Nhưng trước thời khắc đem đến đau thương cho năm gia đình, cho bản làng và nhà trường nơi đây, dường như chưa ai lường định được những hiểm họa có thể xảy ra với những cô cậu học trò nhỏ xa nhà trên hành trình đi tìm con chữ.
Câu chuyện của Thào Thị Thanh - bạn học cùng lớp với Lý Seo Phong, cũng là học sinh lớp 7B đã gặp nạn - chắc chắn cũng là một câu chuyện chung của bốn học sinh còn lại trong mất mát thương tâm vừa qua. Thào Thị Thanh nói rất muốn ở nhà, nhưng từ thôn Yang Hanh đến Trường THCS Cư Đrăm xa khoảng 15km, mỗi tháng phải mất 300.000 đồng tiền xe buýt nếu muốn đi về. Số tiền ấy là cả một món tiền không dễ kiếm đối với những học sinh nghèo khó. Vì thế gia đình em chẳng còn cách nào, phải chấp nhận ra gần cổng trường xin nhà dân một miếng đất nhỏ để dựng lên một cái “lều trọ học” rồi hi vọng con cái có được cái chữ mà hướng đến tương lai. Hi vọng, vì đó đã là cách tốt nhất họ có thể làm.
Thào Thị Thanh cùng ba học sinh nữ nữa hằng ngày ở trong một cái lều chừng 6m2, mái nhà cả tôn lẫn bạt, trống hoác, vách gỗ có thể lọt cả bàn tay và một cái giường nhỏ ọp ẹp, thậm chí không được bằng phẳng. Nhưng xem ra em vẫn còn rất may mắn khi có người chủ nhà tốt bụng. Bà Trương Thị Hoa, 65 tuổi, nói: “Mấy đứa con gái này ngoan, dù là ngủ trong lều bạt thế này nhưng ngay cạnh bà hằng đêm (bà Hoa bán quán nước trước cổng trường), vẫn được bà trông nom, nhắc nhở như con cháu trong nhà. Còn mấy thằng con trai thì ngoài giờ đi học, mấy đứa nó đi bắt chim bắt rắn, tìm mật ong... ở đâu, không ai biết được”. Một người dân tại xã Cư Đrăm nói không biết mỗi tuần về nhà, mấy em được gia đình cho bao nhiêu tiền nhưng lúc nào trong nhà cũng chỉ thấy cơm trắng mà thôi, tiền mấy em dùng vào việc gì cũng không thể biết.
Nhưng không phải cô cậu học sinh nào cũng “may mắn” có một người chủ nhà tốt bụng như bà Hoa. Phần lớn các em dựng lều trọ học như những ngọn cỏ bơ vơ trơ trọi giữa đất trời khắc nghiệt, như cánh chim non trước bầu trời bao la nhưng đầy bất trắc, như chiếc lá mỏng manh trước sóng gió cuộc đời. Sau giờ học, các em làm gì, ăn uống thế nào, sinh hoạt ra sao... hầu như không ai hay biết. Và không khỏi giật mình khi biết rằng hiện đang có rất nhiều học sinh phải xa nhà dựng lều trọ học trong hoàn cảnh tương tự tại khắp các huyện vùng sâu vùng xa, núi cao trên đất nước này.
Sau tai nạn thương tâm, rất nhiều người đã có cùng tâm trạng tặc lưỡi... “giá mà”. Lúc này, trách trường học cũng không thể vì thời gian các em ngoài cổng trường nhiều hơn, trách gia đình các em cũng không thể khi họ đã cố gắng hết sức, lại phải đầu tắt mặt tối mưu sinh, đánh vật với đói nghèo... Nhưng bằng cách này hay cách khác vẫn ước ao các em có được một môi trường tốt hơn, không chỉ để học chữ mà còn để sống và học hành thành tài.
Ước ao đó có thể gửi về đâu, để không còn những nỗi đau xé lòng như nỗi đau dưới chân đỉnh Yang Hanh này?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận