13/01/2012 08:16 GMT+7

Nỗi đau ngày giáp tết

V.ĐỊNH - H.VĂN - Đ.BÌNH - H.GIANG - T.PHƯƠNG
V.ĐỊNH - H.VĂN - Đ.BÌNH - H.GIANG - T.PHƯƠNG

TT - Ba thuyền viên Việt Nam mất tích trên tàu Jeong Woo 2 của Hàn Quốc. Ngoài một thuyền viên người Hà Tĩnh, hai thuyền viên còn lại là người Nghệ An. Họ đều là những lao động nghèo khó.

UjOyudlJ.jpgPhóng to
Người thân thuyền viên Nguyễn Văn Sơn khóc nghẹn ngào khi nghe tin dữ -Ảnh: Đ.Vịnh

Ở những miền quê nghèo khó quanh năm, xuất ngoại làm thuyền viên là con đường duy nhất để họ đổi đời, nhưng...

Ba thuyền viên mất tích đã thiệt mạng

Để lại những khoản nợ lớn

Cả anh Sơn và anh Đông đi trên tàu Jeong Woo 2 thông qua Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực LOD. Người nhà cho biết kể từ khi xuất ngoại đến khi gặp nạn, họ chưa một lần gọi điện thoại về nhà. Cả hai mất đi để lại nợ nần chồng chất cho gia đình, riêng anh Sơn nợ sau ba chuyến đi xuất ngoại lên đến gần 200 triệu đồng.

Ông Lê Nhật Tân, phó tổng giám đốc Lod cho biết hôm nay sẽ về thăm gia đình hai thuyền viên mất tích Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Đông và trao hỗ trợ ban đầu mỗi gia đình 10 triệu đồng.

Ông Đỗ Hoàng Lê, trưởng phòng Hàn Quốc Công ty Inmasco, cho biết đã thông báo cho gia đình về việc mất tích thuyền viên Đặng Ngọc Quảng (Kỳ Trung, Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Ông Lê cho biết trong tuần này công ty sẽ cử đoàn về thăm hỏi và động viên gia đình, đồng thời hỗ trợ trước 20 triệu đồng cho gia đình thuyền viên.

Ngày 12-1, phía New Zealand đã báo cho phía Việt Nam là ba thuyền viên bị mất tích trong vụ cháy tàu ở Nam Cực sáng sớm 11-1 được cho là đã chết trong khoang tàu. Bốn thuyền viên bị phỏng đã được chuyển lên tàu nghiên cứu Nathaniel B Palmer của Mỹ để đưa về Trung tâm nghiên cứu McMurdo của Mỹ ở Nam Cực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho hay Bộ Ngoại giao đã yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại thực hiện các biện pháp giúp đỡ, bảo hộ công dân cần thiết đối với các thuyền viên Việt Nam, đồng thời chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tích cực làm việc với đơn vị chủ tàu nhằm giải quyết thỏa đáng quyền lợi của các thuyền viên Việt Nam.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 12-1, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết cục đã chỉ đạo hai doanh nghiệp cung ứng số lao động đi Nam Cực, nếu những thuyền viên bị phỏng có nhu cầu về nước thì phải có trách nhiệm nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của thuyền viên.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 12-1, ông Ross Henderson thuộc Trung tâm Điều phối cứu hộ New Zealand (RCCNZ) xác nhận ba thủy thủ Việt Nam mất tích trong vụ hỏa hoạn trên tàu Jeong Woo 2 đã thiệt mạng. Ông Henderson cho biết hiện các nhân viên cứu hộ chưa thể đưa thi thể các nạn nhân người Việt Nam ra khỏi tàu Jeong Woo 2 do đám cháy vẫn chưa được dập tắt và tình hình quá nguy hiểm.

Hai thủy thủ Việt Nam bị thương nhẹ đã ổn định tinh thần và có thể đi lại được. Trong khi đó, hai người còn lại nằm trong nhóm bị phỏng nặng ở cấp độ 2 và 3 với 30-50% diện tích cơ thể bị thương.

Máy bay C-17 Globemaster của không quân Mỹ chở theo thiết bị y tế và các phiên dịch viên đang trên đường đến căn cứ McMurdo. Máy bay này sẽ chuyển những người bị thương, trong đó có các thủy thủ Việt Nam, về bệnh viện ở thành phố Christchurch (New Zealand).

37 thủy thủ sống sót hiện đang ở trên tàu Jeong Woo 3 sẽ chuyển sang tàu Araon của Hàn Quốc. Tàu này sẽ đưa các thủy thủ trên đến cảng Lyttleton của New Zealand vào ngày 19-1. Dự kiến tàu Jeong Woo 3 sẽ kéo tàu Jeong Woo 2 ra khỏi vùng nước Nam Cực để tránh ảnh hưởng đến môi trường. RCCNZ khẳng định nhiệm vụ điều tra nguyên nhân vụ cháy thuộc về chính quyền Hàn Quốc.

Xuất ngoại kiếm tiền xây nhà cho mẹ

Khi chúng tôi đến nhà thuyền viên Nguyễn Văn Đông (31 tuổi, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã thấy nhiều người dân đến chia buồn khi nghe tin anh Đông mất tích ở vùng biển Nam Cực. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Thắm nằm rũ rượi trên giường. Gắng gượng, chị Thắm cho biết sáng 11-1 đã biết tin dữ về chồng qua điện thoại của một người đàn ông báo về mà chưa kịp hỏi tên.

Lấy nhau được bốn năm, vợ chồng có hai con gái, cuộc sống quanh năm chỉ dựa vào mấy mảnh ruộng đầu xóm và những ngày công lên phố làm thuê. Để thoát nghèo, anh Đông bàn với vợ đi vay mượn, cầm cố bìa đất để đi xuất khẩu lao động. Bà Tạ Thị Tuất, mẹ anh Đông, vừa bồng cháu nội Nguyễn Thị Nguyệt (2 tuổi, con đầu anh Đông) vừa khóc kể: “Đêm trước ngày bay (1-11-2011) thằng Đông còn ôm con hôn lên má và nói bố sẽ cố gắng làm dù công việc có khó mấy để có tiền mua quà. Vậy mà có ai ngờ rằng nó mới đi hơn hai tháng thì xảy ra cơ sự thế này”. Bà Tuất nghẹn khóc và cho biết thêm hiện gia đình còn nợ 50 triệu đồng vay mượn khi anh Đông đi. Ngay sáng 12-1, người nhà đã phát tang cho anh Đông.

Tại nhà thuyền viên Nguyễn Văn Sơn (xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), di ảnh của Sơn đã được đặt trên bàn thờ cạnh di ảnh vợ, bà Nguyễn Thị Tâm (44 tuổi, mẹ anh) ngồi gục đầu thẫn thờ. Nỗi đau mất con ập về từ hôm qua đã khiến bà khóc cạn nước mắt. Ai hỏi gì bà chỉ biết cào bấu vào bàn thờ con than: “Vợ nó mất chưa mãn tang nay lại đến chồng, sao ông trời không lấy đi mạng già này lại nỡ hại con trẻ...”.

Người thân trong gia đình cho biết mới 24 tuổi nhưng Sơn đã ba lần xuất cảnh làm thuyền viên trên các tàu đánh cá xa bờ. Chuyến đi đầu tiên vào năm 2008 nhưng trở về hòa vốn. Chuyến đi thứ hai năm 2009, Sơn gặp cảnh công ty phá sản phải về nước với hai bàn tay trắng.

Đầu năm 2011, Sơn quyết định xuất ngoại chuyến cuối cùng để kiếm tiền xây nhà cửa cho mẹ, tìm lại hạnh phúc. Nhưng đó cũng là chuyến đi định mệnh khiến anh nằm lại vĩnh viễn ở vùng biển giá băng Nam Cực.

Thuyền viên tàu cá Cà Mau sẽ bị Thái Lan xét xử

Liên quan đến tình hình tàu cá Cà Mau CM 99219 TS bị phía Thái Lan bắt giữ do vi phạm vùng biển Thái Lan, tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 12-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị cho biết trong quá trình bắt giữ, tàu cá Việt Nam và tàu hải quân hoàng gia Thái Lan đã có va chạm khiến tàu cá Việt Nam bị chìm. Tàu hải quân hoàng gia Thái Lan đã cứu vớt mười ngư dân (còn thuyền trưởng Nguyễn Văn Hiếu được tàu cá khác cứu vớt đưa vào bờ). Hiện nay, tàu cá và các ngư dân đã an toàn, đang bị giữ tại tỉnh Trat và sẽ bị xét xử theo đúng các quy định của pháp luật Thái Lan. Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đang khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại xác minh rõ vụ việc và sẽ tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

Theo thông lệ Thái Lan, ngư dân nước ngoài bị kết án có thể bị giam giữ từ 25-30 ngày. Sau khi hoàn thành thời hạn, họ sẽ được đến một trung tâm chờ làm các thủ tục và bị trục xuất về nước. Trong trường hợp các ngư dân có tiền nộp phạt, họ có thể được đưa tới trung tâm chờ làm các thủ tục để bị trục xuất về nước nhanh hơn. Ông Tuấn cho biết Đại sứ quán Việt Nam vẫn chưa gặp được các ngư dân này và cũng chưa có danh sách tên tuổi cụ thể.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 12-1, ông Phạm Minh Tuấn - bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan - cho biết hiện nay số ngư dân Việt Nam bị giam ở Thái Lan khoảng 30 người, trong đó có 10 người vừa bị bắt và khoảng 20 người thuộc hai con tàu khác. Năm 2011, Đại sứ quán Việt Nam ở Thái Lan đã can thiệp và đưa gần 500 ngư dân về nước. Có đợt hàng chục tàu đánh cá Việt Nam bị Thái Lan bắt giữ.

KHỔNG LOAN

V.ĐỊNH - H.VĂN - Đ.BÌNH - H.GIANG - T.PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên