21/06/2015 10:01 GMT+7

Nối dài học vấn cho sinh viên nghèo

D.KIM THOA (THEO GATES NOTES)
D.KIM THOA (THEO GATES NOTES)

TT - Lớn lên trong túng thiếu và khủng hoảng, người phụ nữ từng trải qua không ít gian khổ đã tìm ra giải pháp thiết thực giúp nhiều người trẻ nhập cư ở Mỹ không bị đứt đoạn trên hành trình học vấn.

Bà Cheryl Hyman trò chuyện với cựu chủ tịch Tập đoàn Microsoft Bill Gates - Ảnh: YouTube
Bà Cheryl Hyman trò chuyện với cựu chủ tịch Tập đoàn Microsoft Bill Gates - Ảnh: YouTube

Đó là bà Cheryl Hyman, hiệu trưởng của Khối các trường cao đẳng thành phố Chicago (CCC), một trong hai hệ thống cao đẳng cộng đồng lớn nhất tại Mỹ.

Bà là người giành được nhiều thiện cảm của tỉ phú Bill Gates. Ông này đã viết: “Thi thoảng bạn có dịp gặp ai đó mà những việc họ làm được tuyệt vời tới mức bạn muốn chia sẻ lại câu chuyện của họ như một kinh nghiệm đáng học hỏi với những người khác. Đó là cảm giác của tôi khi gặp chị Cheryl Hyman”.

Năm 2010, khi được giao phụ trách CCC, bà Cheryl đứng trước nhiệm vụ rất nan giải. Hơn 90% sinh viên của bà đều không thể giải quyết được những khó khăn, chủ yếu về tài chính, trong quá trình theo học. Vì phần lớn xuất thân trong các gia đình nghèo khó nên rốt cuộc họ đã đầu hàng áp lực cơm áo và bỏ học.

Trên thực tế, khó khăn của bà Cheryl cũng là khó khăn chung mà nền giáo dục đại học ở Mỹ đang vấp phải. Trong vài thập kỷ gần đây, mặc dù tỉ lệ sinh viên nhập học tăng đáng kể nhưng tỉ lệ tốt nghiệp lại không như vậy. Trên toàn quốc chỉ khoảng 50% sinh viên các trường cao đẳng - đại học tốt nghiệp. Với CCC, chỉ có 7% sinh viên tốt nghiệp.

Nhưng với bà Cheryl, đây không phải lần đầu tiên cuộc đời đặt ra thách thức với bà. Lớn lên trong dãy nhà ở dành cho người thu nhập thấp ở khu vực West Side của Chicago, bà sớm phải vật lộn mưu sinh. Cha mẹ ghiền ma túy, năm 17 tuổi, với mong muốn thoát khỏi những khủng hoảng gia đình, cô bé Cheryl quyết định nghỉ học bỏ nhà tới xin việc ở một quán thức ăn nhanh.

Nhưng rồi cô nhận ra công việc đó không thể là giải pháp giúp cô sống tốt hơn. Muốn vậy, nhất định cô phải có kiến thức, trình độ. Và Cheryl quyết định trở lại trường, tốt nghiệp cấp III và tiếp tục trui rèn thêm hai năm tại CCC trước khi chuyển sang học tiếp ở Viện Công nghệ Illinois để lấy tấm bằng cử nhân khoa học máy tính.

Sau khi tốt nghiệp, Cheryl nhận công việc đầu đời tại hãng điện tử lớn nhất Illinois lúc đó là ComEd. Những nỗ lực cống hiến tiếp theo đã đưa bà lên cương vị phó chủ tịch công ty. Thế rồi năm 2010, bà nhận được điện thoại từ thị trưởng Chicago lúc đó là ông Richard M. Daley. Ông thị trưởng mời bà về lãnh đạo mạng lưới bảy trường cao đẳng cộng đồng của thành phố để giúp các sinh viên địa phương gặt hái thành công như bà. Sau đó, bà tiếp tục được thị trưởng Chicago nhiệm kỳ sau là Rahm Emanuel tái bổ nhiệm.

Bỏ ngoài tai những lời ong tiếng ve của dư luận nói bà không được đào tạo bài bản trong ngành giáo dục, bà Cheryl dồn mọi tâm huyết vào những cải cách hiệu quả và thiết thực để giúp sinh viên của mình thành công.

Đầu tiên bà chủ trương các lĩnh vực ngành nghề đào tạo của CCC phải đáp ứng sát với nhu cầu nhân sự của các doanh nghiệp trong khu vực. Bà gây dựng quan hệ hợp tác giữa CCC với lãnh đạo các ngành nghề để biết rõ ở đâu đang rất cần nhân lực. Từ quan hệ hợp tác này, CCC có điều kiện gửi sinh viên tới thực tập trực tiếp tại các ngành nghề đang theo học, từ đó mở ra rất nhiều cơ hội việc làm với họ.

Thứ hai bà dành nhiều hỗ trợ hơn cho các sinh viên. Ngoài việc tăng cường hoạt động tư vấn giúp đỡ, bà chủ trương thay đổi các chương trình khóa học, tổ chức thời gian lên lớp linh hoạt hơn để họ có thể vừa hoàn thành chương trình đào tạo ở trường, vừa ổn định cuộc sống riêng tư mà không phải bỏ học.

Thứ ba là một lựa chọn mà có lẽ với nhiều người, bà Cheryl đã tự làm khó mình. Một cách rất dễ dàng để bà nâng tỉ lệ tốt nghiệp ở CCC là chỉ chọn vào những sinh viên có thành tích học tập tốt nhất và giảm bớt số lượng. Nhưng không, bà lại muốn đào tạo cả các sinh viên thua kém ở một vài kỹ năng như làm toán hay viết luận và giúp cho họ tốt nghiệp.

Không ít sinh viên đã được hưởng lợi từ những cải cách giáo dục trong hệ thống CCC của bà Cheryl. Một trong những người đó là Lidia Sanchez. Cô là người Mexico di cư tới Chicago và là người đầu tiên trong gia đình có được tấm bằng cao đẳng.

Lidia cho biết không phải lúc nào mọi sự cũng dễ dàng, nhưng nhờ sự tư vấn hỗ trợ và các chính sách đào tạo thiết thực, hiệu quả của CCC, tháng vừa rồi cô đã tốt nghiệp với tấm bằng về nghệ thuật ẩm thực. Cô đang làm việc trong bếp của hai nhà hàng nổi tiếng nhất ở Chicago và háo hức với ước mơ một ngày nào đó sẽ sở hữu riêng một nhà hàng ăn uống.

Từng người từng người một giống như Lidia, theo năm tháng, đã góp thêm vào thành công của CCC. Từ năm 2010 đến nay, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp của trường đã tăng gấp đôi lên 14% và trong ba năm qua, trường đã được tặng thưởng vì có số sinh viên tốt nghiệp cao nhất trong lịch sử tồn tại và phát triển của nó.

Dù thế, với nữ hiệu trưởng Cheryl Hyman, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Bà cho biết chưa thể hài lòng cho tới khi nào tỉ lệ sinh viên của bà tốt nghiệp đạt 100%. Nhưng dù sao đi nữa, những gì bà làm được với CCC đã tạo niềm tin với mọi người rằng giáo dục đại học hoàn toàn có cách để thay đổi hiệu quả.

D.KIM THOA (THEO GATES NOTES)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên