07/04/2012 09:50 GMT+7

Nỗi đau không có trong bản án

VIỄN SỰ - HOÀNG ĐIỆP - NGUYỄN LOAN
VIỄN SỰ - HOÀNG ĐIỆP - NGUYỄN LOAN

TT - Bản án dành cho thủ phạm gây ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em thường rất nặng. Những trang cáo trạng rất dài, bao giờ cũng ghi rõ hành vi đồi bại của thủ phạm. Nhưng có những phần đời chìm nổi, những nỗi đau u uất của nạn nhân không có cáo trạng nào ghi lại, không bản án nào đủ thích đáng...

xLJqiQEN.jpgPhóng to

Bé T.N. ở Đồng Nai, đứa trẻ sinh ra từ một vụ xâm hại tình dục. Nay đã 5 tuổi, T.N. vẫn phải sống nương nhờ bà ngoại mà không được sự chu cấp nào từ gia đình người đã xâm hại mẹ bé - Ảnh: Ng.Loan

Cuộc đời dài lắm

Chúng tôi gặp mẹ con bé Huyền quê ở Hưng Yên trong một ngôi nhà trọ nhỏ xíu ở Cầu Giấy (Hà Nội). Bé Huyền mới 12 tuổi nhưng không còn đi học, mỗi ngày phụ mẹ phân loại những thứ đồng nát mua được. Bố của Huyền làm phụ hồ và cả gia đình cứ thế sống lay lắt, vì làm được bao nhiêu tiền bố mẹ lại đưa Huyền đi chữa bệnh trầm cảm.

Tất cả những chi tiết ấy chắc chắn không thể nào được ghi trong bản cáo trạng hai năm trước Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên đã xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em mà Huyền chính là nạn nhân. Mẹ Huyền kể khi đó chồng chị đang làm phụ hồ trên Hà Nội, chị đi làm công nhân đến tối mới về. Và một lần bố mẹ vắng nhà như thế, bé Huyền đã bị tên hàng xóm trèo tường sang xâm hại.

Bản án 15 năm tù cùng với số tiền bồi thường thiệt hại 16 triệu đồng mà tòa tuyên có thể đã đủ thích đáng. Nhưng với Huyền, bé không thể đến trường vì bạn bè trêu chọc và sau đó rơi vào trạng thái hoảng loạn về tâm lý. Mẹ Huyền đành bỏ công việc ổn định, bỏ nhà cửa, đưa con lên Hà Nội làm nghề thu mua đồng nát để con tiếp tục được đi học nhưng cũng không thể vì đã hai năm qua Huyền không hết bệnh.

Câu chuyện của Huyền có lẽ chỉ là một dẫn chứng rất điển hình về nỗi ám ảnh của phần đời tiếp theo mà những đứa trẻ bị xâm hại phải mang theo. Một người tiếp xúc với rất nhiều trẻ em bị xâm hại là thượng úy Cà Văn On, điều tra viên thuộc PC45 - Công an tỉnh Sơn La, từng điều tra nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em khẳng định: “Không một cháu bé nào bị xâm hại tình dục mà không bị khủng hoảng tinh thần”. Theo thượng úy On, ngoài khung tù giam theo luật, thủ phạm chỉ bồi thường những tổn hại về vật chất mà nạn nhân chứng minh được. Đó là điều những người tham gia quá trình tố tụng các vụ án xâm hại tình dục trẻ em như anh bao giờ cũng thấy băn khoăn và thương cảm cho nạn nhân. “Bởi đó chỉ là một phần tổn hại rất nhỏ trong hậu quả các em gánh chịu mà cuộc đời thì còn dài lắm...” - thượng úy Cà Văn On ngậm ngùi.

Thiên chức bị tước đoạt

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Quý - giảng viên khoa tâm lý Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội, một công tác viên của Trung tâm Tư vấn và chăm sóc trẻ em tại Hà Nội, kể một câu chuyện đau lòng phía sau bản án: bé Xuyến ở Hòa Bình, chỉ mới 12 tuổi bị xâm hại tình dục đến mang thai. Rời trung tâm tư vấn, bé Xuyến được gia đình quyết định đưa vào bệnh viện của huyện để nạo thai. Nhưng do bệnh viện làm ẩu nên cô bé bị sót nhau, rồi nhiễm trùng và cuối cùng là gia đình đưa Xuyến trở lại bệnh viện phụ sản cắt dạ con, mất đi vĩnh viễn thiên chức làm mẹ khi chưa kịp cảm nhận một cách đầy đủ nhất về thiên chức ấy. Liên lạc với bố của Xuyến qua điện thoại, ông chỉ biết căm phẫn tột độ, gào thét qua điện thoại: “Cháu Xuyến trải qua ba lần phẫu thuật, tòa án tuyên thủ phạm phải chi trả tất cả. Gia đình chưa nhận được đồng nào cả, nhưng có nhận bao nhiêu nữa cũng làm sao đền bù nổi cuộc đời con tôi”.

Trong thời gian công tác tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, bác sĩ - tiến sĩ Nguyễn Bá Quyết nói hầu hết các cháu bị xâm hại tình dục mà ông từng khám bệnh đều có những trục trặc trong đời sống vợ chồng sau đó, với việc giao tiếp cùng người khác giới: “Năm 2008, chúng tôi tiếp nhận bé Lan 10 tuổi (Hà Nội) bị xâm hại tình dục được mẹ đưa đến khám trong trạng thái hoảng loạn tột độ. Lan rất sợ hãi khi phải tiếp xúc với đàn ông. Trong suốt gần một năm cháu bé này nghỉ học, cha mẹ cháu đã tốn không biết bao nhiêu công của chuyển trường học, đưa cháu ra nước ngoài... Nhưng đến nay, khi cháu gần bước vào tuổi trưởng thành thì cũng chỉ tiếp xúc với mẹ”.

Nhưng đó cũng chưa phải là thiệt thòi duy nhất, bởi nhiều hậu quả dai dẳng của việc bị xâm hại từ lúc còn bé không dễ nói ra, kể cả khi đã trưởng thành và có gia đình. Tiến sĩ Quyết kể khi điều trị vô sinh cho một đôi vợ chồng trẻ ở Hải Phòng, người chồng kể rằng đã cưới vợ bốn năm nay nhưng anh không thể nào “đụng” vào vợ mình. Bằng kinh nghiệm nhiều năm đã tiếp xúc với các nạn nhân bị xâm hại tình dục lúc còn nhỏ, ông đã tìm ra nguyên nhân: người vợ ấy từng bị xâm hại tình dục lúc nhỏ. Và dù rất thương yêu chồng mình, nhưng nỗi ám ảnh của tuổi thơ đã không thể giúp cô vượt qua.

“Đó là những thiệt thòi, những hậu quả không thể thấy được, không có căn cứ nào để tòa án phán xét. Nhưng đến khi làm vợ, làm mẹ các em mới phải thật sự gánh chịu. Nỗi đau ấy đâu có ai và đâu có điều gì bù đắp nổi” - tiến sĩ Quyết trầm ngâm.

Đền bù, chuyện xa vời?

Trong vụ việc của cháu Mai - bà mẹ 12 tuổi ở Thái Bình, tòa đã tuyên gia đình thủ phạm Trần Văn Lưu bồi thường 110 triệu đồng, đồng thời cấp dưỡng cả hai mẹ con Mai đến năm 18 tuổi. Nhưng cho đến nay Mai đã sinh con được tám tháng, việc bồi thường đó vẫn chưa được thi hành. Gia đình thủ phạm thậm chí còn ra điều kiện: làm đơn xin giảm án thì sẽ chu cấp cho hai mẹ con bé Mai. Mẹ của bé Lù Thị Chinh ở Bảo Thắng (Lào Cai) bức xúc: “Tòa tuyên phạt kẻ hãm hại con tôi phải bồi thường sức khỏe cho cháu. Thế nhưng hai năm qua rồi, gia đình tôi chưa nhận được một đồng bồi thường nào cả”.

Ông Nguyễn Tường Long, chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai, cho hay qua khảo sát từ các gia đình nạn nhân bị xâm hại tình dục, không có gia đình nào được bồi thường. Còn thượng úy Đinh Đức Thiện, điều tra viên của Công an Mộc Châu (Sơn La), cho biết tất cả vụ án xâm hại tình dục ở Mộc Châu cũng không được thi hành án đầy đủ. Thượng úy Thiện nhận định: “Phần lớn gia đình nạn nhân đều muốn giữ bí mật và danh dự cho con nên không làm lớn chuyện”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1:Kỳ 2:Kỳ 3: Kỳ 4:Kỳ 5:

______________________

Những trẻ em bị xâm hại tình dục đều bị khủng hoảng tinh thần, sang chấn tâm lý và để lại những hậu quả nặng nề. Đã có một đường dây nóng luôn lắng nghe và giúp đỡ các em.

Kỳ tới: Hãy gọi 18001567

VIỄN SỰ - HOÀNG ĐIỆP - NGUYỄN LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên