Bên một đoạn đường hẻo lánh hoang vắng, một cây bạch đàn phủ đầy áo ngực. Cách đó vài giờ về phía nam, một cái cây khác cũng chất đầy những đôi giày cũ. Ở phía tây, trên bờ sông Murray Darling, hàng trăm đôi dép được đóng đinh vào một thân cây đã bị xẻ ra.
Và cách Brisbane vài giờ về phía tây, năm chiếc xe đạp gỉ sét và hai đôi giày được treo trên một cây bạch đàn già. Một tấm biển được đóng đinh trên thân cây, gọi nó là "cây Onya", viết tắt của "goodonya" hoặc "good on you".
Tại sao lại treo áo ngực lên cây?
"Một số có thể giải thích được, số khác thì không", nhà sử học Canberra - tác giả Nichole Overall nhận định sau khi điều tra nguồn gốc hàng trăm con gấu bông bị đóng đinh trên cây dọc theo quốc lộ phía ngoài thủ đô Canberra của xứ sở kangaroo - Úc.
Sau nhiều năm tìm hiểu những truyền thuyết đô thị đằng sau "hiện tượng" trên, bà Overall cho rằng đây có thể là một dạng "đài tưởng niệm". Tuy nhiên, tại sao chúng lại xuất hiện và trở nên nhiều như vậy thì vẫn là một điều khó có thể giải thích được.
Một vài "đài tưởng niệm" có nguyên do của nó như trường hợp "cây áo ngực". Theo đó, một hiệu phó địa phương đã qua đời vì bị ung thư vào năm 2011, học sinh và người dân đã nhớ đến cô theo hình thức treo những chiếc áo ngực lên thân cây bạch đàn. Còn "cây giày" để tưởng nhớ mẹ chồng của Nicole Print, người đã sưu tập hơn 3.000 đôi giày bằng sứ.
Print kể: "Khi mẹ chồng tôi qua đời, chúng tôi quyết định làm một điều gì đó để vinh danh bà. Chúng tôi đã tìm thấy một cái cây hoàn hảo trên đường từ Mildura đến Adelaide, và đặt tất cả những đôi giày bà từng sử dụng lên trên đó, cùng với những đôi giày cũ của chúng tôi".
Trong khi đó, "cây Onya" được cho là tác phẩm của một người đàn ông từng sống gần đó. Một bài đánh giá trên Google Maps cho biết: "Rất đáng để ghé thăm, hãy đảm bảo bạn mang theo một chiếc xe đạp cũ".
Bà Overall cho biết mô tả những cái cây là "một hiện tượng văn hóa", có thể vượt ra ngoài ý nghĩa ban đầu của chúng.
"Những chú gấu bông được treo lên cây đã tồn tại được gần bốn thập kỷ. Mọi người sẽ không biết tại sao hoặc ý nghĩa của nó là gì, ngoại trừ việc cảm thán 'à, đây có vẻ là một ý tưởng hay' vậy", bà Overall nói thêm.
John Malouff, phó giáo sư của Đại học New England, bày tỏ quan điểm: "Việc treo đồ vật lên mấy cái cây như việc đang cố gắng thể hiện một điều gì đó một cách nghệ thuật. Đó có thể là nghệ thuật công cộng".
Tuy nhiên, Felicity Fenner, chủ tịch hội đồng cố vấn nghệ thuật công cộng của thành phố Sydney, không đồng ý. Bà phát biểu: "Tôi không phân loại những thứ này là nghệ thuật. Mục đích của nghệ thuật là truyền tải những câu chuyện hoặc trình bày vấn đề rõ ràng, theo cách sáng tạo riêng cho nhóm hoặc địa điểm đó".
"Chúng dường như bắt chước lẫn nhau và xuất hiện ở khắp mọi nơi, kể cả những khu vực chẳng liên quan. Tôi không tán thành lý thuyết mọi người đều là nghệ sĩ. Những điều này có được thực hiện bởi các nghệ sĩ thực sự? Tôi nghi ngờ điều đó", bà Fenner phản đối.
Người phát ngôn của Bộ Môi trường cho biết Chính phủ Úc "không có bất kỳ thẩm quyền nào liên quan đến việc trang trí từng cây xanh trên khắp nước Úc". Tuy nhiên, chính quyền địa phương yêu cầu giấy phép để thay đổi cây cối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận