án giảm phát thải ở các nước đang phát triển được cấp tín chỉ carbon và bán tín chỉ đó cho các nước có nhu cầu giảm phát thải theo cơ chế nêu Nghị định thư Kyoto năm 1997. Dự luật ở Brazil cũng cho phép bán tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế theo cơ chế SDM - do cơ chế này quy định việc mua bán tín chỉ carbon quốc tế phải được cơ quan quản lý phê duyệt.

Quyền của người bản địa cũng được đề cập trong dự thảo. Người dân địa phương sẽ được quyền bán tín chỉ carbon tạo ra trên đất canh tác truyền thống của mình và được bồi thường trong trường hợp các dự án giảm phát thải có tác động bất lợi đến sinh kế của họ. Tất cả các dự án giảm phát thải sẽ phải chia sẻ doanh thu với các chủ thể địa phương.

Tổ chức Đối tác hành động carbon quốc tế cho biết nếu dự luật được thông qua ở Brazil vào cuối năm nay, có thể sau 4-5 năm, thị trường carbon nội địa của Brazil mới có thể đi vào hoạt động.

Cơ chế được Brazil thiết lập tương tự nhưng có điểm khác với cơ chế ETS của EU, Anh, Mỹ và Trung Quốc áp dụng. Cụ thể, dự luật ở Brazil không đặt ra trần cụ thể về tổng lượng phát thải nhà kính các công ty được tạo ra. Thay vào đó, nước này yêu cầu các nhà sản xuất mua lượng tín chỉ carbon tương ứng với lượng phát thải đã được cơ quan chức năng thẩm định.

Với dự luật này, tổng lượng phát thải có thể không giảm, thậm chí tiếp tục tăng vì các công ty chỉ cần mua thêm tín chỉ carbon trên thị trường để bù cho lượng phát thải. Tuy nhiên về dài hạn, khi giá tín chỉ carbon không còn rẻ nữa, đầu tư vào công nghệ mới và các giải pháp thay thế tạo ra ít phát thải sẽ là giải pháp tiết kiệm hơn.

Trung Quốc: hoàn thiện hạ tầng

Theo tạp chí China Dialogue, thị trường carbon của Trung Quốc nay đã gần 3 tuổi và là mô hình quản lý phát thải lớn nhất thế giới. ETS Trung Quốc quản lý các công ty có lượng phát thải cao gấp ba lần so với các công ty thuộc ETS của Liên minh châu Âu.

Chính phủ Trung Quốc xem đây là một trong những công cụ chính sách cốt lõi để đạt được các mục tiêu tham vọng về khí hậu đã đề ra như giảm dần lượng phát thải carbon từ mức đỉnh trước năm 2030 và đạt trung hòa carbon trước năm 2060.

Hiện ETS Trung Quốc mới kiểm soát ngành điện, ngành tạo ra nhiều phát thải nhất ở đất nước tỉ dân. Sau khi hoàn thiện, hệ thống sẽ bổ sung các ngành có phát thải lớn khác như sắt thép, hóa dầu, vật liệu xây dựng… Sau cùng là hệ thống tín chỉ carbon tự nguyện - cho phép các bên liên quan trong các ngành công nghiệp khác tham gia thị trường carbon quốc gia.

Sau một thập niên chuẩn bị, hệ thống ETS của Trung Quốc đi vào hoạt động tháng 7-2021. Trả lời báo tài chính Trung Quốc 21st Century Business Herald năm 2023, Li Gao - tổng giám đốc Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Sinh thái và Môi trường (MEE) - cho biết thị trường "về cơ bản đã đáp ứng" kỳ vọng của chính phủ, hoạt động "ổn định", các quy định "được cải thiện" và cách phân bổ hạn ngạch phát thải "liên tục được tối ưu hóa".

MEE đang "phát" trợ cấp hạn ngạch phát thải miễn phí cho các công ty điện - căn cứ trên sản lượng trong những năm trước đây, thay vì một mức hạn ngạch cố định cụ thể. Nếu một công ty phát thải nhiều hơn hạn ngạch được phân bổ, họ phải mua thêm hạn ngạch từ những công ty có dư trên thị trường.

MEE cho biết trong giai đoạn đầu, từ tháng 7 đến tháng 12-2021, 1.833 công ty sử dụng hết hạn ngạch được trợ cấp, đủ bù cho lượng phát thải theo sản lượng năm 2019 và 2020 của họ. Có 178 công ty phải mua thêm hạn ngạch. Tỉ lệ tuân thủ là 99,5%.

Theo báo cáo của S&P Global, khối lượng giao dịch hạn ngạch carbon trên thị trường ETS của Trung Quốc năm 2023 là 212 triệu tấn CO2, tăng 316% so với cùng kỳ. Giá bán trung bình là 68,15 nhân dân tệ/tấn CO2 (9,62/USD), tăng 23,24% so với cùng kỳ. Doanh thu lũy kế đã đạt 14.444 tỉ nhân dân tệ (2 tỉ USD).

Các chỉ số của ETS của Trung Quốc đều kém xa so với ETS châu Âu, thị trường carbon giá trị nhất thế giới, đã hoạt động được gần 20 năm. Trong năm 2023, thị trường ETS châu Âu phát sinh giao dịch 1,123 tỉ tấn carbon (giảm 11% so với năm 2022) và đạt doanh thu 770 tỉ euro, theo báo cáo của S&P Global.

Zhang Jianhong, giám đốc điều hành chi nhánh Kinh tế và Công nghệ môi trường của Hiệp hội Công nghệ và Kinh tế Trung Quốc, cho biết trên tờ báo tài chính Securities Times của Trung Quốc rằng "mua bán trên thị trường carbon Trung Quốc còn ít và mang tính mùa vụ".

Zhang giải thích do đa số các công ty chỉ mua hoặc bán hạn ngạch carbon để thực hiện nghĩa vụ thị trường nên các giao dịch có xu hướng tập trung vào cuối năm. Thống kê cho thấy hoạt động giao dịch "mất cân bằng" và thị trường rất đìu hiu trong 9 tháng đầu năm.

Thực tế này là bình thường. Theo các chuyên gia, mục tiêu ngắn hạn của thị trường carbon Trung Quốc là giúp các bên liên quan hiểu về thị trường carbon, giúp họ biết giám sát, báo cáo và xác minh lượng khí thải và hiểu được lợi ích của việc này.

Ảnh: CARBON REGISTRY

Ảnh: CARBON REGISTRY

Cho đến nay, ETS đã giúp các doanh nghiệp hiểu rằng càng tạo phát thải carbon thì sẽ càng tốn kém và giảm phát thải chính là tiết kiệm tiền. Nhiều công ty điện của Trung Quốc đã có nhân viên hoặc bộ phận chuyên trách để xử lý các vấn đề về phát thải carbon và tìm kiếm các phương pháp giảm phát thải bền vững.

Dĩ nhiên, thị trường carbon quốc gia của Trung Quốc còn nhiều vấn đề, trong đó thách thức lớn nhất là độ tin cậy của dữ liệu. Nhà chức trách đã bắt được vài vụ gian dối dữ liệu. Thách thức về quản lý dữ liệu là lý do khiến thị trường carbon chưa mở rộng sang các lĩnh vực khác, theo Caijing, một tạp chí về tài chính ở Trung Quốc.

Bộ MEE đã có nhiều biện pháp để cải thiện độ chính xác của dữ liệu như hướng dẫn các công ty kiểm tra hằng tháng đối với các thông số chính về lượng khí thải và báo cáo số liệu trực tuyến. Bộ này cũng đã khởi động một dự án nghiên cứu để có giải pháp quản lý chất lượng dữ liệu dài hạn. 

Trong tương lai, khi thị trường carbon quốc gia của Trung Quốc kết hợp nhiều lĩnh vực hơn, thách thức về quản lý và đảm bảo chất lượng dữ liệu do các công ty báo cáo sẽ càng lớn hơn. Hiện MEE vẫn chưa công bố mốc thời gian rõ ràng cho việc mở rộng thị trường.

Một trở ngại lớn khác mà thị trường carbon Trung Quốc phải đối mặt là chưa có luật riêng. Trung Quốc không có luật về biến đổi khí hậu hay quản lý phát thải. Thị trường ETS hiện tuân theo một bộ quy định nội bộ do MEE ban hành. Họ không thể đưa ra các hình phạt đủ nghiêm khắc, dẫn đến thực tế nhiều công ty thà đóng phạt còn hơn chi nhiều tiền để mua hạn mức carbon cho các nghĩa vụ thị trường của mình.

Hiện tại, mức phạt tối đa với một công ty chỉ là 30.000 nhân dân tệ (4.200 USD), không tương xứng với số tiền công ty tiết kiệm được khi vi phạm các quy tắc thị trường.■

Giá carbon do thị trường quyết định

Việc Liên minh châu Âu đưa ra Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon - áp thuế carbon với một số sản phẩm nhập khẩu bên ngoài khối khiến nhiều người quan tâm đến sự khác biệt về giá bán tín chỉ carbon chênh lệch với châu Âu.

Giá carbon của thị trường ETS Trung Quốc hiện dao động ở mức khoảng 8 USD/tấn, trong khi giá tương đương ở EU cao hơn 10 lần, ở mức khoảng 110 USD/tấn. Tuy nhiên, giá tín chỉ carbon do môi trường kinh tế và pháp lý quanh nó quy định và do đó không thể so sánh giá tín chỉ carbon giữa các khu vực pháp lý khác nhau. Ở thị trường carbon nội địa, giá bán sẽ phụ thuộc vào quy định chính sách của nước đó.

"Nội địa hóa" thị trường carbon- Ảnh 4.

Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận