29/07/2024 21:34 GMT+7

Nói có bom trên máy bay, trò đùa nguy hiểm sao vẫn cứ lặp lại?

Mỗi công dân cần ý thức tránh những trò đùa nguy hiểm hoặc bất chấp an toàn chỉ để làm lố, câu view. Trong trường hợp liên quan đến an ninh hàng không thì lại càng phải hết sức cẩn trọng.

Hành khách tung tin có lựu đạn trong vali khiến chuyến bay từ Đà Nẵng vào TP.HCM chậm 50 phút - Ảnh minh họa: TRƯỜNG TRUNG

Hành khách tung tin có lựu đạn trong vali khiến chuyến bay từ Đà Nẵng vào TP.HCM chậm 50 phút - Ảnh minh họa: TRƯỜNG TRUNG

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, liên quan đến vụ một hành khách tung tin có lựu đạn trong vali khiến chuyến bay từ Đà Nẵng đi TP.HCM bị chậm 50 phút, Cục Hàng không Việt Nam vừa ra quyết định cấm vận chuyển bằng đường hàng không (cấm bay) 12 tháng đối với hành khách này.

Ngoài ra, hành khách Nguyên Thanh Ph. còn bị áp dụng biện pháp kiểm tra trực quan bắt buộc khi đi máy bay trong 6 tháng, tính từ ngày 30-7-2025 đến hết ngày 29-1-2026.

Đây không phải lần đầu cơ quan chức năng ra quyết định cấm bay đối với những hành khách "vạ miệng".

Nhiều bạn đọc thắc mắc vì sao vẫn lặp đi lặp lại chuyện này?

Nhằm góp thêm góc nhìn, thạc sĩ Trần Xuân Tiến đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Những bài học

Tháng 7-2012, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án phạt H.T.T.T. (sinh năm 1987, thường trú phường 6, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) 15 tháng tù, cho hưởng án treo về tội cản trở giao thông đường không.

Theo hồ sơ, nữ hành khách H.T.T.T. có mặt trên chuyến bay của Hãng hàng không Vietnam Airlines từ Hà Nội đi Đà Lạt vào tháng 7-2011. Khi được tiếp viên yêu cầu để hành lý xách tay trên hộc để đồ thì H.T.T.T. nói rằng trong túi có bom.

Hành vi "nói đùa" (như cách H.T.T.T. giải thích sau đó) đã khiến chuyến bay bị trễ 3 tiếng, và 2 chuyến bay khác cũng bị chậm theo, tổng thiệt hại trên 300 triệu đồng vào thời điểm đó. Quan trọng hơn đã đe dọa tới sự an toàn của chuyến bay, an ninh hàng không.

Hay vào tháng 8-2022, cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã ra quyết định cấm vận chuyển bằng đường hàng không 6 tháng với nữ hành khách tên L.M.X.Y. (sinh năm 1996, trú tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) do đã cố ý không chấp hành quy định về trật tự công cộng tại cảng hàng không, sân bay.

Lần đó, khi chiếc xe buýt chở khách từ nhà ga hàng không Phú Quốc ra máy bay vừa mở cửa, nữ hành khách này đã rời khỏi xe buýt, chạy ra tạo dáng để quay và đưa lên mạng xã hội nhằm thu hút người xem.

Cần biện pháp chế tài thích đáng

Dù còn tranh luận nên xử lý hành chính hay hình sự đối với sự việc trên, nhưng rõ ràng hành khách cần ý thức không được đưa ra trò đùa nguy hiểm thông tin sai sự thật, gây hoang mang, đe dọa an toàn chuyến bay.

Những trò đùa tưởng chừng hài hước cho vui, hoặc câu view... thực tế lại mang đến hậu quả không lường.

Khi có thông tin xuất hiện chất nguy hiểm như bom, đạn, vật cháy nổ…, dù thật hay giả, đều sẽ gây ra sự gián đoạn lớn trong lịch trình bay, làm mất thời gian của hành khách, ảnh hưởng đến các chi phí phát sinh (hạ cánh khẩn cấp, kiểm tra an toàn…).

Đáng nói, sự việc còn có thể gây ra tình trạng hỗn loạn khi các hành khách trong tình trạng lo lắng, sợ hãi. Vì vậy, cơ quan quản lý cần thực hiện một số biện pháp nhằm nâng cao ý thức của hành khách về việc đảm bảo an toàn bay, an ninh hàng không.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần tăng cường các hình thức tuyên truyền, truyền thông nhận thức như áp phích, thông báo, các video clip hướng dẫn… nhấn mạnh về nguy cơ, hệ lụy, trách nhiệm, chế tài của việc tung tin đồn nói riêng và các hành vi khác ảnh hưởng đến an toàn bay nói chung.

Về phía hành khách, cần xác định tính trách nhiệm trước khi tiếp nhận, chia sẻ thông tin. Bằng cách tuân thủ quy định an ninh, báo cáo thông tin kịp thời và tránh chia sẻ tin đồn, mỗi hành khách đều góp phần bảo đảm an toàn hàng không.

Về chế tài, hiện nay các nghị định số 92/2015 của Chính phủ về an ninh hàng không, nghị định số 162/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng… đều quy định rõ hình thức chế tài, xử lý.

Nếu chưa đủ răn đe, thiết nghĩ cơ quan chức năng nên nghiên cứu, nâng mức xử phạt.

Câu view bất chấp

Năm 2022, sau vụ nữ hành khách L.M.X.Y. chạy ra tạo dáng ở sân bay để quay và đưa lên mạng xã hội nhằm thu hút người xem, dù đã bị phạt, nhưng từ đó đã tạo trend (xu hướng) nhiều vụ việc tiếp theo, theo chiều hướng tiêu cực.

Mới đây nhất là vụ cô gái lao ra đường ray xe lửa tạo dáng chụp ảnh, bất chấp nguy hiểm, cũng là kiểu đu trend bất chấp.

Theo tôi, "đu trend" là một hành động nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo. Để "đu trend" không lập dị, không ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, không vi phạm đạo đức, pháp luật... cần phải có nhiều kỹ năng.

Chơi Chơi 'dao' TikTok, có ngày... cấm bay

TTO - Liên tiếp những clip TikTok quay tại sân bay khiến dư luận nổi sóng, còn các nhà quản lý hàng không phải lên tiếng về sự nguy hiểm uy hiếp an toàn bay, cảnh báo việc có thể cấm bay với những hành khách còn rất trẻ này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên