10/07/2024 10:43 GMT+7

Nỗi đau chất độc da cam - Kỳ cuối: Cuộc đời nhiễm chất độc da cam bi thảm của Larry

Larry (Lawrence C. White) và tôi đã ở miền Nam Việt Nam gần như là cùng lúc, nhưng chúng tôi chưa bao giờ thực sự gặp nhau cho đến khi con gái tôi, Dena, và Corey, con trai Larry, bắt đầu hẹn hò.

Máy bay quân đội Mỹ đã rải chất độc và gây ô nhiễm nguy hiểm kéo  dài hàng chục năm sau chiến  tranh - Ảnh tư liệu

Máy bay quân đội Mỹ đã rải chất độc và gây ô nhiễm nguy hiểm kéo dài hàng chục năm sau chiến tranh - Ảnh tư liệu

Tuy nhiên rõ ràng là việc chúng tôi cùng có mặt ở Việt Nam đã là duyên tiền định cho chúng tôi.

Trong tọa độ bị rải chất độc

Hai chúng tôi là thành viên trọn đời của Câu lạc bộ Chất độc da cam của chú Sam ở Việt Nam. Quay lại năm 1966, để tránh bị gọi nhập ngũ, Larry đã thử mọi cách, chỉ còn thiếu việc chạy sang Canada. Sự thật là việc đó không quá khó khăn.

Trong trường hợp tệ nhất, nó chỉ gây đôi chút phiền phức. Nhưng rốt cuộc mọi nỗ lực của Larry chỉ vô ích.

Xung quanh căn cứ nơi Larry đóng quân, giống những nơi khác ở miền Nam Việt Nam, là một khu rừng nhiệt đới tươi tốt - một khu rừng đầy cây cối mà từ đó quân cách mạng sẽ tấn công rồi rút đi và biến mất trong thảm thực vật rậm rạp, nhanh chóng như khi họ xuất hiện.

Cả Larry, tôi và hàng trăm nghìn quân nhân khác đều không hề biết rằng trên thực tế sức khỏe và số phận tương lai của chúng tôi đã được chính phủ và quân đội lên kế hoạch chiến lược một cách cẩn thận đến như vậy.

Một cách có chủ đích, chúng tôi bị đưa vào lộ tuyến nằm trong các chương trình phun thuốc trừ sâu bí mật của chính phủ và quân đội Hoa Kỳ.

Những chiến thuật cố ý, nhưng lại chưa được thử nghiệm, mà lúc đó được mã hóa dưới những cái tên như Operation Hades (Chiến dịch Tử thần), Project Pink Rose (Dự án Hoa hồng), Operation Ranch Hand (Chiến dịch Ranch Hand), Operation Trail Dust (Chiến dịch Bụi đường mòn) và Operation Fly Swatter (Chiến dịch Cây đập ruồi).

Tuy nhiên, dù có mang tên gì thì đây cũng là những hoạt động rải chất da cam, chất trắng, DDT, malathion cùng một loạt các chất diệt cỏ và thuốc trừ sâu kinh hoàng được mã hóa màu với cái tên chung là "hoàng hôn" mà chúng sẽ thay đổi cuộc đời của hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các quân nhân có mặt ở Việt Nam. Việc sử dụng máy bay để phun, với phạm vi ngày càng rộng, rất nhiều loại thuốc trừ sâu độc hại được sản xuất nhanh chóng này sẽ tạo ra một cơn ác mộng thực sự với các căn bệnh cùng những vấn đề khác cho những người tiếp xúc chúng.

Cuối cùng thì chính việc chúng tôi đã tiếp xúc với vô số chất hóa học hữu cơ mà về sau đã tạo ra những tổn thương vô hình ở cấp độ tế bào và gene. Chúng sẽ cùng chúng tôi rời Việt Nam về nhà, và rồi chúng sẽ không ngừng đeo đuổi chúng tôi trong suốt quãng đời còn lại.

Tất cả chúng tôi đều chuẩn bị tinh thần đối mặt với những nguy hiểm, nhưng chưa bao giờ ngay cả trong những suy nghĩ hoang đường nhất, chúng tôi lại nghĩ rằng mình sẽ bị nguy hiểm từ việc quân đội của chúng tôi phun hàng chục triệu lít chất diệt cỏ và thuốc trừ sâu cực độc.

Qua thời gian, những chất hóa học cực kỳ nguy hiểm này sẽ trở thành một trong những kẻ giết người và gây thương tật nhiều nhất trong chiến tranh Việt Nam - những kẻ thù có sức tàn phá ghê gớm hơn nhiều so với những kẻ thù mà chúng tôi thực sự phải đối đầu.

Các chiến lược do Hoa Kỳ phát triển và thực hiện nhằm tiêu diệt côn trùng và hàng triệu héc ta rừng rậm rộng lớn ở miền Nam Việt Nam đã để lại một di sản kinh hoàng cho những người từng đóng quân ở đó cho dù Chính phủ Mỹ có thừa nhận điều này hay không(*).

Và Larry, cũng như tôi, chỉ là hai trong số quân nhân được triển khai đến miền Nam Việt Nam đã phải hứng chịu những chất độc hại đó.

Larry đã hoàn thành chuyến công tác bất đắc dĩ của mình ở miền Nam Việt Nam, và sau khi trở về, giống như nhiều người khác trong chúng tôi, tất cả những gì anh ấy muốn làm là quên đi cuộc chiến đầy đau đớn và tiếp tục cuộc sống của mình.

Nhưng mơ ước ấy là vô vọng vì cuộc chiến, cùng với các loại thuốc trừ sâu của nó, đã theo anh về nhà. Chúng im lặng chờ đợi, ẩn náu bên trong cơ thể anh cho đến khi sẵn sàng vồ lấy và tấn công anh. Chúng kiên nhẫn, tiến từng chút, thật chậm rãi, trong gần một thập kỷ trước khi bắt đầu hành động.

Cuối cùng chúng đã phục kích Larry lần đầu tiên khi anh 29 tuổi. Ngay khi cuộc sống tươi trẻ của anh đang trở lại bình thường thì anh bị một cơn đau tim kinh hoàng - cơn đau đầu tiên trong vô số những cơn đau sau này.

Cơn đau tim đầu tiên này - được chẩn đoán là bệnh tim thiếu máu cục bộ - đã giáng một đòn khá nặng vào Larry, khiến anh gần như không qua khỏi. Nhờ ơn Chúa cùng rất nhiều lời cầu nguyện và những kỹ năng tuyệt vời của các bác sĩ, anh đã qua khỏi dù vào lúc ấy các bác sĩ cho rằng anh khó có thể vượt qua.

Sau đó, Larry trở nên yếu ớt, đau đớn, và không thể làm được ngay cả những việc đơn giản nhất nếu không có người hỗ trợ. Anh hoàn toàn không thể gắng sức, chứ đừng nói tới làm việc. Larry đã mất một thời gian dài để phục hồi sau cuộc tấn công kinh hoàng đầu tiên đó.

Cuối cùng, qua thời gian, anh dần khỏe hơn nhưng trái tim của anh đã bị tổn thương nặng nề. Vậy nên để nuôi gia đình, Lois, vợ của Larry, phải đi làm trở lại vì anh hoàn toàn không thể làm việc.

Cả phần đời bị cắt cụt của Larry chỉ luẩn quẩn trong vòng vây của các bệnh viện và phòng khám. Anh vừa phải đấu tranh cho sự sinh tồn của mình vừa phải chiến đấu với DVA (Bộ Cựu chiến binh) để được trợ cấp. Anh sống phần đời bị rút ngắn của mình một cách chật vật bằng những gì gia đình anh có thể xoay xở được.

Cuối cùng thì anh cũng được hỗ trợ bởi hệ thống An sinh xã hội dành cho người khuyết tật và các chương trình hỗ trợ xã hội có trợ cấp từ nhà nước khác. Nói chung là các phúc lợi xã hội và phiếu hỗ trợ thực phẩm đã trở thành nguồn sống cho gia đình anh.

Bộ đội hóa học xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng

Bộ đội hóa học xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng

Bị chối bỏ cho đến chết

Larry đã nỗ lực trong suốt nhiều thập kỷ để tìm kiếm sự hỗ trợ của DVA. Anh đã nộp đơn đề nghị bồi thường thương tật và trải qua nhiều đợt giám định y khoa nhằm hưởng tiền bồi thường và hưởng lương cựu chiến binh với DVA.

Anh luôn nói rằng bệnh thiếu máu cơ tim của mình có liên quan tới việc tham gia quân ngũ, và là hậu quả của việc bị phơi nhiễm chất da cam trong khoảng thời gian ở Việt Nam. Tuy nhiên, những tiếng kêu và đơn thư của anh đã rơi vào thinh không.

Những đơn thư về tình trạng bệnh tật của Larry liên tục bị DVA chối bỏ vì, theo quan điểm của họ, không có đủ "bằng chứng" cho thấy tình trạng của anh có liên quan tới việc đi lính.

Theo họ thì không có bằng chứng xác thực rằng bệnh thiếu máu cơ tim của Larry là hậu quả của việc anh tiếp xúc với chất da cam và quá trình phục vụ của anh ở Việt Nam.

Thời gian trôi qua, Larry phải hứng chịu thêm một số cơn đau tim dữ dội và các vấn đề sức khỏe khác nữa. Thực sự là trái tim của anh đã bị tổn thương tới mức cuối cùng nó chỉ có thể bơm được một lượng máu rất ít. Hệ số tống máu thực tế của tim anh chỉ còn thấp hơn 35%.

Cuối cùng, bác sĩ đã phải cấy một máy khử rung - ổn định nhịp tim để duy trì sự sống cho anh. Nhưng rốt cuộc bệnh bạch cầu, chứ không phải trái tim bị tổn thương nặng nề ấy, đã lấy đi mạng sống của anh.

Anh chỉ là một trong những người lính đã bị thương, rồi cuối cùng mất mạng vì chiến tranh Việt Nam dù cho nơi anh ra đi là Denver, Pennsylvania, khoảng 40 năm sau khi rời Việt Nam. Hãy yên nghỉ nhé, người bạn già yêu quý của tôi.

Điều gây sốc là từ năm 29 tuổi cho đến những giây phút cuối cùng chiến đấu với bệnh tim và bệnh bạch cầu vào ngày 26-12-2009, ở tuổi 62, Larry chưa từng một lần nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ DVA.

Thật hổ thẹn khi mà, mãi cho tới ngày 30-10-2010, DVA mới bắt đầu xem xét lại các đơn từ của Larry - tức là gần một năm sau khi anh qua đời.

Cuối cùng, chính phủ của chúng tôi và DVA đã buộc phải thừa nhận rằng bệnh thiếu máu cơ tim, rồi tới bệnh bạch cầu, của Larry có liên quan tới quãng thời gian anh phục vụ ở Việt Nam, và chúng bắt nguồn từ những loại thuốc trừ sâu mà anh đã phải tiếp xúc.

Tuy nhiên, sự thừa nhận này đã muộn mất rồi. Larry đã phải sống cả đời trong cảnh nghèo đói, khổ sở, gần như là mòn mỏi từng ngày mà hoàn toàn không có chút hỗ trợ nào từ DVA.

*********

(*)Chính người Việt Nam mới là nạn nhân nhiều nhất, nặng nề nhất và kéo dài vì chất độc da cam/dioxin mà Mỹ đã rải trong chiến tranh.

Nỗi đau chất độc da cam nhìn từ cựu binh Mỹ - Kỳ 7: Chối trách nhiệm ở VN nhưng Mỹ sơ tán thị trấnNỗi đau chất độc da cam nhìn từ cựu binh Mỹ - Kỳ 7: Chối trách nhiệm ở VN nhưng Mỹ sơ tán thị trấn

Hô hào 'không đủ bằng chứng' về chất độc da cam nhưng năm 1982 Mỹ đã sơ tán toàn bộ thị trấn Times Beach do bị ô nhiễm dioxin-TCDD.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên