Việc nấu cơm ngày nay trở nên dễ dàng hơn với những chiếc nồi điện đa năng - Ảnh: GETTY
Năm 1955-1956, công ty Toshiba (Nhật Bản) tung ra thị trường chiếc nồi cơm điện tự động đầu tiên, tạo nên một cuộc cách mạng với các bà nội trợ và khơi mào cho cuộc đua sản xuất đồ gia dụng của các công ty điện tử sau đó.
Những chiếc nồi cơm điện đơn giản đầu tiên
Chiếc nồi cơm điện do Toshiba sản xuất sử dụng phương pháp nấu cơm gián tiếp hai buồng. Tức là gạo được cho vào nồi gạo và nước vào thùng chứa xung quanh. Khi nước trong nồi bên ngoài sôi hết, nhiệt độ trong nồi tăng lên nhanh chóng. Một bộ điều chỉnh nhiệt sẽ được kích hoạt và tự động tắt nồi để tránh cơm chín bị cháy.
Chỉ trong vài năm, Toshiba đã sản xuất 200.000 nồi cơm điện mỗi tháng cho thị trường Nhật Bản. Chưa tới 5 năm, nồi cơm điện trở thành "món đồ gia dụng quốc dân" khi nhà nào cũng muốn mua về một chiếc.
Tuy rất thành công về mặt thương mại nhưng loại nồi cơm này lại có những hạn chế nhất định như thời gian nấu lâu, nồi nặng và cồng kềnh, không giữ ấm sau khi công tắc bật.
Một góc bếp Kamado nấu cơm truyền thống của Nhật Bản - Ảnh: TANAKA JUUYOH
"Cuộc chiến" sản xuất nồi cơm điện
Nhận thấy nhu cầu và thị trường tiềm năng không chỉ ở Nhật Bản mà toàn châu Á, sau năm 1956, các công ty điện tử lớn của Nhật Bản khi đó và cả chính Toshiba cùng bước vào cuộc đua sản xuất đồ gia dụng và cải tiến nồi cơm điện.
Chỉ sau đó một thời gian ngắn, Matsushita Electric - hiện được biết đến nhiều hơn với tên gọi Panasonic, phát hành nồi cơm điện EC-36, với một nồi duy nhất.
Năm 1965, công ty Zojirushi Thermos bắt đầu bán nồi cơm điện có chức năng giữ ấm, sử dụng bộ điều chỉnh nhiệt bán dẫn. Sản phẩm đã bán được 2.000.000 chiếc mỗi năm. Các nhà sản xuất khác nhanh chóng làm theo.
Sau đó, hãng Toshiba cải tiến sản phẩm của mình, cho ra đời chiếc nồi cơm điện có hai chức năng được chờ đợi là hẹn giờ nấu và giữ ấm sau khi công tắc đã bật.
Các bà nội trợ có thể chuẩn bị gạo từ tối hôm trước, hẹn giờ để nồi sẽ nấu trong đêm và sáng hôm sau có cơm nóng sẵn sàng khi thức dậy.
Sau khi nhiệt độ sôi và cơm hấp thụ hết nước, công tắc sẽ bật sang chế độ giữ ấm, giúp nồi cơm luôn ấm nóng ngay cả khi nấu trong những ngày đông tuyết giá hoặc chưa ăn ngay.
Nồi cơm điện đã tạo nên một cuộc cách mạng cho các hộ gia đình Nhật Bản những năm 1960 chẳng kém gì tủ lạnh, máy hút bụi, máy giặt và tivi.
Cuộc chạy đua sản xuất nồi cơm điện của các hãng điện tử như Sharp, Toshiba, Panasonic, Sony... vẫn tiếp tục kéo dài cho đến năm 1970-1980, với sự ra đời của các loại nồi có tích hợp vi máy tính giúp kiểm soát sự thay đổi nhiệt độ ở mức tốt hơn nhiều so với trước đây.
Nồi cơm điện hiện nay có rất nhiều kiểu dáng và chức năng - Ảnh: ERIC HUNT
Nồi hiện đại, hương vị cơm truyền thống
Cho đến thập niên 1980, khi nồi cơm điện ngày càng trở nên tiện lợi và phổ biến, một số người bắt đầu khao khát hương vị của cơm nấu bằng bếp kamado. Đặc điểm chính của cơm được chế biến bằng bếp truyền thống là tạo ra hương vị và độ mềm dẻo mà các loại nồi điện không tạo ra được.
Sự ra đời của bếp sưởi bằng cảm ứng vào cuối những năm 1980 đã tạo cảm hứng cho sự ra đời của loại nồi có nhiệt độ cao như bếp củi tạo ra.
Hầu hết các loại nồi cơm điện ra đời sau đó đều hướng đến các tiện ích hiện đại nhưng đảm bảo cơm chín có được hương vị của truyền thống giống như nấu bằng nồi gang, nồi đất.
Một số hãng còn sản xuất loại nồi cơm bỏ hẳn chức năng giữ ấm, cho rằng quá trình nấu chín và ăn luôn sẽ ngon hơn, giống như cơm nấu trên bếp củi trong trời lạnh.
Nồi cơm không chỉ để nấu cơm
Từ những năm 1990, nồi cơm điện bắt đầu được sản xuất nhiều hơn tại Trung Quốc, Hàn Quốc với nhiều kiểu dáng, mẫu mã, chất liệu khác nhau.
Về cơ bản, nồi cơm điện vẫn sử dụng một thùng cách nhiệt bên ngoài và một nồi có thể tháo rời bên trong, thường được phủ một bề mặt chống dính.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất tích hợp thêm rất nhiều chức năng mới khiến nhiều người còn liệt kê việc nấu cơm bằng nồi điện thực sự là môn nghệ thuật.
Người dùng có thể lựa chọn các chức năng nấu cơm theo từng loại gạo (nếp, tẻ, gạo lứt), chọn thời gian nấu và mực nước khác nhau để tạo ra cơm chín mềm, vừa, tơi hoặc nấu thành cháo.
Một số loại nồi bổ sung phụ kiện để làm món hấp, nấu súp, nấu cháo, yogurt, làm sữa đậu nành. Thậm chí một số nồi có thể chuyển sang chế độ làm tơi cơm sau khi chín hoặc xoay tròn, đánh nhuyễn gạo nếp để tạo thành bột làm bánh.
Lõi nồi nấu không chỉ là kim loại mà còn được làm từ gốm, hoặc kim loại phủ các lớp chất liệu đặc biệt và sử dụng nhiệt cảm ứng nhằm tạo ra hương vị cơm ngon hơn.
‘Không có sản phẩm hoàn hảo nhất, chỉ có sản phẩm hoàn hảo hơn’, câu nói này rất đúng với sự phát triển của nồi cơm điện. Hơn nửa thế kỷ sau sự ra đời của sản phẩm đầu tiên, chiếc nồi cơm điện bây giờ không chỉ để nấu cơm đơn giản mà còn tích hợp nhiều chức năng phức tạp.
Và cũng không ai có thể đoán trước tương lai sản phẩm này còn có thể có thêm các chức năng mới nào để giảm bớt gánh nặng nấu nướng cho các bà nội trợ, biến việc nấu ăn trở thành niềm vui tận hưởng thành tựu khoa học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận