04/07/2024 10:35 GMT+7

Nỗi đau chất độc da cam nhìn từ cựu binh Mỹ - Kỳ 2: Chuyến bay định mệnh đến Việt Nam

Vào ngày 30-9-1966, chúng tôi được sĩ quan phụ trách vận chuyển trên máy bay thông báo sắp hạ cánh. Thế là tất cả mọi người nhanh chóng chuẩn bị đồ đạc, mặc áo chống đạn và đội mũ sắt để sẵn sàng chiến đấu.

Khu nhà Patrick Hogan đóng quân tại căn cứ Cam Ranh - Ảnh sách của Patrick Hogan

Khu nhà Patrick Hogan đóng quân tại căn cứ Cam Ranh - Ảnh sách của Patrick Hogan

Tất cả chúng tôi đều được trang bị tiểu liên M-14 với một số băng đạn dự phòng.

Ở tổng kho Cam Ranh

Dù máy bay hạ cánh hoàn toàn suôn sẻ nhưng tim tôi vẫn loạn nhịp. Khi đang đợi ra khỏi máy bay, tôi lập tức thấy rõ mọi thứ xung quanh và một ý nghĩ ớn lạnh chạy dọc xương sống tôi.

Khi vẫn đang nghĩ về điều đó thì cửa trả hàng phía sau đã được hạ xuống, tôi nhanh chóng chuyển sự chú ý vào việc rời khỏi máy bay một cách chính xác như đã được huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Nhưng chúng tôi sẽ chiến đấu với ai thì vẫn là một điều bí ẩn.

Những người duy nhất có mặt ở đây là các nhân viên của căn cứ không quân và tổ bay, tất cả đều lầm lũi tiếp tục công việc thường ngày của họ.

Chẳng cần nói nhiều khi bắt gặp những ánh nhìn khá lạ khi chúng tôi rời khỏi chiếc C-130 đang gào thét ầm ĩ. Tôi chẳng biết mệnh lệnh bí mật trước đó đã định đưa chúng tôi đi đâu, nhưng khá chắc là nơi đó không phải chỗ này, Cam Ranh.

Dù sao thì Cam Ranh cũng là nơi chúng tôi đã hạ cánh, và cũng là nơi chúng tôi sẽ ở lại. Về sau, từ viên sĩ quan điều hành, chúng tôi biết được rằng lệnh bí mật điều động chúng tôi đã bị thay đổi đột ngột giữa chừng mà không một lời giải thích.

Sau khi hạ cánh, chúng tôi chất thiết bị rồi leo lên những chiếc xe tải 2,5 và 5 tấn để tới nơi đóng quân mới.

Khi dòng adrenaline giảm xuống và trái tim đang dần trở lại nhịp bình thường cũng là lúc tôi rời khỏi chiếc xe tải và nhìn thấy nơi ở mới của mình, chẳng khác gì một cụm lều được đặt trên đỉnh một cao nguyên rộng lớn. Một biển cát vây quanh căn cứ mới của chúng tôi, cùng những cánh rừng rậm rộng lớn ở phía tây và đông nam. Đúng y như điềm báo!

Mặc dù đại đội của chúng tôi là một trong những đơn vị đầu tiên đóng quân trong vùng nhưng nhiều đơn vị khác sẽ sớm tham gia cùng chúng tôi. Đơn vị 423, hay ít nhất trên giấy tờ là vậy, giờ đã là một phần trong Tiểu đoàn tiếp tế và hậu cần 96 của Kho 504 dã chiến thuộc Bộ Tư lệnh Hậu cần số 1.

Vừa tới Cam Ranh, chúng tôi phải lập tức tham gia các hoạt động trong kho, đồng thời tham gia một chương trình huấn luyện cấp tốc.

Các khóa huấn luyện nâng cao mà chúng tôi tham gia được thiết kế nhằm cung cấp cho Tổng kho Cam Ranh một lượng nhân lực cần thiết để đẩy nhanh việc tiếp nhận và lưu trữ hàng hóa thiết yếu cũng như cung cấp việc đào tạo tại chỗ cho tất cả các quân nhân thực hiện các hoạt động quan trọng của kho.

Không một đơn vị quân sự nào có vai trò quan trọng hơn Bộ Tư lệnh Hậu cần số 1 trong nỗ lực mở rộng chiến tranh và xây dựng lực lượng của Mỹ tại Việt Nam. 

Trước năm 1965, quân đội Mỹ ở Việt Nam được Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương hỗ trợ thông qua một nhóm hỗ trợ nhỏ thuộc Bộ Tư lệnh Hậu cần số 9 hoạt động bên ngoài Okinawa.

Đến giữa năm 1965, sau khi Bộ Tư lệnh Hậu cần số 1 (như chúng tôi thường gọi) được thành lập tại Việt Nam với tổng kho đầu tiên có thể xử lý khoảng 70.000 tấn hàng nhập vào mỗi tháng.

Chỉ một năm sau đó, vào cuối năm 1966, cơ chế vận hành được cải tiến đã có thể xử lý tốt một lượng lên tới hơn 700.000 tấn hàng mỗi tháng, đó là chưa tính đến lượng hàng tiếp tế quan trọng được vận chuyển bằng đường hàng không hoặc qua chiến dịch Red Ball.

Chúng tôi làm việc suốt ngày đêm, 12 tới 14 tiếng mỗi ngày. Bất kể nắng mưa, ngày đêm, khỏe hay ốm, chúng tôi đều làm việc. Chúng tôi đã chất đầy các kho hàng, và thậm chí còn góp phần vào việc đầu độc chính chúng tôi sau này.

Dù phần lớn thời gian tôi đóng quân ở những nơi được nhiều người coi là an toàn nhưng thực tế thì chẳng có chỗ nào ở Việt Nam thực sự an toàn hay bất khả xâm phạm cả.

Vì vậy, dù chúng tôi không phải thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu như những người lính bộ binh truyền thống nhưng Cam Ranh vẫn là nơi thường xuyên bị quân cách mạng tấn công.

Từ góc nhìn quân sự, quân cách mạng coi Cam Ranh và nhiều căn cứ lớn khác của Mỹ là các mục tiêu chính vì chúng được phòng thủ rất kỹ lưỡng. Họ liên tục bắn phá chúng tôi bằng các loạt rốc-két và súng cối.

Ngoài các cuộc tấn công du kích, họ còn thường xuyên tổ chức các đợt tấn công toàn diện, tổng lực, đặc biệt là trong những tuần trước các cuộc tấn công Tết.

Trong suốt nhiều đêm, bầu trời tối đen chợt rực lên với những chùm sáng màu đỏ hoặc trắng, và chúng tôi luôn được đặt trong tình trạng báo động.

Dù tôi cảm thấy lo sợ về những quả tên lửa và súng cối đang bay tới, nhưng điều khiến tôi kinh hãi hơn là âm thanh vang rền của những loạt đạn pháo lao ngang qua trên đầu chúng tôi.

Ngoài ra, Việt Nam là xứ sở của vô số các loài côn trùng, sâu bọ hung dữ nhất trên hành tinh này, đó là chưa tính đến một vài loài rắn thuộc hàng độc nhất trên thế giới...

Không may thay đấy lại là một trong những lý do chính để quân đội phun một lượng lớn các loại thuốc diệt côn trùng khác nhau ở Việt Nam - từ malathion, DDT cho tới chlordane, lindane, dichlorvos, diazinon, dieldrin, naled và Dursban.

Có một loại thuốc diệt côn trùng có thể tiêu diệt bất cứ thứ gì, từ rệp trên giường cho đến chí rận trên cơ thể...

Một máy bay Mỹ rải chất độc da cam trong chiến tranh ở Việt Nam - Ảnh tư liệu

Một máy bay Mỹ rải chất độc da cam trong chiến tranh ở Việt Nam - Ảnh tư liệu

Trở về nhà và nỗi sợ bệnh tật

Cuối cùng, vào ngày 22-6-1969, khi đã hoàn thành mọi thủ tục, tôi chính thức xuất ngũ. Sau khi tôi trở về được vài ngày, đang dần quay lại với cuộc sống bình thường, cố gắng quên đi cuộc chiến thì cha tôi tới gặp tôi và bảo tôi nộp đơn đề nghị hỗ trợ lên Bộ Cựu chiến binh (DVA).

Trước đây chúng tôi đã bàn luận với nhau rất nhiều về các vấn đề sức khỏe của tôi khi tôi còn tại ngũ, và ông biết rõ những tổn thương ở phổi, tai và các dây thần kinh của tôi.

Ông cho rằng các tổn thương nhỏ đó, dù chưa có gì ghê gớm lúc bấy giờ, nhưng có nguy cơ trở thành những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho tôi về sau này. Giờ thì tôi đã biết cha tôi thực sự là một người đàn ông rất khôn ngoan.

Đáng tiếc là tôi khá thờ ơ với việc yêu cầu DVA hỗ trợ - dĩ nhiên là vào lúc đó. Tôi thực sự không rõ sự lưỡng lự đó là vì việc tôi tiếp xúc với thuốc trừ sâu, với rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), hay vì cảm giác tội lỗi của người được trở về, hay đơn giản chỉ là sự ngu ngốc cố hữu của tôi.

Điều tôi có thể nói với bạn là sau nhiều lần trò chuyện với cha tôi, người từng tham gia Thế chiến thứ hai, cuối cùng tôi đã bị thuyết phục sẽ không tiếp tục trì hoãn việc gửi yêu cầu hỗ trợ y tế nữa. Tôi nghĩ nếu nộp ngay thì tôi sẽ có một bộ hồ sơ lưu trữ lâu dài về các vấn đề của mình tại DVA.

Tôi đã thu thập và hoàn thành tất cả các đơn từ cần thiết cùng với các minh chứng và nộp chúng cho DVA. Đúng như suy đoán, vài tháng sau đó tôi nhận được một thông báo.

Đó là yêu cầu có mặt để kiểm tra y tế. Nhưng khi tôi đã sẵn sàng để hoàn thành các thủ tục đó thì nhiều chuyện xảy ra khiến tôi không thể tiếp tục được.

Tôi vừa bắt đầu trở lại với cuộc sống bình thường mới của mình, cùng một gia đình mới, trong căn hộ đầu tiên của chúng tôi, và với một công việc mới nữa.

Chẳng có thời gian để hoàn thành các thủ tục mà DVA yêu cầu, nhất là vào các ngày trong tuần từ 9:00 sáng đến 5:00 chiều, vậy nên tôi tạm dừng các yêu cầu hỗ trợ của mình.

Tôi nghĩ một khi cuộc sống ổn định, tôi sẽ tiếp tục việc yêu cầu trợ giúp này. Gần như tôi không nghĩ gì tới tất cả các vấn đề sức khỏe sẽ xuất hiện trong vài năm sau đó, hay việc mãi bốn mươi năm sau tôi mới nộp lại hồ sơ...

Chúng tôi làm việc suốt ngày đêm, 12 tới 14 tiếng mỗi ngày. Bất kể nắng mưa, ngày đêm, khỏe hay ốm, chúng tôi đều làm việc. Chúng tôi đã chất đầy các kho hàng, và thậm chí còn góp phần vào việc đầu độc chính chúng tôi sau này.

----------------------

Kỳ tới: Bệnh tật bắt đầu hành hạ

Nỗi đau chất độc da cam nhìn từ cựu binh Mỹ - Kỳ 1: Sự phản bội đầy gian tráNỗi đau chất độc da cam nhìn từ cựu binh Mỹ - Kỳ 1: Sự phản bội đầy gian trá

Hành trình điều tra chất độc da cam đã gây hại cho chính mình, Patrick Hogan, cựu binh Mỹ ở Việt Nam, cay đắng viết: 'Không nghi ngờ gì nữa, cụm từ Chất Da Cam sẽ được nhớ tới trong sự xấu hổ vô cùng dù cho Chính phủ Mỹ có bào chữa như thế nào'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên