Ba dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đã được khởi công trực tuyến trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Và thêm nhiều biểu tượng nữa của hợp tác kinh tế song phương sẽ xuất hiện trong thời gian tới.
Ngày 29-8, hàng trăm đại biểu, doanh nghiệp Việt Nam và Singapore đã ngồi kín phòng sự kiện tại trụ sở Chính phủ. Khi hai thủ tướng đặt tay lên các quả cầu, dòng chữ VSIP hiện lên, cả khán phòng tràn ngập tiếng vỗ tay, đánh dấu việc Việt Nam có thêm ba khu VSIP.
Nhân rộng mô hình thành công
Ngoài nghi thức khởi công trực tuyến các khu VSIP Cần Thơ, VSIP Bắc Ninh 2 và VSIP Nghệ An 2, hai thủ tướng cũng chứng kiến lễ trao chấp thuận chủ trương đầu tư bốn khu VSIP khác tại Lạng Sơn, Thái Bình, Hà Tĩnh và Bình Thuận.
Nhiều tỉnh thành cũng đã ký kết bản ghi nhớ để nghiên cứu tính khả thi mở VSIP gồm: Bình Phước, Tây Ninh, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương và Hải Phòng.
Nhắc lại chuyến thăm Việt Nam cách đây 10 năm, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết ông từng dự lễ khởi công VSIP Quảng Ngãi, là VSIP thứ năm khi ấy. Kể từ sau đó, các VSIP ngày càng mở rộng trên khắp Việt Nam, thu hút hơn 18 tỉ USD và tạo ra 300.000 việc làm.
"Sự thành công của VSIP trong những năm qua sẽ không thể thành hiện thực nếu không có sự hỗ trợ của các chính quyền trung ương và địa phương Việt Nam", ông Lý Hiển Long nói.
Nếu hiện thực hóa được tất cả các dự án trên, Việt Nam sẽ có hơn 30 khu VSIP trên cả nước trong tương lai. Trong đó Cần Thơ sẽ là địa phương đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long có VSIP.
Đồng tình với Thủ tướng Singapore, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định VSIP là một mô hình thành công, ông tin mô hình đó sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới.
"Thành công của các bạn là thành công của chúng tôi, với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Singapore đến Việt Nam đầu tư là sẽ thành công", Thủ tướng nói.
Hai nhà lãnh đạo cũng chứng kiến việc công bố quyết định chấp thuận hoạt động khảo sát tài nguyên biển, đề xuất phát triển hạ tầng xuất khẩu điện gió ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore của liên doanh PTSC và Sembcorp.
Theo kế hoạch, sau khi được chấp thuận, liên doanh sẽ xúc tiến khảo sát khu vực khoảng 200.000ha trên biển để tìm địa điểm phù hợp đặt tuốc bin gió.
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất
Bên cạnh việc khởi động các VSIP mới, một sự kiện hợp tác đáng chú ý được cả hai thủ tướng chứng kiến ngày 29-8 là việc thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam - Singapore tại Bình Dương, cũng là nơi ra đời những VSIP đầu tiên.
Về lý do thành lập trung tâm, ông Nguyễn Văn Hùng - đồng chủ tịch VSIP - cho biết với sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như trong nước hiện nay, các doanh nghiệp không thể làm các khu công nghiệp đơn thuần như trước.
Xu hướng các khu công nghiệp mới phải kết hợp giữa công nghiệp, đô thị, dịch vụ với hàm lượng chất xám cao hơn.
Bản thân các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng phải tự đổi mới, phải nghiên cứu phát triển để tăng sức cạnh tranh. Việc thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam - Singapore nhằm tận dụng thế mạnh của các trung tâm nghiên cứu, trường đại học, nhà đầu tư hai nước để tạo cơ sở vật chất, hệ sinh thái cho các doanh nghiệp nghiên cứu.
Ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết tỉnh chấp thuận thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam - Singapore với sứ mệnh thực hiện các hoạt động kết nối, định hướng, tạo môi trường nghiên cứu khoa học và công nghệ, giúp doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động...
TS Ngô Minh Đức (Trường đại học quốc tế Miền Đông) cho biết việc hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các nhà trường, cơ sở nghiên cứu có quan hệ gắn bó với nhau.
Nếu như trước đây khi xây dựng các VSIP đầu tiên, hai bên chú trọng phát triển các trường cao đẳng nghề và đại học để cung cấp nhân lực cho nhà máy thì nay các trung tâm đổi mới sáng tạo lại tiếp tục là "bệ phóng" cho giai đoạn tiếp theo. Sau gần 30 năm hợp tác phát triển công nghiệp thành công, trung tâm đổi mới sáng tạo chính là chất xúc tác để các doanh nghiệp "làm mới" mình.
Được biết hệ sinh thái của Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam - Singapore đã có nhiều phòng thí nghiệm với máy móc hiện đại đặt tại Bình Dương. Không gian khởi nghiệp "Block71" theo mô hình Singapore hiện đã hoạt động tại TP.HCM và dự kiến sẽ có mặt tại Hà Nội để hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp.
Các địa phương như Bình Dương sau một thời gian phát triển đều đứng trước thách thức "bẫy thu nhập trung bình". Trung tâm đổi mới sáng tạo với các phòng thí nghiệm, máy móc thiết bị sẵn có, cùng sự hậu thuẫn của hai chính phủ và các đối tác nhiều kinh nghiệm từ Singapore sẽ giúp các nhà sáng tạo, các doanh nghiệp có công cụ để nghiên cứu, đổi mới mà không phải đầu tư.
TS Ngô Minh Đức
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận