Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis - Ảnh chụp màn hình |
Trước đó vài giờ, trên tài khoản Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã bị Triều Tiên "tống tiền suốt 25" nên sẽ không đối thoại với Bình Nhưỡng nữa.
Thế rồi khi trả lời câu hỏi của phóng viên trước khi bước vào cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc tại Lầu Năm Góc trong ngày 30-8, bộ trưởng Mattis lại khẳng định sẽ "không bao giờ" có chuyện loại trừ giải pháp ngoại giao.
"Chúng ta sẽ không bao giờ rời bước khỏi các giải pháp ngoại giao. Chúng ta vẫn sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau. Bộ Quốc phòng và tôi cùng chia sẻ trách nhiệm đem lại sự bảo vệ cho đất nước này, người dân Mỹ và các lợi ích của nước Mỹ", hãng tin Reuters dẫn lời ông Mattis.
Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á lại trở thành tâm điểm chú ý của thế giới sau khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung bay ngang qua phần lãnh thổ phía bắc của Nhật Bản. Hành động của Triều Tiên bị cáo buộc là làm leo thang căng thẳng nghiêm trọng.
Phát biểu tại Hội nghị giải trừ quân bị của Liên Hiệp Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 30-8, đại diện Mỹ, ông Robert Wood đã kêu gọi "hành động phối hợp" của cộng đồng quốc tế trong việc gây áp lực, buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa.
Vị này nhấn mạnh gia tăng trừng phạt kinh tế là cách để Bình Nhưỡng bỏ cuộc.
"Mục đích của việc sử dụng các biện pháp trừng phạt là để gây áp lực lên chính quyền Triều Tiên, buộc họ phải từ bỏ các chương trình hạt nhân và những hoạt động bị cấm, chứ không phải để trừng phạt nền kinh tế, nhân dân Triều Tiên và những nước còn lại", ông Wood giải thích.
Hồi đầu tháng này, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã áp lệnh trừng phạt Triều Tiên vì các vụ thử tên lửa của nước này trong tháng 7.
Sau vụ bắn thử sáng 29-8, Hội đồng Bảo an cũng đã tổ chức họp khẩn nhưng không có bất kỳ lệnh trừng phạt mới hay chỉ trích cứng rắn đáng kể nào.
Trong khi đó Thủ tướng Anh Theresa May vẫn tin vào vai trò của Bắc Kinh trong việc kềm tỏa những hoạt động thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản kéo dài 3 ngày, Thủ tướng May và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí phối hợp chống lại mối đe dọa an ninh "chưa từng có tiền lệ" từ Triều Tiên.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trước thềm cuộc hội đàm chính thức dự kiến diễn ra vào ngày 31-8 ở thủ đô Tokyo, trong bữa tối tại cố đô Kyoto, ông Abe và bà May đều khẳng định các hành động khiêu khích của Triều Tiên đang gây ra "mối đe dọa nghiêm trọng, nguy hiểm chưa từng có".
Hai nhà lãnh đạo cùng nhất trí phối hợp nhằm tăng cường sức ép với Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong vấn đề này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận